Cân bằng thực và ảo

GD&TĐ - Lan tỏa văn minh trên không gian mạng đến với mỗi người cần sự đồng hành từ các nhà trường.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Internet phát triển, phá vỡ khoảng cách giữa thực tế và không gian ảo. Song, bên cạnh mặt tích cực, không gian mạng còn tác động tiêu cực đến đời sống vật chất, tinh thần giới trẻ, trong đó có sinh viên.

Theo anh Nguyễn Nhất Linh - Phó Trưởng ban Tuyên giáo, Trung ương Đoàn, hiện có gần 78 triệu người tham gia mạng xã hội ở Việt Nam, với độ tuổi trung bình là 32,4.

Tham gia mạng xã hội là việc bình thường, song nếu không có kỹ năng và ứng xử phù hợp, vô hình trung sinh viên sẽ đối diện nhiều nguy cơ. Theo đó, các em dễ bị đánh cắp thông tin cá nhân, bắt nạt trực tuyến, quấy rối và các tệ nạn khác như: Buôn bán người, nghiện game, tiếp xúc với tin giả...

Dù cơ quan chức năng đã cảnh báo và có nhiều bài học đắt giá nhưng hằng ngày vẫn có những vụ lừa đảo, thông tin sai sự thật, bạo lực trên không gian mạng… Hiện tượng này diễn ra với nhiều chiêu trò từ cũ đến mới và không ít sinh viên trở thành nạn nhân.

Rõ ràng, trên không gian thực hay mạng, mọi hoạt động đều tác động đến con người. Môi trường ảo nhưng hiệu quả, hậu quả là thật. Do vậy, cần làm sao để sinh viên ứng xử văn minh, văn hóa, hiệu quả trên không gian mạng, từ đó, phát huy tích cực và hạn chế tiêu cực.

Không thể phủ nhận, sinh viên sử dụng mạng xã hội với tần suất lớn để phục vụ việc học tập, nghiên cứu, trao đổi tương tác bạn bè, người thân, thế giới xung quanh... Do đó, hơn bao giờ hết, cần xây dựng môi trường mạng an toàn để sinh viên học tập, làm việc, làm giàu thêm đời sống tinh thần.

Thực tế cho thấy, Đảng và Nhà nước ban hành nhiều hành lang pháp lý, chỉ thị, nghị quyết liên quan đến an toàn không gian mạng. Bộ GD&ĐT cũng ban hành Chương trình hành động và đặt mục tiêu cụ thể; trong đó mong muốn tác động đến từ cấp tiểu học đến đại học.

Ngày 14/10, Trung ương Đoàn phát động cuộc vận động “Ứng xử văn minh trên không gian mạng”. Thời gian tới, đề án Năng lực số tiếp tục được triển khai, gồm 3 định hướng chính: Ý thức thái độ, kiến thức, kỹ năng cho các bạn trẻ. Đây là tiền đề lan tỏa, xây dựng vùng an toàn thành căn cứ điểm để tấn công những tiêu cực trên mạng xã hội.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng xây dựng 1 video trong đó có 4 nguyên tắc để tham gia môi trường mạng an toàn gồm: Tuân thủ các quy tắc; thận trọng; thông minh, tử tế.

Song, bất luận thế nào, sinh viên cần chủ động trang bị kỹ năng để bảo vệ mình và người xung quanh. Từ đó, lan tỏa văn minh trên không gian mạng đến với mỗi người. Để có được điều này, cần sự đồng hành từ các nhà trường. Theo đó, cơ sở giáo dục, đào tạo có thể tổ chức chương trình, hoạt động liên quan đến chủ đề an toàn trên không gian mạng; qua đó giúp sinh viên cân bằng giữa không gian thực và ảo; nắm vững kiến thức khi tham gia môi trường mạng để không bị đối tượng xấu lợi dụng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.