Cảm xúc tháng Tám

Cảm xúc tháng Tám

(GD&TĐ) - Là người Việt Nam mỗi dịp tháng Tám mùa thu về lại tự hào để rồi bồi hồi, xúc động nghĩ về Ngày Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2-9.

Những ngày này, lật giở từng trang lịch sử hào hùng của dân tộc, chúng ta lại càng tự hào hơn nhớ về Ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tháng 9/1945). Đặc biệt, đối với những người làm trong ngành Giáo dục và Đào tạo không khỏi xúc động mỗi dịp này được đọc lại bức thư đầu tiên và bức thư cuối cùng của Bác Hồ gửi cho các cháu học sinh, sinh viên, các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên ngành giáo dục nhân dịp bắt đầu năm học mới.

1. Nhân ngày khai trường đầu tiên của một quốc gia còn non trẻ Bác Hồ đã viết bức thư gửi các em học sinh. Trong thư Bác viết: “Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi. Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em  lại được gặp thầy gặp bạn…”.

Cũng trong bức thư nhân ngày khai trường đầu tiên của nước ta, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có một câu Bác viết để đến bây giờ là người Việt Nam ai cũng thuộc làm lòng: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Đối với các em học sinh lớn tuổi trong thư Bác Hồ cũng căn dặn: “Phải sẵn sàng mà chống quân giặc cướp nước, đấy là bổn phận của mỗi công dân. Các em lớn chưa hẳn đến tuổi phải gánh công việc nặng nhọc ấy, nhưng các em cũng nên, ngoài giờ học ở trường, tham gia vào các hội cứu quốc để tập luyện thêm cho quen với đời sống chiến sĩ và để giúp đỡ một vài việc nhẹ nhàng trong cuộc phòng thủ đất nước… Mong rằng những lời của tôi được các em luôn ghi nhớ”.

Sau đó, năm nào đến ngày khai giảng năm học mới Bác Hồ cũng có thư gửi các em học sinh và các thầy cô giáo trên khắp mọi miền của tổ quốc. 

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi Ảnh: TƯ LIỆU
Bác Hồ với các cháu thiếu nhi  Ảnh: TƯ LIỆU
 

2. Ngày 15/10/1968 Bác Hồ tiếp tục gửi thư cho các thầy cô giáo và các em học sinh, sinh viên. Có ai ngờ đây là mức thư cuối cùng của Người viết cho ngành GD .

Thời điểm này sức khỏe của Bác đã yếu đi rất nhiều nhưng bác vẫn đặc biệt quan tâm và tự hào về thành tựu của ngành Giáo dục. Trong thư Bác Hồ viết: “Trong hoàn cảnh cả nước có chiến tranh, sự nghiệp giáo dục của chúng ta vẫn phát triển nhanh, mạnh hơn bao giờ hết. Bác vui lòng biết rằng, mặc dù hoàn cảnh khó khăn, hiện nay miền Bắc nước ta đã có một vạn hai nghìn trường phổ thông, mỗi xã đều có trường cấp một, nhiều xã đã có trường cấp hai, các huyện đều có ít nhất một trường cấp 3. Số người đi học đã hơn 6 triệu, trong đó có hơn một triệu cán bộ và công nông đang học bổ túc văn hóa. Số người vào học các trường đại học và trung học chuyên nghiệp tăng gấp 3 lần so với trước chiến tranh chống Mỹ. Hơn 30 trường đại học và 200 trường trung học chuyên nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với các ngành và các địa phương đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ, tập trung cũng như tại chức.

Các trường đã có nhiều cố gắng trong việc thi đua dạy tốt và học tốt, bảo đảm an toàn cho thầy và trò, làm cho đời sống vật chất và tinh thần ngày càng tiến bộ ”. Cuối cùng Bác căn dặn toàn ngành giáo dục và các cháu học sinh:  “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt học tốt… nhiệm vụ của các cô giáo, thầy giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang… Bác mong chờ những thành tích mới của các cô, các chú và các cháu”.

3. Hướng tới kỷ niệm 45 năm ngày Bác Hồ gửi bức thư cuối cùng cho ngành Giáo dục 15/10/1968- 15/10/2013, thực hiện chỉ đạo của Bộ GD- ĐT, các Sở, phòng GD- ĐT, đã phát động các cơ sở giáo dục trong cả nước thi đua học tập lời dạy của Bác. Các cơ sở giáo dục bằng nhiều hình thức phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương đã học tập và vận dụng sáng tạo lời dạy của Bác trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng của mỗi nhà trường, cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên. 

Ngày khai giảng năm học mới cũng là ngày Toàn dân đưa trẻ đến trường. Theo Đề án phổ cập GD Mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010- 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tính đến nay cả nước đã có 6 tỉnh, thành được công nhận đạt chuẩn. Trên phạm vi cả nước đã có 8.030/10.761 xã (đạt 72,2% đơn vị cấp xã), có 298/698 đơn vị cấp huyện (đạt 42,69%) đạt chuẩn phổ cập GD mầm non cho trẻ 5 tuổi. Không chỉ trẻ 5 tuổi, tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến trường ở tất cả các độ tuổi đều tăng so với năm học trước. Tổng số trẻ mầm non đến trường đạt 4 triệu cháu. Mục tiêu đến năm 2015, 100% các tỉnh đều hoàn thành phổ cập, 95% trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày.

Tiếng trống trường đã điểm, một năm học mới đã bắt đầu, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo đang ra sức thực hiện lời dạy của Bác với khí thế thi đua sôi nổi, biến nhận thức thành hành động cụ thể, chắc chắn nhiệm vụ năm học 2013- 2014 và những năm học tiếp theo sẽ thành công và đạt hiệu quả cao.q

Thanh An

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cháy xưởng in rộng 300m2 tại Hà Nội

Cháy xưởng in rộng 300m2 tại Hà Nội

GD&TĐ - Khoảng 16h30 ngày 19/9, xưởng in có diện tích khoảng 300m2 ở tổ dân phố Dao Quang, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội xảy ra cháy lớn.