Ảnh minh họa |
(GD&TĐ) - Đã gần 10 năm trôi qua, nhiều lúc con muốn viết những dòng về thầy nhưng sợ không đủ sâu bằng những gì con vẫn nghĩ…
Ngày đó, con chỉ là thằng bé con mười mấy tuổi, thi đỗ vào lớp chuyên Văn của trường chuyên của tỉnh và bắt đầu cuộc sống trọ học ở thành phố. Phải xa gia đình, con lại mất bố từ tấm bé nên cuộc sống trọ học càng vất vả hơn những bạn cùng lớp, cùng trường. Ngày đó, con nhỏ thó giữa một lớp văn toàn nữ sinh, mà thú thật, đã có lần con có ý định xin mẹ cho chuyển trường chỉ vì điều đó.
Thầy dạy Lịch sử, không phải môn chuyên của lớp. Con còn nhớ, khi đó nhà thầy nghèo, cả thầy, cô và hai em nhỏ sống trong một căn phòng cấp bốn khu ký túc sau trường. Thỉnh thoảng, lớp con vẫn qua nhà thầy cô xin cốc nước uống trong giờ giải lao. Những lúc đó, con thường chơi đùa với con trai của thầy, thằng bé con 4 tuổi có đôi mắt sáng và thông minh.
Vì thi vào lớp trường chuyên rất khó, mỗi huyện chỉ một vài học sinh thi đỗ, nên vào lớp 10, con đã tự mãn và cảm thấy bản thân mình giỏi giang mà bỏ bê việc học hành. Đó cũng là lần đầu tiên, con trượt trong kỳ thi học sinh giỏi. Con đã suy sụp rồi cứ thế sa sút việc học hành, ham chơi và đua đòi theo đám bạn xấu ở ngoài trường…
Rồi việc gì đến cũng đã đến, con phạm phải sai lầm đầu đời khiến mình có thể bị đuổi học. Thầy gọi con đến, thầy không trách con. Không sao quên ánh mắt bao dung của thầy và cô nhìn con lúc đó. Không dám báo tin cho gia đình, thầy là người nhấc điện thoại và gọi điện cho mẹ con. Cũng chính thầy là người đứng lên xin cho con không bị đuổi học, mức kỷ luật mà tất cả thành viên tham dự đều cùng đồng thuận. Thậm chí, có người còn nghi ngờ phải chăng thầy đã nhận tiền? Thầy chỉ im lặng và nhìn con với ánh mắt chở che.
Con cũng nhớ sau buổi hôm đó, hai tay thầy nắm lấy vai con rồi nói: “Thầy rất xót xa khi không thể giữ con ở lại trường, hãy cố gắng, dù không ai tin thì thầy vẫn tin rằng con sẽ trưởng thành!”. Rồi khi con chuyển đến trường mới, thầy vẫn đều đặn hỏi han, động viên, đưa sách vở học thêm theo chương trình học chuyên cho con…
Hơn một năm sau, bạn bè thông báo với con tin dữ, con trai thầy mất vì căn bệnh hiểm nghèo. Đó cũng là lần con đặt bút và viết cho thầy một lá thư. Khi đó, con cũng đã rất xót xa, con đau như chính người em của mình bị mất đi. Con viết cho thầy những dòng tâm tư để mong thầy vơi đi những buồn phiền…
Thời gian trôi, con vào đại học, tốt nghiệp và làm việc ở Hà Nội. Thầy vẫn thường xuyên gọi điện hỏi thăm, động viên con, đôi khi chỉ là câu hỏi: Dạo này công việc có ổn định không, có điều gì vướng mắc không? Những dịp công tác ở Hà Nội, lần nào thầy cũng ghé thăm con… Và cũng đã từ lâu, con coi thầy cô như gia đình thứ hai của mình, bằng những tình cảm hết sức thiêng liêng ấy…
Tết vừa rồi, con về thăm thầy, thấy thầy ân cần chăm sóc em trai – được sinh ra sau những mất mát đã qua, con đã vui mừng biết bao. Thầy đưa lá thư của con ra đọc rồi lại gấp vào. Thầy nói đó là một trong những niềm động viên về tinh thần rất lớn cho gia đình thầy trong những ngày khó khăn nhất… Trong những câu chuyện của ngày xưa, lúc nào trong con cũng đầy ắp hình ảnh ánh mắt thầy chở che.
Thầy ơi, chính sự tin tưởng của thầy đã cho con trưởng thành cho đến bây giờ… Lời dặn dò của thầy năm xưa, con vẫn khắc cốt, ghi tâm: “ Trong cuộc sống, có thể có lúc con sẽ bị vấp ngã, nhưng đừng bao giờ ngã gục nghe con” !
Đã từ rất lâu, nhiều lúc con muốn viết những dòng về thầy nhưng sợ không đủ sâu bằng những gì con vẫn nghĩ, thầy ạ!
Thái Anh
TIN LIÊN QUAN |
---|