Cấm, không cấm hay tạm dừng nhập khẩu thuốc lá điện tử?

GD&TĐ -  Ở Việt Nam tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử năm 2015 ở 34 tỉnh, thành phố chỉ khoảng 0,2% thì đến nay đã tăng lên 18 lần, khoảng 3,6%.

Học sinh Trường THCS Phạm Công Bình, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) diễn kịch về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử.
Học sinh Trường THCS Phạm Công Bình, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) diễn kịch về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử.

Thuốc lá điện tử gây nguy hại tới sức khoẻ, tâm thần người dùng. Vì thế, cần thiết có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường cùng sự vào cuộc của các cơ quan quản lý để ngăn chặn và loại bỏ sản phẩm độc hại này.

Cần quy định rõ ràng

Ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, cần khẳng định, thuốc lá điện tử là một sản phẩm mới, và vì là sản phẩm mới nên chưa được định danh trong danh mục những mặt hàng cấm. Trong khi Hiến pháp đã quy định rõ, người dân có quyền kinh doanh những gì pháp luật không cấm.

Theo ông Hạ, các cơ quan tham mưu của Chính phủ cần rà soát lại hệ thống pháp luật, thể chế để xem những quy định liên quan đến thuốc lá. Luật quy định là cấm hoàn toàn quảng cáo, tiếp thị thuốc lá trực tiếp đến người dùng. Tuy nhiên, một số nơi vẫn mời chào thuốc lá công khai.

Vậy, chúng ta xử lý những trường hợp này như thế nào? Hay trên mạng xã hội, rất dễ dàng để có một số điện thoại liên lạc mua thuốc lá điện tử không hạn chế số lượng, không hạn chế mùi, loại…

Thậm chí, câu chuyện hạn chế hay ngừng nhập khẩu thuốc lá điện tử cũng cần được bàn kỹ lưỡng. Luật Quản lý ngoại thương đã quy định, cơ quan chức năng có quyền dừng hoặc từ chối nhập khẩu những sản phẩm có nguy hại đến sức khỏe của người dân, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của người Việt.

Vấn đề này hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của Chính phủ, của cơ quan quản lý Nhà nước trong trường hợp chưa làm rõ được hoàn toàn tác hại của thuốc lá điện tử.

Về lâu dài, cần sửa luật, mà ở đây là Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá vốn được xây dựng từ 2012. Vấn đề đã cấp bách, nhất là trong bối cảnh liên quan đến giống nòi, thế hệ trẻ Việt Nam chúng ta.

Về mặt kỹ thuật, chúng ta cấm, không cấm hay tạm dừng nhập khẩu… phải rõ ràng, nhất là thông lệ quốc tế, các thỏa thuận hợp tác quốc tế mà chúng ta đã ký và đang là thành viên uy tín, tích cực.

“Bộ Y tế cũng phải nghiên cứu, đánh giá được nguy hại của thuốc lá điện tử như thế nào? Đánh giá tác động của thuốc lá điện tử đến người sử dụng trực tiếp, đến môi trường, cộng đồng, đến kinh tế - xã hội… hay kinh nghiệm quốc tế ra sao? Tất cả cần được cân nhắc một cách cẩn trọng trước khi đưa ra quyết định đối với loại hàng hóa đặc thù như thuốc lá điện tử”, ông Tạ Văn Hạ nhấn mạnh.

Ngoài tác hại với sức khỏe của người sử dụng trực tiếp, thuốc lá điện tử còn tác động tiêu cực đến môi trường, đến người xung quanh, tác động đến kinh tế của người dân, của xã hội.

Ông Hạ cho rằng, các cơ quan chức năng phải có phát ngôn khẳng định chắc chắn tác hại của thuốc lá điện tử và cần tuyên truyền rộng rãi sản phẩm này nguy hại như thế nào đối với sức khỏe con người.

Nguy hiểm nhất là đối tượng mà người bán thuốc lá điện tử nhắm tới thường là người trẻ - vốn muốn tìm tòi cái mới, muốn khám phá bản thân.

Theo ThS.BS Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, bên cạnh các kết quả đạt được, Việt Nam cũng đứng trước thực trạng đáng báo động là sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng nhanh. Đặc biệt, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử năm 2015 ở 34 tỉnh, thành phố chỉ khoảng 0,2% thì đến nay đã tăng lên 18 lần, khoảng 3,6%.

Đây là sản phẩm chưa được cấp phép sử dụng tại Việt Nam nhưng tỷ lệ sử dụng chung đã tăng lên 18 lần. Trong đó, nam giới tăng 14 lần, nữ giới tăng 10 lần (0,1% năm 2015, đến nay chiếm 1%).

Tổ chức Y tế Thế giới kết luận rằng, mong muốn ban đầu là có một sản phẩm thay thế ít độc hại, giúp cai thuốc lá, nhưng cả hai điều này đều không chứng minh được và thất bại.

Với thuốc lá thông thường, tiếp xúc trong thời gian lâu sẽ xuất hiện các bệnh mãn tính. Còn với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, sẽ gây tác động về sức khỏe một cách rất nhanh, gây các bệnh cấp tính, nguy hiểm nhất là hội chứng tổn thương phổi cấp do thuốc lá điện tử gây ra.

CDC của Hoa Kỳ thông báo trên trang web, từ tháng 12/2019 đến 12/2020 họ đã tiếp nhận 2.800 ca nhập viện vì viêm phổi cấp do sử dụng thuốc lá điện tử, trong đó có 68 ca tử vong.

Kiểm soát chặt nguồn cung

Học sinh Trường THCS Hải Ninh, huyện Hải Hậu (Nam Định) ký cam kết không sử dụng thuốc lá điện tử

Học sinh Trường THCS Hải Ninh, huyện Hải Hậu (Nam Định) ký cam kết không sử dụng thuốc lá điện tử

Ông Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ GD&ĐT) chia sẻ: “Ở trong ngành Giáo dục, chúng tôi quan điểm tác hại của các sản phẩm thuốc lá, trong đó có thuốc lá điện tử mang tính toàn diện về cả sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần, cũng như đạo đức, lối sống của học sinh, sinh viên.

Việc phòng, chống thuốc lá điện tử trong học sinh, sinh viên chính là một biện pháp góp phần quan trọng trong việc giáo dục toàn diện cho thế hệ trẻ. Đặc biệt, đối với giới trẻ, học sinh, sinh viên thì những nguy hại đến sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần sẽ còn kéo dài, dai dẳng và còn nguy hại nhiều hơn nữa so với những đối tượng trưởng thành”.

Về mặt đạo đức, lối sống, việc các em học sinh, sinh viên sử dụng thuốc lá truyền thống cũng như thuốc lá điện tử mà bị lệ thuộc vào nó, thì đây chính là một lối sống không đẹp trong giới trẻ.

Theo ông Huy, có hai yếu tố rất nguy cơ liên quan đến lối sống của học sinh khi các em sử dụng thuốc lá điện tử và dẫn đến nghiện.

Thứ nhất, khi sử dụng thuốc lá và nghiện, chắc chắn sẽ phải có nhu cầu về mặt kinh tế, mà ở độ tuổi của các em thì phần lớn vẫn chưa làm ra tiền. Điều này gây ra rất nhiều hệ lụy, các hành vi sai trái khi các em không có tiền để thỏa mãn nhu cầu của mình như là trộm cắp, cướp giật... Đây là nguy cơ về lối sống.

Thứ hai, thuốc lá điện tử có đến 20.000 hương liệu khác nhau và chúng ta cũng không thể phòng ngừa được nguy cơ là các đối tượng sẽ trà trộn ma túy tổng hợp vào trong.

“Trước đây đã xảy ra tình trạng trộn lẫn heroin vào thuốc lá truyền thống để sử dụng, nhưng hiện nay, vấn đề đặt ra là ma túy tổng hợp. Đây thực sự là nguy cơ rất lớn cho lối sống cũng như đạo đức và trong việc phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong giới trẻ”, ông Huy cảnh báo.

Những nguy hại này đòi hỏi có sự chung tay của tất cả các ngành, các cấp để ngăn chặn tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử như theo số liệu thống kê là đang gia tăng trong giới trẻ, đặc biệt là trong học sinh, sinh viên.

Từ năm 2012, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo triển khai phòng, chống tác hại thuốc lá trong trường học. Thời điểm đó, việc phòng, chống tác hại thuốc lá truyền thống, những quy chế, quy định của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã được tích hợp trong các quy định của nhà trường cũng như các quy chế, quy định về khen thưởng, kỷ luật đối với học sinh, sinh viên.

“Từ khi hiện tượng hút thuốc lá điện tử bắt đầu nở rộ trong giới trẻ, Bộ GD&ĐT đã có nhiều công văn chỉ đạo. Xác định thuốc lá điện tử là mới, đối với các trường cũng đang còn rất bỡ ngỡ, cho nên Bộ đã có chỉ đạo định hướng và cũng đã có chỉ đạo điểm.

Từ năm 2021 - 2022, Bộ đã hoàn thiện được tài liệu hướng dẫn giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại thuốc lá trong bài giảng môn học và hoạt động giáo dục”, ông Huy nói.

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất thông tin thêm, cũng trong thời gian này đã hoàn thiện và đã chỉ đạo tuyên truyền cuốn tài liệu hướng dẫn truyền thông về phòng ngừa thuốc lá mới ở trong học sinh, sinh viên trong trường học sinh phổ thông.

Năm 2022 vừa qua, đã chỉ đạo điểm ở 6 tỉnh thành phố vừa tập huấn, vừa truyền thông thí điểm cho các Sở GD&ĐT và đã có công văn chỉ đạo tất cả các cơ sở giáo dục trên toàn quốc truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử ở trong các cơ sở giáo dục.

Đây là những hoạt động bước đầu tuyên truyền về mặt tác hại của thuốc lá điện tử kể cả về sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần hay những vấn đề khác về kinh tế, về an ninh, trật tự an toàn xã hội... rất hữu hiệu ở trong trường học.

Để ngăn chặn thuốc lá điện tử, cần phải kiểm soát chặt chẽ được nguồn cung. Theo quy định của pháp luật thì sản phẩm thuốc lá mới, thuốc lá điện tử, thuốc lá nóng vẫn chưa được cho phép chính thức buôn bán, sử dụng tại Việt Nam.

Do vậy, phải kiểm soát chặt chẽ nguồn nhập lậu từ nước ngoài, để học sinh, sinh viên cũng như giới trẻ không thể dễ dàng mua thuốc lá điện tử như là thuốc lá truyền thống. Sẽ rất khó khăn nếu nhà trường gắng sức tuyên truyền về tác hại của thuốc lá nhưng các em lại có thể mua và sử dụng sản phẩm ở ngoài cổng trường.

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ