“Cạm bẫy” buôn người nơi vùng biên xứ Thanh: Hồi chuông cảnh tỉnh

GD&TĐ - Cuộc sống nghèo khó, nhận thức xã hội và sự quan tâm của gia đình còn hạn chế, nhiều thiếu nữ tuổi dậy thì vùng biên xứ Thanh đã dễ dàng sa vào những “cạm bẫy” buôn người. 

Những bản làng tại vùng cao xứ Thanh luôn là đích nhắm tới của những đối tượng buôn người.
Những bản làng tại vùng cao xứ Thanh luôn là đích nhắm tới của những đối tượng buôn người.

Với những thủ đoạn vô cùng tinh vi, các đối tượng lừa đảo, buôn bán người thông qua mạng xã hội thường làm quen dụ dỗ đi làm ăn xa, khiến các “con mồi” là những thiếu nữ vùng biên mắc “bẫy” ngày càng nhiều. Những trường hợp bị lừa bán không ngày trở về, phải ở lại xứ người làm gái mại dâm, làm vợ không hôn thú cho tới những người thoát nạn về với “thân tàn ma dại” là những hồi chuông cảnh tỉnh hữu hiệu.

Lời kể muộn của các nạn nhân

Căn nhà hai chị em gái H.T.T (SN 2000) và H.T.L (SN 2003), bản Xa Lao, xã Trung Lý, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) nằm nép mình bên trảng đồi khô cằn, xơ xác. Cái nghèo khó của bản xã vùng biên biểu hiện rõ qua từng nóc nhà sàn xám xịt. Sau tiếng gọi cửa, sự thuyết phục từ cán bộ thôn bản, gia đình và hai em mới chịu tiếp, kể cho chúng tôi nghe câu chuyện suýt bị bán sang Trung Quốc làm gái.

Công an, Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa động viên nạn nhân bị lừa qua Trung Quốc sau nhiều năm trở về
Công an, Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa  động viên nạn nhân bị lừa qua Trung Quốc sau nhiều năm trở về 

Trên gương mặt đượm buồn, cơ thể có phần phổng phao xinh đẹp so với những thiếu nữ bản làng khác, T và L với giọng run run kể lại hồi ức buồn ngày cuối năm trước. T bảo: “Nguyên nhân sự việc bắt nguồn từ việc chơi mạng xã hội Facebook. Trong một lần lên Facebook, có một người tên Duyên vào kết bạn với em. Em đã kể về hoàn cảnh gia đình, tâm sự mong muốn tìm kiếm việc làm cho thu nhập giúp đỡ bố mẹ… chị Duyên ấy đã ngỏ ý muốn giúp em qua Trung Quốc làm nhân viên phục vụ quán karaoke, mức lương cao và công việc rất nhàn hạ. Em vui lắm, đâu biết đó là “cạm bẫy” của những kẻ buôn người.

Cán bộ thôn bản Xa Lao thì có phần cảm thông cho rằng, do trình độ nhận thức hạn chế mới học hết lớp 7 của hai cháu, gia cảnh lại khó khăn, các đối tượng xấu đã lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin đó để tung trò dụ dỗ. May thay, khi gia đình phát hiện 2 chị em mất tích đã trình báo chính quyền địa phương, cơ quan công an kịp thời. “Khi chiếc xe chở các nạn nhân (trong đó có 2 em T và L) đang di chuyển qua địa phận huyện Bá Thước (Thanh Hóa) thì lực lượng chức năng tỉnh này phát hiện, bắt giữ và giải cứu 2 em bàn giao cho gia đình”, cán bộ bản này cho biết.

T và L còn may mắn dù đó vẫn là “ác mộng” với 2 em mỗi khi đêm về. Với chị Hạng Thị C. (SN 1982), bản Khằm 1, xã Trung Lý, huyện Mường Lát thì sự trốn thoát trở về sau hơn 10 năm lưu lạc ở xứ người đã khiến cho chị gần như tàn tạ cả về thể xác lẫn tâm hồn. Chị C. vốn không biết chữ, cũng không hiểu tiếng Kinh, chúng tôi phải phải khó khăn lắm, nhờ người dịch để rõ chuyện chị kể. Thời điểm chị bị lừa bán năm 2008, khi đó chồng chị vướng vào lao lý do tàng trữ ma túy. Cuộc sống đói nghèo, nợ nần cùng 2 đứa con nhỏ. Trong lúc túng quẫn, có 2 người lạ mặt đến rủ chị đi làm việc ở tỉnh Lào Cai lấy tiền gửi về nuôi con. Không chút đắn đo, chị C. để lại hai đứa nhỏ cho ông bà nuôi rồi lên đường theo người lạ. Đó là chuyến đi định mệnh khiến chị 10 năm bị lưu lạc xứ người, bị bán làm vợ cho một người đàn ông nghèo Trung Quốc.

Giờ đây, trong căn nhà sàn tuềnh toàng nếu không muốn nói là rách nát, chị C. vẫn thấy vui và sung sướng hơn gấp trăm lần những tháng ngày địa ngục bên xứ người. Ngày chị trở về, chồng chị cũng đã mãn hạn tù, các con chị đã lập gia đình, có cháu. Cháu nội của chị C. còn hơn tuổi đứa con chị vừa sinh cho người đàn ông Trung Quốc không thể cùng theo chị trở về. “Tôi cũng muốn đưa các con đi theo, nhưng bên đó các con đã có hộ khẩu nên công an không cho đưa về”.

Những con số báo động

Hai chị em H.T.T và H.T.L, bản Xa Lao, xã Trung Lý, huyện Mường Lát suýt bị lừa bán qua Trung Quốc.
Hai chị em H.T.T và H.T.L, bản Xa Lao, xã Trung Lý, huyện Mường Lát suýt bị lừa bán qua Trung Quốc. 

Thống kê trước đó từ cơ quan chức năng huyện Mường Lát cho thấy, hiện có 74 phụ nữ vắng mặt khỏi địa phương, nghi lấy chồng hoặc bị lừa bán sang Trung Quốc. Riêng xã Trung Lý có gần 40 trường hợp, Mường Lý 24 trường hợp, còn lại rải rác ở Tam Chung, Nhi Sơn, Pù Nhi…

Qua rà soát, thống kê, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có gần 200 phụ nữ lấy chồng Trung Quốc có đăng ký kết hôn, đang sinh sống tại Trung Quốc; hàng nghìn phụ nữ tự nguyện sang Trung Quốc lấy chồng, không làm thủ tục đăng ký kết hôn; gần 130 phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc lấy chồng, ép làm vợ bất hợp pháp... Ngoài ra, hàng năm trên địa bàn tỉnh còn phát hiện và xử lý từ 10 - 15 vụ với trên 200 nạn nhân bị các đối tượng dụ dỗ, lừa gạt đưa đi nước ngoài trái phép.

Tính từ năm 2013 tới nay, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Thanh Hóa đã điều tra, làm rõ và khởi tố 18 vụ, 28 bị can phạm tội “mua bán người”, tiến hành giải cứu gần 40 nạn nhân bị các đối tượng lừa bán. Tội phạm mua bán người tuy chỉ chiếm 0,15% trong tổng số vụ phạm pháp hình sự, nhưng hậu quả của nó để lại là hết sức nặng nề.

Trung tá Nguyễn Xuân Toán, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Thanh Hóa cho biết: Nạn nhân của tội phạm mua bán người chủ yếu là phụ nữ, trẻ em (chiếm 96,4%), trong đó dưới 16 tuổi chiếm 16%. Đa số nạn nhân thường tập trung ở những vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, gặp trắc trở trong cuộc sống gia đình, nhẹ dạ cả tin nên dễ dàng tin theo những lời hứa hẹn của các đối tượng về việc làm ổn định, thu nhập cao, hoặc lấy chồng nước ngoài khá giả, dẫn đến bị các đối tượng lừa bán.

Ngày 18/4/2019, Phòng Cảnh sát Hình sự bắt quả tang đối tượng Đỗ Thị Sen (SN 1988), ở huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa đang có hành vi mua bán người tại một khách sạn trên địa bàn TP Thanh Hóa. Điều tra, mở rộng đối tượng này khai nhận: Từ năm 2014 đến nay đã đưa khoảng 12 lượt người sang Trung Quốc bán làm vợ để kiếm lời. Mỗi một vụ trót lọt, Đỗ Thị Sen sẽ được trả khoảng 5 - 7 vạn nhân dân tệ (tương đương từ 160 - 230 triệu đồng). Số tiền trên sẽ được Sen dùng để trả cho những phụ nữ bị lừa bán (khoảng 100 triệu đồng) và dùng để chi trả tiền tàu xe, ăn uống và đút túi...

Các nạn nhân bị Sen lừa bán đều là những phụ nữ còn rất trẻ, có hoàn cảnh khó khăn, gia đình không hạnh phúc... Ban đầu, Sen hứa hẹn sang Trung Quốc lấy chồng giàu có, hoặc sang làm công việc nhàn hạ, lương cao để dụ dỗ, lôi kéo và tìm cách đưa sang Trung Quốc.

Hồi chuông cảnh tỉnh các thiếu nữ

Đối tượng Đỗ Thị Sen
 Đối tượng Đỗ Thị Sen

Thượng tá Gia Nọ Pó - Phó trưởng Công an huyện Mường Lát phân tích: Trước đây, thủ đoạn của những kẻ buôn người là lợi dụng các hủ tục như “tục bắt vợ” rồi lừa bán qua biên giới. Những năm gần đây, do mạng xã hội phát triển, các đối tượng buôn người đã có nhiều thủ đoạn tinh vi hơn. Lợi dụng mạng xã hội Facebook, Zalo… những kẻ môi giới còn đóng vai tán tỉnh các thiếu nữ phải lòng yêu rồi dụ dỗ lừa đi làm ăn, đưa sang Trung Quốc. Đây được xem là một trong những thủ đoạn mới tinh vi, khó kiểm soát, đối phó của các cơ quan chức năng.

Những trường hợp như chị em T và L, S (huyện Mường Lát) trên đây mà chúng tôi nhắc tới và hàng trăm trường hợp khác phần nào sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho xã hội, đặc biệt là các thiếu nữ vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế khó khăn, nhận thức xã hội còn hạn chế…

Theo Trung tá Nguyễn Xuân Toán, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Thanh Hóa, để phòng ngừa tội phạm mua bán người cần phải thực hiện tổng thể các biện pháp về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, giáo dục pháp luật và các biện pháp nghiệp vụ của các ngành chức năng. Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, Công an tỉnh Thanh Hóa chủ trì xây dựng và thực hiện một số đề án, tiểu đề án như: “Đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người khu vực nội địa”; “Tiếp nhận, xác minh và bảo vệ nạn nhân”; “Hoàn thiện pháp luật và theo dõi thi hành chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người”...

Đồng thời tổ chức rà soát, lên danh sách các đối tượng tội phạm, các đối tượng khác có liên quan đến hoạt động mua bán người tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Đẩy mạnh điều tra, khám phá các vụ án về tội phạm mua bán người. Bên cạnh đó, phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến để nhân dân nắm được phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người…

Tuy nhiên, cũng theo Trung tá Nguyễn Xuân Toán thì để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm mua bán người, trước hết người dân cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác, tỉnh táo phát hiện những âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng này để phòng, tránh. Bên cạnh đó nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia đấu tranh, tố giác loại tội phạm với cơ quan chức năng để kịp thời xử lý, ngăn chặn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.