Cảm giác giao mùa khi “Sang thu”

 GD&TĐ - Trong thơ trữ tình hiện đại, tứ thơ luôn được vận động theo cảm giác hơn là cảm xúc. Thơ tạo ra những liên tưởng rộng và có sức lan tỏa. Các vùng linh giác được bắt rất nhạy kể cả khứu giác và xúc giác vượt lên bằng thị giác, thính giác. 

Cảm giác giao mùa khi “Sang thu”

      Sang thu

  • Bỗng nhận ra hương ổi
  • Phả vào trong gió se
  • Sương chùng chình qua ngõ
  • Hình như thu đã về
  •  
  • Sông được lúc dềnh dàng
  • Chim bắt đầu vội vã
  • Có đám mây mùa hạ
  • Vắt nửa mình sang thu

Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi

Thu, 1977

Hữu Thỉnh

Lời bình của Nguyễn Ngọc Phú

Có một độ chênh, một miền ảo với những “bít” thông tin mật mã của tâm hồn được đánh thức. “Sang thu” của Hữu Thỉnh đã tạo ra được một trường thơ đầy ám ảnh cảm giác như thế.

Bắt đầu là: “Bỗng nhận ra hương ổi - Phả vào trong gió se”. Nếu “phả” là lan tỏa thì “gió se” se sắt lại, mở và khép, rộng và hẹp không gian đã chênh chao hụt hẫng trong cảm nhận của nhà thơ. Khứu giác của nhà thơ bắt rất nhạy khi nhận ra hương ổi - một thứ quả bình dị của vườn quê, hương ổi đánh thức trong ta một tuổi thơ trong trẻo, hương ổi rủ lũ chim bay về ríu rít - và, thật tinh tế mới nhận được cái vị hương quê chân chất này. Ở đây nhà thơ đã mở rộng cánh cửa tâm hồn của mình từ một ngõ nhỏ để thẩm thấu, chạm được với ảo ảnh của “sương chùng chình qua ngõ”. Thường, làn sương mỏng nhưng đến độ “chùng chình” đã bắt đầu có hình khối, có sự vận động tịnh tiến; sương chùng chình hay cảm giác về thời gian của thi sĩ, của tuổi tác đã bắt đầu chùng chình điềm tĩnh chậm rãi sau một mùa hè nồng nhiệt của tuổi trẻ. Cảm giác thật rõ hơn nhưng vẫn có gì như nghi ngờ tự vấn: “Hình như thu đã về”.

Khổ thơ thứ hai thì cảm giác giao mùa rõ rệt mà vẫn bâng khuâng có gì nuối tiếc, không gian được mở ra biên độ của trường liên tưởng chắp cánh tung tẩy và vẫn thảng thốt - Vâng, thảng thốt đó là một đặc trưng biểu cảm rất riêng của thơ Hữu Thỉnh.

Thơ ông thành công khi viết về những sự thiếu hụt hơn là sự tròn đầy viên mãn. Những thân phận, những cảnh ngộ cơ nhỡ, những đắng đót dễ đồng cảm chia sẻ. Cái bi thiết bao giờ cũng lặn sâu hơn chạm tới đáy hơn cái “vỉa” của hồn vía con người. Ta chú ý đến hình ảnh “Sông được lúc dềnh dàng”, cuộc đời là thế, cho hay hơn là nhận.

Nếu như “sương chùng chình qua ngõ” là cuốn mình vào dòng chảy của thời gian thì “sông được lúc dềnh dàng” lại tự mình trải ra giao cảm với không gian như tự thanh lọc lại mình qua phù sa năm tháng xiết chảy. Và “chim bắt đầu vội vã” hay là tốc độ cuộc sống và tuổi tác đã bắt đầu biến đổi bất thường. Ta chú ý xuất xứ của bài thơ được Hữu Thỉnh viết năm 1977 lúc đó nhà thơ vừa qua tuổi 30, là người lính vừa đi qua chiến tranh, là cái tuổi từ hạ vào thu. Vì thế ông mới có hai câu thơ tuyệt bút: “Có đám mây mùa hạ - Vắt nửa mình sang thu”. Nếu như nhìn lại thời điểm ấy ta thấy cao hơn giao mùa của tứ thơ là giao thời. Từ thời khắc chiến tranh bước sang hòa bình qua lăng kính tâm hồn của một thi sĩ - chiến sĩ.

Khổ cuối bài thơ là những chiêm nghiệm sống. Nắng và mưa là những ám ảnh tương phản khắc nghiệt của thời tiết đã tạo ra độ chênh trong tâm hồn con người: “Vẫn còn bao nhiêu nắng - Đã vơi dần cơn mưa”. Tôi rất thích chữ “vơi”, cái định lượng ước lệ này bao hàm cả sinh thành ân nghĩa.

Có chút ngậm ngùi xa xót nhưng rất chủ động, biết cho, biết dâng hiến để rồi điềm tĩnh nhận về mình những biến động của cuộc sống dội vào: “Sấm cũng bớt bất ngờ - Trên hàng cây đứng tuổi”. Thơ hay là thơ chắp cánh cho con người vượt lên bao biến cố của cuộc đời và nhìn thật sâu sắc hơn vào mình để chủ động với một chất lượng sống tốt hơn khi biết thế nào là đủ của triết học Lão Tử…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Haaland làm được điều không tưởng

Haaland làm được điều không tưởng

GD&TĐ - Chỉ mới 24 tuổi nhưng tiền đạo Erling Haaland đã ghi được tới 25 cú hat-trick tính cả trong màu áo câu lạc bộ lẫn tuyển quốc gia.