Cán bộ cấp cao vướng vòng lao lý, bị khởi tố, truy nã, điều ấy cũng không còn xa lạ, bởi pháp luật được xem trọng, mọi người đều bình đẳng và công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng thực sự không có vùng cấm.
Điều 3 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức (năm 2019) quy định nguyên tắc đầu tiên trong 5 nguyên tắc khi thi hành công vụ là: "Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật". Vậy nên, khi cán bộ vi phạm nguyên tắc này, tùy theo các mức độ khác nhau mà có hình thức kỷ luật tương ứng. Thế nên, việc cán bộ bị bắt có khi lại là điều tốt, bởi đã loại bớt những "con sâu" trong bộ máy công quyền.
Thế nhưng việc chỉ trong thời gian ngắn, tại nhiều địa phương, liên tiếp xuất hiện những thông tin về việc cán bộ đương chức và không còn đương chức vướng vòng lao lý thì rõ ràng là đáng suy nghĩ. Thứ nhất, đó là điều đau lòng, bởi không ai muốn cán bộ của mình, nhất là cán bộ cấp cao, có ảnh hưởng lớn tới ngành, địa phương vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự.
Càng đau lòng hơn, khi biết rằng số tiền mà các cán bộ cấp cao gây thất thoát, lãng phí là rất lớn. Thậm chí, dư luận còn căm phẫn khi biết không ít cán bộ biết rõ là sai phạm nhưng vẫn lờ đi, "nhắm mắt" ký trình, phê duyệt nhằm tư lợi cá nhân, thu vén cho nhóm lợi ích. Điều ấy gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của nhân dân vào bộ máy công quyền, vào những "đầy tớ", "công bộc của dân"…
Xin nhắc lại rằng việc cán bộ bị bắt cũng là lẽ thường, nhưng việc một cán bộ ở Thành phố Hồ Chí Minh vừa được bổ nhiệm trong vòng nửa tháng đã bị khởi tố thì rất đáng suy nghĩ. Rõ ràng, ở đây có sự bất cập trong công tác quy hoạch cán bộ, kể cả khâu quản lý và đánh giá, bởi việc bổ nhiệm cán bộ trong thời gian gần đây đã tuân theo các quy trình khá bài bản, chặt chẽ, công khai, ít để lọt những người thiếu đức, thiếu tài, những "con sâu" vào trong bộ máy… Điều đáng tiếc này cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác nhân sự, công tác quy hoạch cán bộ cho nhiệm kỳ mới của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành.
Chủ tịch Hồ Chí Minh răn dạy cán bộ "phải là đầy tớ trung thành, là công bộc của nhân dân". Ấy thế nhưng không ít "đầy tớ", "công bộc" đã không giúp gì được cho dân, cho nước mà còn gây thiệt hại đủ đường, không chỉ về vật chất mà cả niềm tin, gây tổn hại đến uy tín của Đảng. Thế nên, việc chẳng đặng đừng là bắt, xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm pháp luật cũng như cắt bỏ những "ung nhọt" để trị bệnh dứt điểm, giúp cơ thể khỏe mạnh là bắt buộc phải làm. Có như thế, lòng dân mới yên, niềm tin của dân với Đảng mới trọn vẹn, vững bền.