Tại sao căn bệnh lạ này thường xảy ra ở phái đẹp mà hiếm khi thấy xuất hiện ở phái mày râu cho dù điều kiện và hoàn cảnh có những điểm tương đồng?
Bối cảnh xuất hiện bệnh
Trong hoàn cảnh nào đó, thường là đang lúc quây quần bên nhau dưới gốc cây trong sân trường, chào cờ buổi sáng hoặc trong buổi sinh hoạt tập thể, cắm trại, picnic… một tóc dài đột nhiên có các biểu hiện rất khác thường và được thầy cô, bạn bè hay người xung quanh đưa đi cấp cứu ngay sau đó.
Đây có thể là lần đầu hay đã nhiều lần xảy ra với tóc dài đó hoặc là một tóc dài nào khác. Vài tóc dài hoặc tóc ngắn đang có mặt chứng kiến “tỏ vẻ” hiểu biết, nhỏ to rằng: “Mụ” ấy bị “hít-tê-ri”. Đôi lúc lời của các “thầy bói” tuổi học trò lại trùng với sự thật. Đó chính là bệnh Hysteria. Nhưng đây chỉ mới là một ca bệnh lẻ mà thôi!
Bệnh Hysteria có thể lan ra như là thứ dịch trong cộng đồng gồm toàn là nữ như là khu tập thể nội trú toàn là học sinh nữ, sinh viên nữ hoặc là các nữ công nhân trẻ. Ban đầu chỉ có 1 - 2 người chợt cười, chợt khóc. Những người khác thì chăm sóc, dỗ dành, khuyên can. Nhưng rồi tất cả đều đồng loạt có biểu hiện như nhau.
Một thời bệnh này đã bị tăm tỉa dưới cái nhìn khắt khe và mang tính mỉa mai, châm chọc. Nhiều người cho rằng đây là căn bệnh thiếu bóng dáng của những người khác phái. Nhưng thật ra đó là một quan niệm sai lầm, không mang tính khoa học mà chỉ là những lời rỉ tai vô căn cứ nhưng lại có tính ly kỳ và hấp dẫn...
Nguồn gốc và tỉ lệ mắc bệnh
Ảnh minh họa. |
Hysteria có nguồn gốc từ chữ Hy Lạp là “hustera” - nghĩa là tử cung (uterus). Cho đến thế kỷ thứ 17 người ta vẫn quan niệm rằng bệnh này có liên quan đến sự rối loạn bộ phận “độc quyền” này của nữ giới.
Đây là một căn bệnh cũ rích, vì đã được giới thầy thuốc thủy tổ nghiên cứu chữa trị từ nhiều trăm năm trước công nguyên. Tên bệnh do ông tổ nền y học thế giới là Hippocrates (460 - 370 TCN) đặt ra.
Bệnh Hysteria còn được gọi là rối loạn phân ly. Đây là một bệnh thuộc lĩnh vực Tâm thần học. Các biểu hiện bệnh là do loạn thần tâm căn gây ra. Đặc điểm cơ bản của rối loạn phân ly là tăng cảm xúc và tăng tính ám thị.
Bệnh Hysteria hiếm gặp ở nam giới, nhưng thường gặp ở nữ giới, nhất là những người có tinh thần yếu đuối, thích được chiều chuộng, thiếu tính tự chủ, không biết tự kiềm chế, kém lạc quan và thiếu lý tưởng sống.
Tỉ lệ mắc bệnh khoảng 0,3 - 0,5% dân số. Có nghiên cứu kết luận tỷ lệ mắc bệnh nữ/nam là 10/1. Biểu hiện bệnh rất phong phú, thường xảy ra sau một stress về tâm lý cá nhân như là sự lo sợ quá mức, sự tức giận nặng nề hay sự thất vọng ngập tràn.
Đôi khi, bệnh bùng lên thành “dịch” trong một tập thể đang cùng chia sẻ những “khó khăn” về mặt tinh thần cũng như thể chất. Ngoài ra, bệnh còn bị chi phối bởi một số yếu tố khác như nhiễm khuẩn, nhiễm độc, suy dinh dưỡng và chấn thương sọ não trong quá khứ.
Các nghiên cứu cũng cảnh báo, những đứa trẻ được nuông chiều quá mức cũng là đối tượng dễ mắc bệnh Hysteria hơn những đứa trẻ ít được nuông chiều hoặc không được nuông chiều.
Dấu hiệu nhận biết và hướng điều trị
Ảnh minh họa. |
Các biểu hiện của bệnh diễn biến từ mệt mỏi, đau nhức, thở khó, co rút chân tay đến khóc cười, giãy giụa, la hét, sợ hãi vô cớ, thích được quan tâm và tự ám thị ly kỳ hóa, kịch tính hóa các hiện tượng, sự vật và ảo giác (tưởng là có từ cái không có). Tuy nhiên, ý thức vẫn tỉnh táo và nhận biết được hoàn cảnh xung quanh. Một số trường hợp có thể mất ý thức tạm thời vì bị ngất lịm.
Cơn bệnh thường qua nhanh sau một liệu pháp thôi miên hay tâm lý, hoặc là sự “phân tán” những người mắc bệnh. Một số ít trường hợp cần đến sự hỗ trợ của thuốc an thần hay thuốc chống trầm cảm. Y học cổ truyền có thể “trị” Hysteria bằng bấm huyệt, châm cứu tạo niềm tin và ấn tượng đủ để xua tan những u ám của cơn bệnh bằng niềm tin của bệnh nhân vào thầy thuốc.
Khi các thầy thuốc thăm khám bệnh nhân nữ nghi mắc Hysteria luôn cần có người thứ ba hiện diện để tránh những rắc rối về mặt pháp lý có thể xảy ra do triệu chứng ảo giác của bệnh nhân mang lại, như một số trường hợp bị kiện tụng là “sàm sỡ” với bệnh nhân, gây ra những lời đồn đại và sự đánh giá sai lệch về mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân.
Cho đến ngày nay, không có bất cứ một xét nghiệm hay phương tiện cận lâm sàng nào là “tiêu chuẩn vàng” để xác định mắc bệnh Hysteria. Việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của người thầy thuốc và sự loại trừ những nguyên nhân gây ra các biểu hiện tương tự.
Các biện pháp phòng tránh
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực Tâm thần học, bệnh Hysteria có thể dự phòng bằng cách tuyên truyền giáo dục giới tính, phổ biến những kiến thức căn bản về bệnh, rèn luyện tính tự chủ và biết cách tự kiềm chế bản thân trước những cảm xúc mạnh, tránh các stress.
Bên cạnh đó, các hoạt động thư giãn như đi dã ngoại, tập thể dục thể thao, tham gia các hoạt động xã hội và lao động đều có những tác động tích cực ngăn ngừa sự bộc phát của các biểu hiện bất thường.