Cái tát và sự kết nối

GD&TĐ - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bị một người tát vào mặt khi đang đến bắt tay đám đông.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cái tát xảy ra khi ông cố gắng kết nối với người dân, song sự kết nối đó không thể chỉ là giao tiếp bề ngoài mà phải cả bằng chính sách.

Sự việc xảy ra khi ông Macron đi thăm vùng Drome để gặp các chủ quán ăn và sinh viên để nói chuyện về việc trở lại cuộc sống bình thường hậu Covid-19. Gần đây, ông thực hiện hàng loạt chuyến đi kiểu như vậy để kết nối với người dân trước cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới.

Trong video được lan truyền trên mạng xã hội, Tổng thống Pháp chìa tay giao lưu với một người đàn ông trong một nhóm người đang chào đón ông sau hàng rào sắt khi tới thăm một trường dạy nghề cho ngành khách sạn. Thủ phạm mặc một chiếc áo phông, hét lên một câu rồi tát vào má trái của ông Macron.

Câu khẩu hiệu của người đàn ông, nửa đầu là câu xung trận của quân đội viễn chinh Pháp nhiều thế kỷ trước và vài năm gần đây được những người bảo hoàng và cực hữu sử dụng trong các cuộc biểu tình, nửa sau có nghĩa “hạ bệ Macron”.

Hai nhân viên an ninh xông tới khống chế thủ phạm, một người đẩy ông Macron đi. Tuy nhiên, ông Macron tỏ ra rất bình tĩnh, chỉ vài giây sau ông lại trở lại bên hàng rào những người đứng chờ và tiếp tục bắt tay với họ.

Đã có nhiều phân tích về sự việc này. Ông Macron vốn là một chủ ngân hàng đầu tư trước khi trở thành tổng thống. Đối thủ thường cáo buộc ông là người thuộc giới thượng lưu có tiền, xa lạ với những mối quan tâm của người dân.

Để đối phó với những cáo buộc đó, đôi khi ông tìm cách tiếp xúc gần với cử tri trong những tình huống ngẫu nhiên, nhưng điều đó lại gây ra những thách thức an ninh.

Song ông Macron coi sự cố “cái tát” là không quan trọng. Cách ứng xử thế nào với nó sẽ giúp ông lấy điểm trong mắt công chúng. Ông đề cao các giá trị tự do biểu đạt và khẳng định những hành động cực đoan chỉ là khu biệt và không được phép có chỗ đứng xã hội văn minh.

Trả lời phỏng vấn tờ báo Dauphine Libéré sau vụ tấn công, ông Macron nói: “Chúng ta không thể có bạo lực hay thù hận bằng lời nói hay hành động. Nếu không chính nền dân chủ bị đe dọa. Đừng cho phép các sự cố riêng biệt, các cá nhân cực đoan chiếm lấy cuộc tranh luận công khai, họ không xứng đáng”.

Cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới khiến cho không khí chính trị ở Pháp đang trở nên căng thẳng hơn. Tuy nhiên, sự cố với ông Macron cũng đã bị thủ lĩnh đối lập, bà Marie Le Pen lên án, bởi dùng bạo lực chính là sự xúc phạm với dân chủ.

Bà nói, chính bà là người đối lập nhiều nhất với ông Macron, song chỉ có thể tấn công nhau bằng chính trị chứ không thể động thủ. Ở điểm này các chính trị gia Pháp đồng ý với nhau, dân chủ là tranh luận, là ý kiến trái chiều, là biểu đạt sự bất đồng, song không phải bằng bạo lực.

Ông Macron cũng nói rằng, ông không có gì lo ngại cho an toàn cá nhân và sự cố sẽ không ngăn cản ông kết nối với đám đông. Việc ông bình tĩnh quay lại tiếp tục bắt tay những người ở đó, ngay sau khi bị tát là một nỗ lực làm việc đó.

Nhưng điều quan trọng hơn không chỉ là kết nối bằng một vài câu chuyện, bằng cái bắt tay. Quan trọng là chính sách của ông thế nào để có thể kết nối thực sự về bản chất với các tầng lớp trong xã hội.

Hồi cuối năm 2018, phong trào biểu tình áo vàng phản đối chi phí sinh hoạt tăng cao, giá nhiên liệu tăng và cải cách thuế của chính phủ đã bùng nổ ở Pháp với lời kêu gọi ông Macron từ chức, sau đó phong trào này lan ra cả một số quốc gia láng giềng.

Mùa thu năm ngoái, bất chấp dịch Covid-19, một vài cuộc biểu tình áo vàng đã nổ ra, cho thấy sự bất bình vẫn âm ỉ, và dịch bệnh, mất việc, cách ly xã hội có thể đã khiến những khó khăn của một bộ phận dân chúng trở nên nghiêm trọng hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.