Máy hút muỗi cầm tay tiện dụng do nhóm tác giả nguyên là cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội và sinh viên Trường Đại học Giao thông Vận tải nghiên cứu và cải tiến.
Phục vụ phòng chống dịch
ThS Nguyễn Tiến Đạt, nguyên là cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội có 10 năm kinh nghiệm nghiên cứu về sinh thái và đa dạng sinh học côn trùng, đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu máy hút muỗi cầm tay.
Theo ThS Đạt, Việt Nam thuộc khu vực khí hậu nhiệt đới nên sự phát triển của côn trùng nói chung và muỗi truyền bệnh rất phức tạp. Bệnh lưu hành hàng năm ở Việt Nam do muỗi truyền phải kể đến sốt xuất huyết Dengue.
Đây là bệnh chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy khi phát sinh các ổ dịch thường lan rộng trên quy mô lớn, kéo dài và chủ yếu lưu hành nhiều nhất ở khu vực các thành phố, đô thị, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM.
Để kiểm soát dịch, các trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tuyến tỉnh/thành phố và các trung tâm y tế quận/huyện/thị xã đã điều tra thông qua việc thu bắt muỗi đậu nghỉ trong và ngoài nhà. Từ dữ liệu này để đánh giá tình hình diễn biến ổ dịch, các điểm nguy cơ cao tại cộng đồng qua đó dự báo tình hình dịch bệnh để xây dựng các chiến lược ưu tiên phòng chống.
Hai phương pháp điều tra muỗi trưởng thành gồm bắt muỗi bằng tay dùng ống tuýp, bắt muỗi bằng tay sử dụng máy hút cầm tay. Sử dụng ống tuýp phụ thuộc nhiều vào kỹ năng của người bắt, mang lại hiệu quả không cao.
Máy hút muỗi cầm tay cho hệ thống y tế trên cả nước chưa được áp dụng rộng rãi do giá thành cao, kích thước lớn, không tiện sử dụng, không tìm kiếm được vật tư thay thế khi hỏng, pin không tái sử dụng nhiều lần…
“Từ những hạn chế của phương tiện cũ và nhu cầu thực tế, xuất phát từ cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, trên tinh thần học hỏi và yêu nghề, nhóm chúng tôi đã tiến hành làm rất nhiều thử nghiệm và tạo ra rất nhiều sản phẩm, cải tiến máy hút muỗi cầm tay nhằm cải thiện việc thu thập muỗi từ các hộ gia đình trong ổ dịch để phục vụ cho công tác định loại, nghiên cứu muỗi truyền bệnh”, ThS Nguyễn Tiến Đạt cho biết.
Nhóm đã hoàn thành bước đầu việc cải tiến máy hút muỗi thành dạng tiện dụng để thay thế cho việc sử dụng ống tuýp và máy hút cải tiến từ đèn pin quân sự của Mĩ (máy hút muỗi kiểu cũ). “Chúng tôi mong muốn một ngày nào đó, sản phẩm được ghi nhận và sử dụng rộng rãi trong công tác điều tra, giám sát muỗi truyền bệnh trên cả nước và phổ biến hơn trong công tác thu thập mẫu vật các nhóm côn trùng nhỏ khác”, ThS Đạt chia sẻ.
Giá bằng 1/3 sản phẩm nhập ngoại
Nhóm nghiên cứu mong muốn sản phẩm được đánh giá và giới thiệu rộng rãi hơn để có thể đưa tới tay các nhà nghiên cứu côn trùng học và cán bộ y tế phục vụ điều tra muỗi, côn trùng truyền bệnh trên cả nước. Sau đó sẽ phát triển các dòng máy hút cỡ lớn, công suất cao tuy nhiên vẫn nhỏ, gọn, nhẹ phục vụ cho công tác thu mẫu định lượng ngoài thực địa.
Theo ThS Nguyễn Tiến Đạt, máy có kích thước nhỏ gọn, vừa tay khi cầm nắm, mang lại cảm giác thoải mái khi sử dung. Tổng khối lượng cả máy là 150g có giá thành khoảng 800 nghìn đồng trong khi sản phẩm tương tự nhập khẩu trên thị trường có giá khoảng 100 USD.
Các thiết bị sử dụng dễ thay thế, có sẵn ở các cửa hàng bán linh kiện điện tử, điện dân dụng. Mỗi lần sạc pin sử dụng liên tục được 2,6 giờ đủ thời lượng cho một buổi đi thực địa. Do chỉ dung 1 pin sạch nên thời gian sử dụng lâu hơn nhiều so với pin không sạch.
“Máy hút có hình thẳng dài, dễ dàng điều chỉnh hướng bắt muỗi tương tự như sử dụng một ống tuýp thẳng và có lực hút làm muỗi bị hút vào bên trong không bay được. Đầu ống hút thay thế dễ dàng, không cần chuyển muỗi qua ống tuýp mà vẫn lưu mẫu trực tiếp trong các ống hút”, ThS Đạt giới thiệu.
Một trong những đặc điểm của máy là giữ nguyên vẹn mẫu vật khi thu thập. Theo nhóm nghiên cứu, đây là đặc tính rất quan trọng trong quá trình thu thập mẫu vật. Lưới vải sợi nilon giúp tránh bám dính vảy trên cơ thể mẫu vật, mắt lưới nhỏ có ưu điểm tạo nhiều điểm tựa cho cơ thể mẫu, tránh gây trầy xước mẫu khi bị hút vào ống.
Máy có tuổi thọ khoảng 3 năm cần thay động cơ và pin do hao mòn trong quá trình sử dụng. Hiện nay, các trung tâm kiểm soát bệnh tật 63 tỉnh, thành và các trung tâm y tế quận/huyện trên địa bàn cả nước đều cần và sử dụng trong công tác điều tra, giám sát các bệnh do muỗi và các côn trùng khác truyền. Nhóm nghiên cứu tin rằng sản phẩm sẽ đạt hiệu quả rất cao khi đưa vào triển khai trên thực tế.
“Mục tiêu của nhóm là tăng hiệu quả thu thập mẫu và giảm chi phí. Với mục tiêu đó, nghiên cứu đưa ra là cải tiến về cơ cấu, hoạt động của máy hút kiểu cũ để phù hợp hơn với việc sử dụng tại cộng đồng và sử dụng vật tư phổ biến, sẵn có ở Việt Nam để sản xuất. Do vậy, đây là sản phẩm có ý nghĩa khoa học, sử dụng đơn giản, dễ triển khai có thể áp dụng rộng rãi, đem lại giá trị kinh tế cho xã hội và cộng đồng”, ThS Phạm Anh Tuấn, thành viên nhóm nghiên cứu chia sẻ.
Sản phẩm đã được các nhà khoa học tại Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương sử dụng thử nghiệm để đánh giá hiệu quả, tính tiện dụng trong quá trình thực địa và trong phòng thí nghiệm.