Cạm bẫy buôn người nơi vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Cuộc sống của đồng bào vùng biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) dẫu có nhiều thay đổi nhưng nhiều cô gái (chủ yếu là người Mông) vẫn còn thiếu hiểu biết, nên dễ rơi vào cạm bẫy của bọn buôn người.

Chị Hạng Thị C. vừa trốn thoát về Việt Nam và đang nuôi đứa con mang hai dòng máu
Chị Hạng Thị C. vừa trốn thoát về Việt Nam và đang nuôi đứa con mang hai dòng máu

“Sập bẫy” qua mạng xã hội....

Cách trung tâm TP Thanh Hóa chừng 200km, Trung Lý là xã cửa ngõ của huyện Mường Lát, có 6km đường biên giới giáp nước bạn Lào. Toàn xã có 16 bản, 5 thành phần dân tộc, gồm: Mông, Thái, Mường, Kinh, Dao, trong đó dân tộc Mông chiếm gần 60%, đây cũng là xã có số lượng nữ giới vắng mặt khỏi địa phương nhiều nhất.

Ông Giàng A Lâu - Trưởng Công an xã Trung Lý trầm ngâm bảo: “Buồn và đau xót. Đó là cảm giác của tôi khi các anh nhắc tới chuyện này. Bởi lẽ, tôi cũng là người trực tiếp làm công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Thế nhưng, đến thời điểm này, Trung Lý vẫn đứng đầu danh sách của huyện về số phụ nữ mất tích, nghi bị bán sang Trung Quốc”.

Theo ông Lâu, vào dịp cuối năm, các đối tượng lừa đảo thường xuất hiện để dụ dỗ chị em phụ nữ rồi lừa đem đi bán. Mới đây nhất,tháng 11/2018, Công an xã Trung Lý phối hợp với Công an huyện đã giải cứu, ngăn chặn thành công vụ lừa bán phụ nữ qua Trung Quốc, đó là hai chị em họ Hoàng Thị T. (SN 2000) và Hoàng Thị L. (SN 2003) trú ở bản Xa Lao (Trung Lý).

Để dẫn chứng, Trưởng Công an xã Trung Lý Giàng A Lâu đưa chúng tôi tìm đến nhà của hai em T. và L. ở bản Xa Lao. Xa Lao nằm cách Trung tâm xã Trung Lý chừng chục km, heo hút đưới chân đồi. Trong ngôi nhà trống hoác, ngồi nói chuyện với chúng tôi, T. và L. vẫn còn nguyên sự hối hận và sợ hãi trên khuôn mặt non nớt. Bởi lẽ, trong khoảnh khắc nhất thời, hai em đã tin vào những lời mật ngọt của người lạ qua mạng xã hội.

Nạn nhân có thể là các cô gái trẻ lẫn phụ nữ có gia đình
  • Nạn nhân có thể là các cô gái trẻ lẫn phụ nữ có gia đình

Bị lừa trực tiếp

Theo Trưởng Công an xã Trung Lý Giàng A Lâu, nếu hôm đó, bố mẹ của hai em T. và L. không phát hiện kịp thời thì sự việc sẽ rất phức tạp. “Nhìn mẩu giấy của T. để lại với nội dung “con đi làm thuê, Tết mới về”. Biết có chuyện chẳng lành, bố T. báo cáo với công an xã. Nhận được tin, chúng tôi gọi điện thoại báo cáo ngay với công an huyện. Công an huyện Mường Lát, Công an huyện Quan Hóa, Bá Thước phối hợp, đồng thời tìm được các cháu trên chuyến xe khách di chuyển đến huyện Bá Thước” - ông Lâu cho hay.

Rời bản Xa Lao, chúng tôi tìm đến nhà chị Hạng Thị C. (SN 1982), ở bản Khằm 1, xã Trung Lý. Chị C. là người đã bị lừa bán sang Trung Quốc, làm vợ người ta, rồi đẻ 2 đứa con. Sau 10 năm chị C. mới trốn thoát trở về quê và sinh thêm một đứa con gái mang hai dòng máu.

Trưởng Công an xã Trung Lý Giàng A Lâu cho biết: Theo thống kê, trên địa bàn xã đang có số phụ nữ vắng mặt khỏi địa phương nhiều nhất huyện với 36 trường hợp. Trong đó, số phụ nữ đã xây dựng gia đình cũng có và các em gái dưới độ tuổi 18, đôi mươi như Hoàng Thị T., Hoàng Thị L. cũng nhiều. “Nhiều gia đình khi phát hiện con gái mình bỗng dưng mất tích và báo ngay cho chính quyền địa phương phối hợp tìm kiếm, ngăn chặn kịp thời thì may ra còn kịp. Thế nhưng, cũng có nhiều gia đình phát hiện con em mình bỗng dưng mất tích, họ cũng báo cáo cơ quan chức năng để tìm kiếm, nhưng đều bặt vô âm tín. Không ai xác định được những phụ nữ, cô gái ở địa phương sinh sống ở đâu cả” - ông Lâu cho biết thêm.

Còn theo Trưởng Công an xã Mường Lý Ngân Văn Thao, thực trạng lừa bán phụ nữ sang Trung Quốc tại địa phương diễn biến khá phức tạp. Theo thống kê, từ năm 2010 - 2015, xã Mường Lý có 24 phụ nữ vắng mặt tại địa phương nghi bị bán sang Trung Quốc. “Do làm tốt công tác tuyên truyền của chính quyền địa phương và công an xã, nên 2 năm trở lại đây xã Mường Lý không còn trường hợp nào vắng mặt khỏi địa phương. Duy nhất, đến ngày 19/12 vừa qua có 2 trường hợp gia đình thông báo mất tích”, ông Thao cho biết.

Thủ đoạn tinh vi

Đại úy Phạm Hồng Khoái - Đội trưởng Đội An ninh - Công an huyện Mường Lát cho biết: Toàn huyện có 74 phụ nữ vắng mặt khỏi địa phương nghi lấy chồng hoặc bị lừa bán sang Trung Quốc. Trong đó, xã Trung Lý nhiều nhất với 36 trường hợp, Mường Lý 24 trường hợp, còn lại rải rác ở Tam Chung, Nhi Sơn, Pù Nhi. Nguyên nhân cơ bản của vấn đề này cũng xuất phát từ cuộc sống của người dân còn nghèo, nhận thức kém nên khi có người Mông ở khu vực phía Bắc dụ dỗ đưa đi làm, hứa hẹn kiếm được nhiều tiền là họ lập tức đi theo.

Có những trường hợp được ngăn chặn kịp thời, tuy nhiên bản thân người bị lừa không khai báo. Thậm chí, có trường hợp khi công an phát hiện được và giải thích, ngăn chặn thì gia đình tỏ thái độ, cho rằng chính quyền địa phương không muốn cho con của họ đi làm ăn, lấy chồng…

Đại úy Phạm Hồng Khoái

“Theo điều tra của Công an huyện Mường Lát, hiện nay có hai dạng đối tượng chính xâm nhập vào địa phương, gồm người Trung Quốc sang Việt Nam vào tận nhà người dân để hỏi lấy con gái làm vợ. Tuy nhiên, đối với trường hợp này, thì mình chỉ có thể xua đuổi họ về nước. Trường hợp thứ 2, đối tượng người Mông ở các tỉnh Hà Giang, Lào Cai lấy lý do về thăm thân (vì đa phần người Mông ở đây đều có nguồn gốc ở các tỉnh phía Bắc), đăng ký tạm trú rồi ở lại dụ dỗ, lôi kéo đi làm ăn. Do không có việc trao đổi, mua bán không cấu thành tội phạm nên rất khó để xử lý” - Đại úy Khoái cho hay.

Thượng tá Gia Nọ Pó - Phó trưởng Công an huyện Mường Lát trao đổi: Trước đây, thủ đoạn của những kẻ buôn người lợi dụng tục bắt vợ rồi bán qua biên giới. Những năm gần đây, mạng xã hội phát triển, các đối tượng buôn người đã có nhiều thủ đoạn rất tinh vi. Có những kẻ còn đóng vai tán tỉnh để các cô gái Mông mang lòng yêu rồi khi gặp là lừa đưa sang Trung Quốc. Giải pháp trước mắt là các bậc cha mẹ cần phải nhắc nhở con cái về những thủ đoạn mà bọn buôn người hay dùng trên mạng. Kịp thời tố giác đến cơ quan chức năng về những hành vi của bọn buôn người để có cơ sở xử lý, tuyên truyền.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...