Băn khoăn trên “đất vàng”
Chiều 11/3, trả lời Báo GD&TĐ, ông Ngô Ngọc Lâm, Chủ tịch UBND phường Thành Công (Ba Đình) cho biết, UBND quận vừa triển khai lấy ý kiến cộng đồng dân cư về phương án quy hoạch chi tiết theo quy trình rút gọn cải tạo, xây dựng lại cụm nhà chung cư Thành Công, gồm 5 tòa nhà: G6A, G6B, G22, G23, G24 với 218 hộ dân.
Theo phương án, khu đất nghiên cứu lập tổng mặt bằng cụm nhà có diện tích hơn 20.000m2. Trong đó, đất thấp tầng cải tạo chỉnh trang theo hiện trạng là 4.200m2; đất trường mầm non 3.800m2; đất cơ quan (dành cho cơ quan thuế) là hơn 500m2; đất xây dựng nhà chung cư tái định cư gần 2.700m2; đất xây dựng công trình thương mại dịch vụ (không có chức năng ở) gồm các ô quy hoạch ký hiệu HH-11, diện tích gần 2.300m2 và HH-12 diện tích hơn 3.500m2.
Về phương án xây dựng, có một tòa nhà chung cư cao tầng phục vụ tái định cư cho các hộ dân cụm nhà chung cư G6A, G6B, G22, G23 và G24 Thành Công. Vị trí xây dựng thuộc diện tích các nhà chung cư G6A và G6B hiện nay, có phía Tây tiếp giáp với đường Nguyên Hồng và nhìn thẳng ra công viên Indira Gandhi (đang được nghiên cứu quy hoạch cải tạo thành công viên mở); phía Nam giáp với đường quy hoạch có mặt cắt ngang khoảng 33m (với dải phân cách cây xanh khoảng 10m); phía Đông giáp với Trường Mầm non Họa Mi và phía Bắc giáp với diện tích đất dự kiến xây dựng trụ sở Cục Thuế Hà Nội.
Ông Đỗ Hà Thanh, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình đánh giá, đây là vị trí có đường kết nối giao thông thuận tiện, có cảnh quan đẹp, đem lại điều kiện sống tốt cho các hộ dân tái định cư.
Tòa nhà tái định cư dự kiến xây dựng cao 24 tầng nổi (khối đế gồm tầng 1 và tầng 2, khối tháp từ tầng 3 - tầng 24) và 3 tầng hầm. Tổng diện tích sàn xây dựng phần nổi là 32.541m2 và tổng diện tích sàn xây dựng tầng hầm 8.000m2. Tòa nhà ước tính bố trí khoảng 220 căn hộ tái định cư. Các căn hộ này bố trí từ tầng 3 đến tầng 24 với diện tích trung bình khoảng 70m2/căn. Chức năng dịch vụ thương mại, sinh hoạt cộng đồng sẽ được bố trí tại tầng 1 - 2.
Còn đối với vị trí các nhà G22, G23 và G24 hiện nằm trong ô quy hoạch ký hiệu HH-11 và HH-12, được UBND quận Ba Đình đề xuất chuyển chức năng sang đất hỗn hợp, thương mại dịch vụ (không có chức năng ở).
Sau khi nhà tái định cư được hoàn thành, các hộ dân tại các nhà G22, G23, G24 mới nhận căn hộ tái định cư và di dời khỏi các căn hộ cũ để bàn giao cho chủ đầu tư xây dựng các tòa thương mại dịch vụ.
Tại hội nghị lấy ý kiến, đa số người dân cụm nhà chung cư Thành Công đều đồng thuận, tán thành chủ trương cải tạo, xây dựng lại các dãy nhà chung cư cũ. Tuy nhiên, còn một số kiến nghị về đền bù hệ số K hợp lý cũng như băn khoăn về chất lượng nhà tái định cư sau cải tạo.
Bà Đỗ Kim Vinh (nhà G6A) bày tỏ, với phương án đề xuất của quận Ba Đình, 5 nhà tập thể cũ gồm G6A, G6B, G22, G23, G24 khi cải tạo và xây dựng lại gom vào 1 tòa chung cư tái định cư chỉ có diện tích đất gần 3.000m2, do đó kiến nghị TP Hà Nội và chủ đầu tư xây dựng công trình cần đảm bảo chất lượng.
Ông Trần Anh Vũ (nhà G23 Thành Công) cho rằng, diện tích căn hộ hiện nay được ghi trong sổ đỏ rất thấp, nếu đền bù theo diện tích này thì thiệt thòi cho người dân. Do vậy, chính quyền nên xem xét đền bù theo Luật Đất đai mới để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền. Nên tính giá ưu đãi đối với các hộ dân muốn mua thêm diện tích.
Đồng quan điểm ý kiến trên, ông Đỗ Văn Châu (nhà G6A) kiến nghị, về hệ số K bồi thường khi xây dựng lại chung cư cũ, do vị trí các chung cư hiện nay đều thuộc khu vực “đất vàng” nên các hộ dân đề xuất có phương án đền bù hợp lý, thỏa đáng.
Còn với ông Phạm Văn Hùng (nhà G24) bày tỏ, muốn dự án nhanh thành hiện thực thì phải hài hòa được lợi ích giữa các bên. Đặc biệt, phải đảm bảo chất lượng các tòa nhà xây dựng lại, kể cả tòa tái định cư.
Phối cảnh dự kiến toà nhà tái định cư mới ở khu Thành Công. |
Tuyệt đối không tăng dân số
Trước kiến nghị của người dân chung cư Thành Công, ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết, hầu hết cư dân ở tòa G6A Thành Công đã di dời, vì vậy quận tính toán sẽ khởi công xây dựng công trình tái định cư trên phần đất của tòa G6A và G6B trước.
Sau khi quy hoạch được phê duyệt, quận sẽ tổ chức hội nghị nhà chung cư và tiếp tục mời người dân đến làm việc với các nhà đầu tư để họp bàn thống nhất hệ số đền bù.
“Tòa nhà tái định cư có vị trí đẹp, đường rộng, tầm nhìn ra hồ Thành Công. Đặc biệt, theo quy hoạch, vị trí này được phép xây cao tầng nên có thể tính toán đủ cho các hộ dân của các nhà G6A, G6B, G22, G23, G24…”, ông Tạ Nam Chiến khẳng định.
Với 2 tòa thương mại đề xuất tại khu đất vị trí nhà G22, G23, G24 hiện tại, theo quy hoạch đây là đất công cộng, tuyệt đối không được bố trí nhà ở để chất tải thêm dân số. Tại đây, chỉ được phép xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn.
Trước băn khoăn của người dân đối với chất lượng tòa nhà tái định cư, Chủ tịch UBND quận Ba Đình thông tin, sau khi phương án tổng mặt bằng này được thành phố thông qua, UBND quận sẽ tổ chức hội nghị nhà chung cư để người dân được trực tiếp làm việc và lựa chọn nhà đầu tư. Như vậy, cộng đồng dân cư được hoàn toàn chủ động lựa chọn chủ đầu tư tốt nhất.
“Việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án là của người dân và người dân sẽ giám sát thi công công trình để đảm bảo chất lượng…”, ông Tạ Nam Chiến nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND quận Ba Đình cũng cho biết thêm, theo Nghị định 69/2021 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, hệ số K đang quy định từ 1 - 2 lần và người dân được thỏa thuận với chủ đầu tư trong khoảng quy định này.
Theo đại diện Phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình, đây mới là phương án dự thảo, phải xin ý kiến của người dân và các cơ quan chức năng. Trên cơ sở lấy ý kiến góp ý của người dân, quận Ba Đình sẽ trình lên cấp có thẩm quyền nghiên cứu phê duyệt, đảm bảo tính đồng bộ cho cả khu vực và có quỹ đất xây nhà tái định cư tại chỗ.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố có khoảng 1.500 chung cư cũ, hầu hết trong số này đều đã hết niên hạn sử dụng, xuống cấp nghiêm trọng. Cuối năm 2021, UBND TP Hà Nội đã ban hành Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố và các kế hoạch triển khai Đề án.
Tuy nhiên, sau hơn 2 năm, việc triển khai cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố vẫn chậm và còn nhiều vướng mắc. Tính đến hết năm 2023, Hà Nội mới hoàn thành cải tạo, xây dựng lại được 19 khu tập thể, nhà chung cư cũ, bằng 1,14% tổng khối lượng công việc.