Ngày 15/4, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An thông tin: Đơn vị đang xác minh làm rõ nội dung đơn tố giác tội phạm của bà T.T.N (trú TP Vinh, Nghệ An) về việc bị lừa đảo chiếm đoạt hơn nửa tỉ đồng.
Theo nội dung tố giác tội phạm của bà N., ngày 1/4, bà nhận điện thoại từ một người giới thiệu là nhân viên bưu điện, thông báo có gói bưu phẩm nhưng không liên lạc được để giao.
Khi được hỏi có muốn mở ra xem trước, bà N. đồng ý thì người này cho biết trong bưu phẩm là giấy triệu tập của CA TP Hà Nội. Nội dung về việc bà nợ ngân hàng 45 triệu đồng, đã quá hạn nhưng không trả nên phía ngân hàng gửi đơn tố cáo lên công an.
Bà N. khẳng định không hề nợ tiền ngân hàng thì người này nối máy trực tiếp đến đường dây nóng của Công an TP Hà Nội để bà làm với với điều tra viên. Sau đó, một người nghe máy, tự nhận là nhân viên thụ lý vụ án, thuộc Công an TP Hà Nội trao đổi vụ việc với bà N.
“Anh ta đọc 1 dãy số rồi hỏi tôi có phải số CMND của tôi hay không. Tôi xác nhận đúng thì người này nói công an đang điều tra đường dây mua bán ma túy và rửa tiền lên đến 7 tỉ đồng, liên quan đến tôi. Anh ta cũng thông báo hiện Công an TP Hà Nội đã có lệnh bắt khẩn cấp và phong tỏa tài sản của tôi để điều tra”, bà N trình bày sự việc.
Người này yêu cầu bà giữ bí mật để không ảnh hưởng đến gia đình và đưa ra 2 phương án: bị bắt và phong tỏa tài sản hoặc nộp tiền để điều tra trả lại sự trong sạch. Số tiền này cơ quan điều tra chỉ tạm giữ, khi kết thúc điều tra sẽ hoàn trả cho bà N.
Nghe “điều tra viên” nói mình liên quan đến vụ trọng án, bà N hoảng sợ chọn phương án nộp hết tiền trong tài khoản để điều tra, xác minh. “Tôi nghĩ mình trong sạch, không phạm tội thì sau này người ta sẽ trả lại tiền, không mất đi đâu mà sợ”, bà N cho biết.
Đối tượng đề nghị bà N. kết bạn Zalo để tiện làm việc. Qua Zalo, người này cung cấp số tài khoản yêu cầu bà N. chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra, và yêu cầu “tuyệt đối bí mật”. Qua zalo, người này cung cấp số tài khoản yêu cầu bà N. chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra, và yêu cầu “tuyệt đối bí mật”.
Từ ngày 1-8/4, bà N. đã 11 lần chuyển vào tài khoản của “cán bộ điều tra” tổng số tiền 545 triệu đồng. Khi chuyển hết tiền trong tài khoản thì bà N. cũng không thể nào liên lạc được với điều tra viên. Lúc này bà mới biết bị lừa và thú nhận, kể lại “bí mật” với chồng.
Người chồng hay chuyện “nổi điên lên” vì sự nhẹ dạ của vợ nhưng không biết làm cách nào khác, đành cùng nhau đến trình báo với cơ quan công an.
Theo điều tra viên Đội phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh Nghệ An cho biết: Đây là thủ đoạn đã quá cũ của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối tượng sử dụng giao thức truyền giọng nói qua Internet (VoIP), số điện thoại dùng để gọi sẽ được hiển thị đầu số giống số của công an như +000113, +84000113... làm nạn nhân tin rằng đang làm việc với công an.
"Chúng tôi đã tuyên truyền rất nhiều về phương thức thủ đoạn này để người dân nâng cao cảnh giác nhưng không hiểu sao vẫn có nhiều người mắc bẫy và bị mất số tiền lớn”, điều tra viên Đội phòng chống tội phạm công nghệ cao nói.
Trước đó, chị T. (một tiểu thương ở TP Vinh, Nghệ An) đến cơ quan công an trình báo sự việc tương tự. Ngày 1/4, chị T. cũng nhận được cuộc điện thoại thông báo đang nợ 25,5 triệu đồng vay ngân hàng đã quá hạn hơn 2 tháng. Sau đó, lần lượt có người tự xưng là công an TP Hà Nội, Viện kiểm sát Hà Nội gọi điện nói chị T. liên quan đến đường dây ma túy, yêu cầu chuyển khoản 300 triệu đồng để phục vụ điều tra. May mắn khi chị T. mang sổ tiết kiệm rời khỏi nhà thì chồng nhìn thấy, ngăn lại hỏi. Nghi ngờ lừa đảo, người chồng nói chị T. đến trình báo công an.