Cảm động cô giáo hơn 20 năm "gieo chữ" trên lưng chừng núi

“Nhìn thấy các em đi học chân đất trong ngày đông giá lạnh, quần áo không đủ mặc, chỉ được ăn cơm với muối khiến tôi bật khóc...” - Cô giáo Điền Thị Nga tâm sự.

Thắm tình thầy trò
Thắm tình thầy trò

Người chúng tôi muốn nhắc đến chính là cô giáo Điền Thị Nga (45 tuổi) tại điểm trường A Lang (xã Tân Xuân, Vân Hồ, Sơn La)

Chia sẻ với PV báo điện tử Người Đưa Tin, cô Nga cho hay, cô cũng chưa bao giờ nghĩ rằng mình phải trải qua cung đường một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu hun hút mới “tìm” được các em học sinh để dạy học.

“Đi mãi rồi cũng dần quen, cứ mỗi sáng từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần, tôi lại vượt rừng để dạy chữ cho các em nhỏ nơi đây. Nếu lên trường gặp phải những lúc trời mưa thì con đường “độc đạo” gồ ghề này sẽ trở nên lầy lội và phải đi cẩn thận nếu không có thể trượt chân ngã bất cứ lúc nào.

Cam dong co giao hon 20 nam

Cô Nga luyện chữ cho từng em học sinh.

Con đường khiến không ít người phải lạnh gáy vì sự cheo leo, chênh vênh và sự hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc. Ngày đầu đến trường, tôi đã bật khóc khi nhìn thấy những đứa trẻ trời lạnh như cắt da cắt thị mà chỉ khoác trên mình chiếc áo mỏng tang, rách nhiều chỗ, mặt mũi các em lấm lem.

Rồi tôi nhìn quanh, lớp học là một lán nhỏ do dân bản dựng lên, với 5-7 bộ bàn ghế sơ sài, nhìn cảnh đó lòng tôi xót xa vô cùng, tôi quay mặt giấu những giọt nước mắt đang rơi xuống”, cô Nga tâm sự.

Rồi, những ngày sau đó trong cô là nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình. Phải sống một mình giữa rẻo cao cô ao ước một ngày được về thăm người thân, nhưng cứ bước chân đi cô lại nghĩ đến những đứa trẻ đang khao khát được biết đến con chữ là cô không thể bước tiếp.

“Những đêm đầu tiên lên bản thật buồn và lạnh giá. Không những thế, sớm Tây Bắc, mưa giăng kín đặc, sương mỗi lúc một dày nhưng vẫn gồng mình vượt qua con đường lầy lội, trơn trượt, đặc quánh bùn đất. Vì tương lai của bọn trẻ nên tôi không cho phép mình bỏ cuộc" - Cô Nga nghẹn giọng.

Có lẽ, phải chứng kiến tận mắt mới hiểu được nỗi khổ, vất vả gian truân của các thầy cô giáo “cắm bản” ở vùng sâu vùng xa. Để có thể duy trì lớp học trên lưng chừng núi A Lang, cô Nga phải lo từng bữa cơm, từng xô nước bởi ở điểm trường ở cách xa trung tâm xã tận 16km nên phải tự cung, tự cấp. Còn những ngày nghỉ cuối tuần có thời gian về nhà tranh thủ mua sắm các nhu yếu phẩm như: lạc, cá khô, mỳ tôm...để đem lên dự trữ.

Cam dong co giao hon 20 nam

Nhìn những đứa trẻ người Mông mong từng con chữ khiến cô càng vượt qua được khó khăn.

Nhìn các em học sinh đến trường phải mang theo cơm nắm với muối đi học ăn khiến ai cũng xót lòng. Chính điều này càng khiến những cô giáo như cô Nga kiên trì để vượt qua những khó khăn trước mắt.

Hình ảnh một cô giáo hơn 20 năm qua “cõng chữ” lên lưng chừng núi khiến không ít người cảm động, cô Nga giống như người mẹ hiền của các em học sinh tại đây.

Cô Nga nói, cũng có nhiều người hỏi, ở cái tuổi này rồi sao cô không xin về gần nhà dạy hay nghỉ hưu thì cô cười: “Ở đây được dân bản quý mến, các em học sinh ngày càng yêu “con chữ” hơn, nhìn chúng khao khát được học là tôi không muốn rời đi.

Ngày vào đây nhìn lũ trẻ ăn cơm nắm đến trường học chữ thấy thương chúng nó vô ngần. Nhiều người không tưởng tượng được chúng tôi hạnh phúc như thế nào khi vượt rừng vào bản mà được các em học sinh chờ ngóng lên. Nên dù trời có lạnh là các em đến lớp đầy đủ, chỉ cần thế thôi cũng bù đắp cho chúng tôi rất nhiều thứ”.

Thế nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, có những em nhỏ học rất tốt nhưng vì hoàn cảnh gia đình các em phải bỏ dở giấc mơ để theo cha mẹ lên rẫy.

Những khi đó, cô Nga lại đến tận nhà để vận động cho các em được đến trường. Trái tim yêu nghề, thương những đứa trẻ vùng cao đã cho cô giáo “cắm bản” sức mạnh và tinh thần để vượt qua tất cả.

Theo Người Đưa Tin

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.