Cẩm nang cho cả thầy và trò

GD&TĐ - Theo thầy Nguyễn Hồng Sơn - giáo viên Trường THPT Mê Linh (Hà Nội), đề thi minh họa môn Giáo dục Công dân đáp ứng được yêu cầu của một đề quốc gia và có tính phân hóa cao.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet
Việc Bộ GD- ĐT đưa đề minh họa là cần thiết để giáo viên và học sinh biết kết cấu đề, từ đó điều chỉnh phương pháp dạy của thầy và ôn tập của học trò.
 Thầy Nguyễn Hồng Sơn

Đề thi được xem như là cẩm nang cho cả thầy và trò trong chặng đường từ nay đến Kỳ thi THPT quốc gia 2018. Từ đề thi, giáo viên có thể định hình được những việc mình phải làm, những kiến thức mình cần truyền đạt cho các em, để các em vững vàng bước vào kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.

Theo thầy Nguyễn Hồng Sơn, các câu hỏi trong đề được ra theo hướng nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao. Các câu hỏi trải đều kiến thức nên hạn chế được học sinh học tủ, học lệch.

"Trong đề từ câu 117 đến 120 ở mức độ vận dụng cao. Để làm được các câu thông hiểu, vận dụng đòi hỏi học sinh có kỹ năng ghi nhớ, nhận biết nên chắc chắn sẽ có sự phân hóa giữa điểm trung bình và khá; khá và giỏi.

Với câu hỏi như trong đề minh họa chỉ cần các em học sinh đang học lớp 12 nắm chắc kiến thức cơ bản là sẽ làm bài đạt kết quả tốt" - thầy Nguyễn Hồng Sơn cho hay.

Theo thầy Nguyễn Hồng Sơn, để đạt được điểm trung bình, học sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa để vận dụng vào bài thi. Tuy nhiên, để đạt điểm cao thì phải là những em có khả năng vận dụng cao những kiến thức đã học vào cuộc sống, vào những tình huống trong thực tiễn.

"Đề thi minh họa không ra vào những phần giảm tải hay nằm ngoài chương trình mà Bộ GD&ĐT đã quy định. Do đó học sinh không phải lo lắng, việc của các em lúc này là chăm chỉ học tập, lắng nghe thầy, cô giảng bài và học đâu chắc đấy để không bị hổng kiến thức" - thầy Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ.

Cũng theo thầy Nguyễn Hồng Sơn, mặc dù đây là năm đầu tiên đề thi không chỉ có kiến thức lớp 12 mà còn có cả kiến thức lớp 11, nhưng ban ra đề thi đã cơ cấu đảm bảo tỉ lệ hợp lý giữa kiến thức lớp 11 và lớp 12, trong đó lớp 12 là chủ yếu nên không gây tâm lí hoang mang cho người dạy và người học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ