Cha mẹ làm bác sĩ không tin con bị trầm cảm
TS.BSCC Tô Thanh Phương, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I từng điều trị cho một bệnh nhân là sinh viên Đ., học ngành y và mắc bệnh trầm cảm.
Điều đáng nói là cha mẹ của Đ đều làm trong ngành y. Khi Đ có những triệu chứng bất thường về cảm xúc thì cả nhà cho rằng Đ. không bị bệnh. Khi có người gợi ý đưa Đ. tới chuyên khoa tâm thần khám thì bố mẹ Đ. tỏ thái độ rất gay gắt. Bản thân Đ. cũng luôn khẳng định với bố mẹ rằng mình khỏe mạnh.
Rất nhiều trường hợp bệnh nhân trầm cảm đang chủ quan với bệnh (ảnh minh họa).
Trong 2 tháng, từ chàng thanh niên 75kg cân, Đ. tụt xuống còn 45kg. Suốt 2 tháng Đ. đòi bố mẹ hết mua xe máy rồi đổi sang ô tô. Xe mua về chỉ được vài 2 ngày là Đ. chán, tiếp tục đòi đổi xe khác. Khi không được thỏa mãn thì Đ. dọa nhảy lầu tự tử.
Chỉ trong thời gian ngắn Đ. “phá” của bố mẹ gần 2 tỷ đồng, thân hình gầy gò như một đứa trẻ. Tới lúc này bố mẹ Đ. mới chấp nhận sự thật và đưa con đi điều trị.
Theo BS Phương, câu chuyện về bệnh nhân Đ. cho thấy ngay cả người trong ngành y cũng khó chấp nhận sự thật về căn bệnh này và khi vào viện thì các biểu hiện chống đối đã quá rõ ràng.
BS Phương cũng từng chữa cho bệnh nhân nữ 30 tuổi, làm văn phòng luôn than phiền đau bụng. Chị thường thấy đâu âm ỉ cả lúc đói lẫn lúc no. Ban đầu chị nghĩ mình bị dạ dày nhưng đi khám thì không thấy bất kỳ tổn thương nào.
Chị càng thấy mệt mỏi và chán nản hơn khi chồng cho rằng chị đang giả vờ. Sau một thời gian mất ngủ, bệnh nhân liên tục nói với chồng và người thân về việc không muốn sống tiếp. Được đưa đi khám, bệnh nhân mới biết mình bị trầm cảm. Sau một thời gian điều trị bệnh nhân đã được về nhà.
Căn bệnh đang bị "coi nhẹ" dù nguy hiểm hơn cả ung thư
Theo TS.BSCC Tô Thanh Phương, số người mắc bệnh trầm cảm hiện nay rất nhiều. Đây là căn bệnh của xã hội phát triển. Bệnh nếu phát hiện sớm điều trị có thể khỏi hẳn. Nhưng nếu không biết cách xử lý thì bệnh nhân có thể mang thương tật suốt đời.
Trước đây mọi người nghĩ bệnh thường xuất hiện nhiều ở đối tượng lao động trí thức nhưng thực tế bệnh có thể mắc ở bất kỳ ai ngay cả người lao động tay chân.
Cũng theo Bác sĩ Tô Thanh Phương, bệnh trầm cảm có những đặc thù khiến nó trở thành căn bệnh nguy hiểm trong xã hội hiện đại.
Thứ nhất là bệnh khởi phát thường không dễ để nhận ra nên bệnh nhân thường chủ quan. Có nhiều người còn tin vào cúng bái để chữa trị khiến bệnh càng trầm trọng.
Bên cạnh đó, khi bị bệnh trầm cảm, người bệnh thường ngại đi khám vì sợ điều tiếng, kì thị.
“Hiện nay, không ít người đang coi nhẹ bệnh trầm cảm, mặc dù nó là căn bệnh nguy hiểm còn hơn cả ung thư. Vì người trầm cảm nặng bệnh nhân luôn muốn tìm cách để tự tử. Nếu như bệnh ung thư chỉ chịu nỗi đau về thể xác thì bệnh trầm cảm còn phải chịu nỗi đau cả về tinh thần. Có những trường hợp trầm cảm ảo giác đã tự tay sát hại người thân, con cái. Nỗi đau đó khó có gì có thể bù đắp được”, bác sĩ Tô Thanh Phương chia sẻ.
PGS.TS Bùi Quang Huy, Trưởng khoa Tâm thần và Tâm lý y học Bệnh viện 103 cho hay: “Rất ít người nghĩ mình bị trầm cảm khi có những biểu hiện mất ngủ, lo âu, buồn chán… Nên khi được khuyên tới chuyên khoa tâm thần khám bệnh nhân thường phản ứng rất gay gắt vì sợ mang tiếng mắc bệnh tâm thần, thần kinh… Thường những trường hợp được đưa vào viện đều là bệnh đã rất nặng, có những hành vi gây rối, mất khiểm soát”.
20% dân số bị trầm cảm
Bác sĩ Phương cho biết số lượng người bị trầm cảm chiếm khoảng 20% dân số. Trong 20% số người bị mắc trầm cảm chỉ có 5% có biểu hiện rõ ràng mới vào viện. Còn 15% người chạy chữa lung tung, thậm chí chữa sai chuyên khoa.
Dấu hiệu khởi phát
Bệnh trầm cảm phát triển là do có nhiều sang chấn, stress trong công việc, học hành, thi cử, công ăn việc làm…
Bệnh trầm cảm có biểu hiện ban đầu là đau đầu, mất ngủ,... Bệnh nhân đi khám nhưng không ra bệnh. Triệu chứng sẽ tăng dần thành lo âu, chán nản, bi quan, cáu giận vô cớ. Nguy hiểm nhất là bệnh nhân luôn có ý nghĩ tự sát, gây tổn thương cho bản thân.
Cách phòng tránh
Để tránh nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, các bác sĩ khuyên không nên làm việc quá mức, dễ gây mệt mỏi, đuối sức.
Nên có khoảng thời gian để nghỉ ngơi thư giãn. Đặc biệt người đang bình thường mà bị mất ngủ từ 8-10 ngày, dấu hiệu bệnh ngày càng nặng cần nghĩ tới bệnh trầm cảm.