Hai cô giáo trên đảo Cồn Cỏ
Chương trình đã đến thăm, tặng quà một số thầy cô đang công tác tại đảo. Các thầy cô giáo đã có chuyến thăm lãnh đạo Đảng và nhà nước, lãnh đạo Bộ GD&ĐT, nhận quà của tập đoàn Thiên Long và có lễ tuyên dương hết sức ý nghĩa nhân kỉ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 201/11.
Cô Hoàng Thị Hiếu và Hoàng Thị Thắm là hai giáo viên của Trường Mầm non Hoa Phong Ba (Quảng Trị). Cả trường chỉ có hai cô giáo với muôn vàn khó khăn. Đặc biệt là phương tiện giao thông không thuận lợi.
10 năm gắn bó với con trẻ trên đảo, hai cô giáo thương trò khi cuộc sống của các em chịu nhiều thiệt thòi. Khi các con của cô và gia đình vào đất liền, cô Thắm và cô Hiếu vẫn hàng ngày ở lại đảo Cồn Cỏ để chăm sóc, dạy dỗ học trò.
Ngày tuyên dương các giáo viên biển đảo tiêu biểu, cả hai cô đều động viên đồng nghiệp đi để mình ở lại với trò. Bởi, nếu cả hai cô cùng đi thì học trò phải nghỉ học cả tuần lễ, mà các cô thì không muốn bỏ buổi dạy nào.
Khi quyết định cô Hiếu sẽ vào đất liền để ra Hà Nội thì cũng là khi biển động, sóng to khiến các tàu không ra vào được. Phòng Giáo dục và Sở Giáo dục Quảng Trị đã tạo điều kiện, lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện đảo Cồn Cỏ đã liên hệ với Tàu cảnh sát biển để đón các cô, nhưng vì biển động, sóng quá to nên không đi được.
Thông thường, một tuần mới có một chuyến tàu ra đảo, mùa đông thì còn phụ thuộc vào thời tiết. Nếu có việc cần thì nhờ tàu cảnh sát biển để đi nhờ nhưng vì sóng to gió lớn, không phải lúc nào muốn vào đất liền cũng được.Thế mới hiểu được nỗi vất vả của các cô trên đảo và sự cách trở với gia đình trên đất liền.
Thế nhưng, cô Hiếu vẫn nói: Không được ra thăm lãnh đạo Bộ GD&ĐT để bày tỏ tâm tư nhưng được biết các đồng nghiệp vui mừng trong lễ tuyên dương, tôi cảm thấy hạnh phúc lắm.
Món quà đầu tiên trong ngày nhà giáo, cũng là năm đầu tiên bước chân lên đảo là cành hoa phong ba – loài hoa đặc trưng trên đảo Cồn Cỏ xanh tươi này, cũng là loài hoa mang tên ngôi trường các cô đang dạy - hai cô giáo ôm lấy học trò khóc mãi không thôi. Niềm hạnh phúc giản đơn nhưng có lẽ, trong đời làm nghề, các cô sẽ chẳng thể nào quên được.
Hạnh phúc từng ngày với nghề giáo
Các thầy cô, ai cũng hồi hộp mong gặp hai thầy giáo trẻ xung phong ra Trường Sa dạy học là thầy Lê Xuân Quyết và thầy Nguyễn Ngọc Hạ. Thế nhưng, tàu từ đất liền ra đảo một tháng chỉ duy nhất một chuyến, lại không đúng dịp các thầy đi. May mà thầy Quyết đúng đợt nghỉ phép trên đất liền, còn thầy Hạ thì ở lại với học sinh.
Thầy giáo trẻ sinh năm 1990 Nguyễn Ngọc Hạ - tươi cười nói: Hàng ngày, tôi vẫn gọi điện cho thầy Quyết hỏi về chương trình xem các thầy cô đi đâu, được đến thăm ai và bày tỏ thế nào. Nghe được những câu chuyện cảm động về sự hi sinh của các thầy cô, tôi xúc động lắm và càng quyết tâm hơn mỗi ngày được gieo chữ trên Trường Sa.
Cô giáo Vũ Thị Hà còn tiếc mãi khi không đi được bởi trường đang thiếu giáo viên, nếu cả cô và đồng nghiệp là cô Phạm Thị Hà cùng đi thì học sinh lại thiếu tiết học. Động viên đồng nghiệp vào đất liền để lên Thủ đô, cô Hà háo hức ở nhà “tường thuật” lại cho học sinh nghe mỗi khi nhận được điện thoại gọi về.
Khi hỏi có khi nào cô buồn vì phải dạy học trên đảo không, cô giáo đã 22 năm công tác ngoài đảo luôn miệng nói: Tôi không buồn đâu, ở ngoài đảo tình người ấm lắm. Mỗi năm, cứ đến ngày nhà giáo, phụ huynh và học sinh lại hái hoa tự trồng đến tặng cô. Bó hoa tuy còn vụng về với lớp giấy bóng kính cắt không đều và nơ buộc là dây chun nhưng tôi hạnh phúc vô cùng.
Trong 5 thầy cô không tham dự chương trình được, thì có cô Đinh Thị Xuân Duyên mới sinh em bé. Cô gọi điện cho chương trình gửi gắm lời chúc mừng tới các thầy cô, các đồng nghiệp và vẫn dõi theo từng câu chuyện được chia sẻ.
Ôm con nhỏ mới sinh tròn 1 tháng, cô Duyên lại nhớ đến học trò ngoài đảo. Cô nói: Hết cữ, em sẽ lại ra dạy các con!