'Cạm bẫy' bủa vây học sinh ngày hè

GD&TĐ -Nghỉ hè, các cổng trường đóng lại, cũng là thời điểm học sinh miền núi đối mặt với nhiều “cạm bẫy” khó lường…

Từ năm 2017 – 2021, Điện Biên đã xảy ra hơn 80 vụ xâm hại, mua bán trẻ em.
Từ năm 2017 – 2021, Điện Biên đã xảy ra hơn 80 vụ xâm hại, mua bán trẻ em.

Bỏ nhà đi tìm việc bằng… niềm tin

Mới đây, lực lượng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Điện Biên) đã ngăn chặn thành công vụ việc 3 bé gái bỏ nhà ra ngoại tỉnh tìm việc làm mà chưa có sự cho phép của gia đình.

Ngay sau đó, thông tin sự việc nhanh chóng được chia sẻ rất nhiều trên các trang mạng xã hội, đi kèm những thông tin cảnh báo, thậm chí tìm kiếm người thân của những bé gái nói trên.

Theo Thiếu tá Quàng Văn Xiến, Trưởng Công an xã Thanh Minh (TP Điện Biên Phủ) cho biết: Khoảng 17 giờ, ngày 13/6, đơn vị tiếp nhận chị L.T.P. (SN 1981), người dân địa phương đến trình báo việc con gái là cháu Q.K.L. (12 tuổi) bị bạn bè rủ trốn khỏi nhà.

Theo lịch sử tin nhắn trong điện thoại của con gái, chị P. phát hiện có 2 người rủ đi tỉnh Quảng Ninh để làm việc. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là cháu Q.K.L vẫn nhận lời đồng ý khi chưa có thông tin về công việc và địa điểm cụ thể.

“Phát hiện sự việc, chị này đã đi tìm con nhưng không thấy nên nhờ công an địa phương giúp đỡ. Ngay khi tiếp nhận sự việc, chúng tôi đã thông tin luôn với Phòng Cảnh sát giao thông để có sự phối hợp, triển khai lực lượng kiểm tra, rà soát phương tiện trên Quốc lộ 6 (tuyến huyết mạch từ Điện Biên – Quảng Ninh)”, Thiếu tá Xiến cho hay.

Đến khoảng 19 giờ cùng ngày, tại Km377 + 100 (thuộc huyện Tuần Giáo) lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện cháu Q.K.L. đang trên xe khách đi Quảng Ninh. Cùng đi còn có các cháu: Q.T.D.L. (13 tuổi), trú tại xã Pom Lót và L.T.H.V. (12 tuổi), xã Sam Mứn, huyện Điện Biên.

“Ngay trong đêm, chúng tôi đã cùng với gia đình đến tận nơi nhận bàn giao các cháu về nhà an toàn. Mặc dù đây là vụ việc mới ghi nhận trong nhiều năm qua nhưng lại rất đáng lưu tâm. Vì các cháu chỉ mới học hết lớp 7, 8 và đang nghỉ hè – thời điểm khó quản lý”, Thiếu tá Xiến chia sẻ.

Gần đây nhất, đầu tháng 7 vừa qua, trên chặng đường từ Hà Nội lên Điện Biên, chị Vũ Thị Hà, tổ 9, phường Noong Bua (TP Điện Biên Phủ) cũng đã cưu mang, giúp đỡ một trường hợp tương tự. Theo chị Hà chia sẻ, trong lúc dừng chân tại Sơn La, chị phát hiện nhiều bất thường từ một cậu bé đi cùng xe do không có người thân, đồ đạc.

Khi hỏi chuyện, cậu bé cho biết mình tên là Lò Văn Xuân, nhà xã ở Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo. Xuân vừa học xong lớp 10. Thời gian nghỉ hè nhàn rỗi, nên em đã theo người trong bản xuống Hà Nội xin làm phụ vữa, với mong muốn kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, vì không đáp ứng được yêu cầu nên bị chủ thầu xây dựng đuổi.

“Xuân bảo, người rủ đi cùng chỉ đưa cho 150 nghìn đồng và bảo tự ra bến đón xe về nhà. Nhưng giá vé về Điện Biên tới vài trăm nghìn đồng nên dù cậu bé gán cả chiếc điện thoại (trị giá 50 nghìn đồng) vẫn chưa đủ. Nghe cháu tâm sự từ sáng chưa được ăn gì tôi rớt nước mắt. Nghĩ cũng như con mình, tôi thương nên đồng hành và lo cho cháu về nhà an toàn”, chị Hà kể.

“Cạm bẫy” không chờ... vận may

Theo thống kê sơ bộ từ các cơ quan chức năng tỉnh Điện Biên, trong 5 năm (2017 – 2021), địa phương này đã xảy ra hơn 80 vụ việc xâm hại, mua bán trẻ em. Hơn 80% nạn nhân là em gái, bị mua bán và xâm hại tình dục.

Cho đến giờ, cô bé người Mông G. T. P (huyện Mường Chà) vẫn chưa thể quên chuyến đi “ám ảnh” vào mùa hè năm 2017. Khi ấy P. mới đang học lớp 7. Em tâm sự: Trong số những lần lướt mạng xã hội Facebook em đã tình cờ quen biết một người đàn ông.

Sau một thời gian nhắn tin qua lại, ông này nói có tình cảm và rủ em cùng sang Trung Quốc sống. Để tạo niềm tin, ông này đã vẽ ra viễn cảnh về một cuộc sống giàu có mà trong mơ P. cũng chưa bao giờ thấy. Tin lời kẻ chưa một lần gặp mặt, P. trốn gia đình lên đường.

“Đi rồi em mới biết mình bị lừa bán, làm vợ bất hợp pháp của một người đàn ông người Trung Quốc. Cuộc sống cực khổ chứ không như ông ta nói. Em bị hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần. Nhiều lần muốn bỏ trốn nhưng nghĩ một mình con gái ở nơi xa lạ, không biết tiếng, em lại sợ, chẳng biết sẽ đi đâu”, P. giãi bày.

Sau 3 năm chịu đựng cuộc sống “địa ngục” bên xứ người, P. may mắn trốn thoát trở về. Song em đã phải làm mẹ của 2 đứa con khi mới vừa tròn 17 tuổi. Mặc dù được gia đình, cộng đồng, địa phương và các cơ quan chức năng hỗ trợ để hòa nhập cộng đồng, nhưng P. bảo “Ký ức về những ngày tháng cùng cực, ê chề bên xứ người vẫn không thôi ám ảnh em”.

Theo Thiếu tá Hoàng Văn Dân, Phó Đội trưởng Đội Hình sự, ma túy, kinh tế, Công an huyện Mường Chà thì đây chỉ là một trong tổng số hơn 30 vụ xâm hại, mua bán trẻ em được phát hiện, xử lí tại địa bàn từ năm 2015 đến nay.

Đối tượng mà tội phạm này thường để ý tới là phụ nữ và trẻ em. Đặc biệt là trẻ em gái ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, xa, khu vực giáp biên, đời sống khó khăn.

Cũng theo Thiếu tá Dân, thủ đoạn các đối tượng sử dụng ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Thường lợi dụng điện thoại, mạng xã hội để làm quen, lôi kéo, dụ dỗ hoặc móc nối với người địa phương hoạt động lưu động liên huyện, liên tỉnh và xuyên quốc gia. Do vậy, gây nhiều khó khăn trong công tác điều tra, xác minh, truy bắt và xử lý.

Còn theo Trưởng Công an xã Thanh Minh phân tích, thì nghỉ hè là thời gian dễ xảy ra các vụ việc đáng tiếc với trẻ em nhất. Do các em có nhiều thời gian rảnh hơn nên dễ nảy sinh những suy nghĩ, hành động nông nổi, thiếu kiểm soát. Trong khi đó, cạm bẫy ngoài xã hội lại rất nhiều.

“Việc các em tự ý bỏ nhà đi theo lời rủ rê, dù là của người quen hay lạ đều tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm. Các em lại chưa đủ hiểu biết, năng lực lường trước và xử lý tình huống phát sinh để bảo vệ bản thân.

Nhiều trường hợp bị bóc lột sức lao động hoặc xâm hại tình dục. Nhưng không phải ai cũng may mắn để có thể trở về nhà an toàn”, Thiếu tá Xiến nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.