Cấm địa ở Mông Cổ

GD&TĐ - Kể từ khi Thành Cát Tư Hãn qua đời, một cấm địa ở Mông Cổ không cho phép bất kỳ ai ngoài hậu duệ của ông đặt chân vào.

Linh sơn Burkhan Khaldun, quê hương của Thành Cát Tư Hãn. Ảnh: Atlasobscura.com
Linh sơn Burkhan Khaldun, quê hương của Thành Cát Tư Hãn. Ảnh: Atlasobscura.com

Hiện, nó vẫn là vùng đất hạn chế thăm nom, khám phá.

Đại đế không lăng mộ

Thành Cát Tư Hãn sinh năm 1162, tên thật là Thiết Mộc Chân, chào đời gần Burkhan Khaldun, ngọn núi được người Mông Cổ xem như linh sơn. Theo tư liệu lịch sử, tuổi thơ của Thành Cát Tư Hãn rất nghèo khó, phải dựa vào săn bắn và trú ẩn trên núi Burkhan Khaldun sống qua ngày.

Dân gian Mông Cổ truyền miệng, một ngày, sau khi đi săn về và ngồi nghỉ dưới gốc cây, Thành Cát Tư Hãn đột nhiên thốt lên: “Nơi này thật đẹp làm sao. Sau này, khi chết đi, ta muốn được chôn tại đây”.

Cái chết đã đến với Thành Cát Tư Hãn vào mùa Hè năm 1227. Lúc này, Đại Hãn đã 70 tuổi nhưng vẫn đang trên đường chinh chiến và vừa nghiền nát Vương quốc Tây Hạ. Sử sách không có bất cứ ghi chép nào về nguyên nhân băng hà của Thành Cát Tư Hãn, nhưng truyền thuyết và suy đoán thì rất nhiều.

Đầu tiên, một sứ giả châu Âu đã đưa tin ông bị sét đánh chết. Tiếp theo, thương gia kiêm nhà thám hiểm Marco Polo (1254 – 1324) tuyên bố, Thành Cát Tư Hãn bị một mũi tên bắn trúng đầu gối, tử vong. Ngoài ra còn các tin đồn như, Đại Hãn bị đầu độc, bị trúng chú nguyền của vua Tây Hạ, bị hoàng hậu Tây Hạ hạ cổ trùng…

Chân dung Thành Cát Tư Hãn (1162 – 1227). Ảnh: Atlasobscura.com

Chân dung Thành Cát Tư Hãn (1162 – 1227). Ảnh: Atlasobscura.com

Cũng có người cho rằng, Thành Cát Tư Hãn chỉ qua đời vì bị bệnh. Văn hóa tâm linh Mông Cổ kỵ nhắc tới cái chết và bệnh tật, nên người Mông Cổ mới không công khai nguyên nhân tử vong của Đại Hãn và vĩnh viễn giữ bí mật.

Văn hóa mai táng của người Mông Cổ rất giản dị, chỉ quấn người chết vào trong tấm chăn hoặc tấm da rồi chôn xuống đất. Tương truyền, ngay cả Thành Cát Tư Hãn cũng an nghỉ theo cách này. Người kề cận ông lúc mất đi là bà Dã Toại.

Bà đã đặt thi thể ông trong tấm chăn nỉ màu trắng, phủ mạt gỗ đàn hương có mùi thơm rồi quấn lại, lấy dây đánh bằng vàng buộc chặt. Sau khi chôn cất Thành Cát Tư Hãn, đại quân chinh phạt Tây Hạ quay trở về Mông Cổ với con ngựa chỉ chở yên cương của ông trên lưng.

Truyền thuyết khác lại kể, sau khi chôn cất Thành Cát Tư Hãn theo văn hóa mai táng truyền thống, đại quân Mông Cổ đã cho 1 nghìn kỵ binh dẫm đạp lên mộ ông và xung quanh để xóa sạch dấu vết rồi giết tất cả các kỵ binh này nhằm giữ bí mật tuyệt đối về vị trí mộ.

Cũng có tin đồn nói, người Mông Cổ đã chôn Thành Cát Tư Hãn cùng với một con lạc đà con và cố gắng chăm sóc lạc đà mẹ của nó. Mỗi lần muốn viếng mộ Đại Hãn, các hậu duệ của ông nhờ con lạc đà mẹ này dẫn đường. Vì nhớ rõ vị trí xác lạc đà con dưới lòng đất, lạc đà mẹ không bao giờ đến sai chỗ…

Toàn bộ các truyền thuyết đều nhấn mạnh một điều là Thành Cát Tư Hãn an nghỉ rất khiêm tốn. Bất chấp địa vị cao quý và công lao mở rộng bờ cõi ra toàn cầu, ông đã sống và chết như bất cứ người dân Mông Cổ nào, vô cùng lưu động và giản dị.

“Cấm địa” Khan Khentii

Kể từ ngày Thành Cát Tư Hãn tạ thế, vị trí an nghỉ của ông luôn là thách thức tìm kiếm đối với người còn sống. Đến nay, không chỉ Mông Cổ, Trung Quốc mà cả Nga và Kazakhstan đều khẳng định Đại Hãn được chôn trong lãnh thổ của mình. Tất nhiên, tất cả họ chỉ dựa vào những bằng chứng mong manh, không thể xác thực.

Không rõ Thành Cát Tư Hãn được chôn cất tại đâu nhưng, ngay sau khi ông mất, “Cấm địa - Ikh Khorig” đã được người Mông Cổ xác lập. Nó là vùng đất rộng 240 km2 bao quanh linh sơn Burkhan Khaldun.

Bảo vệ cấm địa là gia tộc Darkhad được miễn thuế và nghĩa vụ quân sự. Suốt gần 7 thế kỷ, gia tộc Darkhad đã “cha truyền con nối” nghĩa vụ, không cho phép ai trừ các hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn bước vào.

Dưới sự canh giữ của gia tộc Darkhad, cấm địa nguyên sơ nét tự nhiên với những cánh rừng, thảo nguyên, ngọn núi và thung lũng không bị con người tác động. Năm 1924, khi Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ được thành lập, cấm địa vẫn nguyên vẹn dáng vẻ của thế kỷ XIII.

Mặc dù thời cuộc đã thay đổi, cấm địa vẫn tiếp tục là vùng đất cấm nhờ quyết định “khu vực hạn chế cao”. Chính phủ Mông Cổ không chỉ cấm người dân ra vào mà còn mở rộng thêm 10 nghìn km2 bao quanh, khiến cấm địa trở thành vùng đất rộng mênh mông được giám sát chặt chẽ bởi lực lượng quân đội.

Thập niên 1990, cấm địa mới bị một số đoàn thám hiểm nghi ngờ là nơi chôn cất của Thành Cát Tư Hãn bước vào thám thính. Tuy nhiên, vào năm 2015, nó đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới và lại lần nữa được bảo vệ chặt chẽ.

Bản đồ 'cấm địa', hiện là Khu Bảo tồn Nghiêm ngặt Khan Khentii. Ảnh: Atlasobscura.com

Bản đồ 'cấm địa', hiện là Khu Bảo tồn Nghiêm ngặt Khan Khentii. Ảnh: Atlasobscura.com

Ngày nay, cấm địa là Khu Bảo tồn Nghiêm ngặt Khan Khentii rộng 12.270 km2. Ngoài các nghi lễ thờ cúng truyền thống, không có bất cứ hoạt động nào được phép tổ chức trong phạm vi này.

Cả người dân lẫn chính quyền Mông Cổ đều tránh quảng bá, thu hút sự chú ý đến Khan Khentii. Với họ, cấm địa là nơi linh thiêng phải được bảo vệ, duy trì và sự linh thiêng này không liên quan đến việc Thành Cát Tư Hãn có đang nằm tại đây hay không.

Theo atlasobscura

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ