‘Cai quản’ bất động sản: Nghề nhiều tiềm năng

GD&TĐ - Hình thành theo sự phát triển thị trường bất động sản, các tòa cao ốc hiện đại tại các đô thị, Quản lý bất động sản đang trở thành một ngành nghề nhiều tiềm năng và triển vọng, bởi sự hấp dẫn của công việc này và nhu cầu lớn từ thực tế. 

Ký kết hợp tác giữa Công ty Savista và Trường ĐH Tài chính – Marketing (TPHCM) trong việc đào tạo ngành Quản lý bất động sản
Ký kết hợp tác giữa Công ty Savista và Trường ĐH Tài chính – Marketing (TPHCM) trong việc đào tạo ngành Quản lý bất động sản

Nhận diện Quản lý bất động sản

Dù đã có mặt trên thế giới rất lâu, nhưng tại Việt Nam, nghề Quản lý bất động sản chỉ manh nha trong vài thập niên trở lại đây, khi tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ với sự xuất hiện của ngày càng nhiều các dự án bất động sản có quy mô lớn như cao ốc văn phòng, chung cư, căn hộ, khu dân cư, khu đô thị… Để các dự án bất động sản đi vào hoạt động, đáp ứng các nhu cầu về cuộc sống của khách hàng, cũng như đảm bảo các chế độ hậu mãi, không thể thiếu một đội ngũ nhân sự quản lý, vận hành dự án -  nghề Quản lý bất động sản được hình thành từ đó.

Hiểu một cách nôm na, thì nghề Quản lý bất động sản chính là nghề “quản gia” với cấp độ chuyên nghiệp cao và quy mô lớn. Sự vận hành của một cao ốc văn phòng, một dự án căn hộ cao cấp, hay một khu dân cư, một khu đô thị đòi hỏi nhiều yếu tố, và đội ngũ làm nghề Quản lý bất động sản chính là nhân tố quản lý các yếu tố đó.

  Chị Kiều Oanh

Chưa dừng lại ở đó, một đặc thù khác của nghề Quản lý bất động sản là thường xuyên tiếp xúc và giải quyết những yêu cầu của khách hàng, thế nên, bên cạnh kỹ năng quản lý thì kỹ năng giao tiếp cũng hết sức quan trọng.

Chị Kiều Oanh - Trưởng ban quản lý dự án căn hộ Dockland (Q.7, TPHCM) thuộc SAVISTA quản lý - chia sẻ: “Có thể nói Quản lý bất động sản là một nghề thú vị, mình vừa là người quản lý (đối với các đơn vị dịch vụ) vừa là người phục vụ (đối với khách hàng). Thế nên, để có thể hoàn thành tốt công việc, đòi hỏi người quản lý bất động sản phải nắm vững các quy trình, hiểu biết tường tận các ngóc ngách của dự án, có sự phối hợp tốt với các bộ phận và đặc biệt là có kỹ năng mềm trong việc xử lý những tình huống phát sinh”.

Sinh viên Trường ĐH Tài chính – Marketing kiến tập tại Khu căn hộ The Art trong khu đô thị Gia Hòa (Q.9, TPHCM)
Sinh viên Trường ĐH Tài chính – Marketing kiến tập  tại Khu căn hộ The Art trong khu đô thị Gia Hòa (Q.9, TPHCM) 

Tiềm năng và triển vọng

Là một ngành nghề trẻ nhưng sức bật của ngành Quản lý bất động sản tại Việt Nam trong những năm gần đây rất đáng ghi nhận. Bên cạnh các doanh nghiệp ngoại cung ứng dịch vụ này thị trường cũng đón chào nhiều doanh nghiệp Việt tham gia lĩnh vực quản lý bất động sản. 

Thực tế cho thấy, tiềm năng của ngành Quản lý bất động sản là rất lớn. Tốc độ tăng trưởng của thị trường nhà ở chưa bao giờ hạ nhiệt, cùng với yêu cầu ngày càng cao của khách hàng khiến các chủ đầu tư chú trọng đến công tác quản lý, vận hành dự án của mình hơn, chứ không đơn thuần chỉ tập trung vào phát triển và kinh doanh như trước đây.

Cơ hội là thế, nhưng ngành Quản lý bất động sản cũng đối mặt với một số thách thức, nổi bật là sự thiếu hụt của nguồn nhân lực. Do là ngành mới hình thành sau này nên số lượng cơ sở giáo dục đào tạo ngành này chưa nhiều. Khởi đầu ở phía Bắc có Trường ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội), phía Nam có Trường ĐH Tài chính – Marketing (TPHCM). Sau này, có thêm một số đơn vị khác, như: ĐH Xây dựng (Hà Nội), ĐH Kinh tế TPHCM, CĐ Xây dựng 2 (TPHCM)…

Trước tình hình đó, nhiều công ty quản lý bất động sản đã có những cách thức phát triển nguồn nhân lực của riêng mình như liên kết chặt chẽ với các trường đại học, cao đẳng có đào tạo ngành này, hoặc những ngành có liên quan; hỗ trợ sinh viên đi kiến tập, thực tập tại các dự án chúng tôi quản lý, hỗ trợ sinh viên thực tập để tích lũy kinh nghiệm thực tế và sẵn sàng tuyển dụng nhiều sinh viên vào làm việc ngay khi ra trường...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ