Lấy sự ngọt ngào bày tỏ yêu thương
Cô Quỳnh Anh kể, trước đây cô hay mang kẹo tới trường tặng cho HS khi nhận lớp mới để làm quen, hoặc vào mỗi thứ 2 đầu tuần, như một món quà nhỏ chia sẻ chút ngọt ngào với các em. Từ những viên kẹo bình thường đó, ai ngờ có HS còn khoe em thích loại kẹo này, kẹo kia, khiến cô và cả lớp cùng đồng ý chọn vài loại kẹo được ưa thích nhất dùng chung cho cả lớp. Dần dần, ý tưởng “Cái hũ hạnh phúc - Jar of Happiness” ra đời, với ý nghĩa thay vì chỉ mình cô chia sẻ sự ngọt ngào cho HS, thì chính các em có thể chia sẻ cho nhau sự ngọt ngào đó, và cho cả các giáo viên bộ môn khác. Bất kỳ lúc nào, cảm thấy mệt, lo lắng, các em có thể lấy kẹo ra ngậm.
Từ tháng 9/2017, cô Quỳnh Anh mang một chiếc hũ thủy tinh đặt ở góc lớp và gửi đi thông điệp: Chiếc hũ này sẽ chứa những viên kẹo nhỏ xinh nhưng đầy ý nghĩa. Nếu ngày nào đó các em thấy thầy cô giảng bài thật hay, thật dễ hiểu, các em sẽ lấy kẹo mời thầy cô như một lời cảm ơn và chúc thầy cô có một ngày thật vui vẻ. Hoặc nếu nhận thấy thầy cô có chút mệt mỏi, có điều gì đó không vui, các em cũng hãy lấy kẹo ra mời thầy cô như một niềm chia sẻ, mong thầy cô bớt mệt mỏi, bớt muộn phiền. Và cả chính các em cũng vậy, những viên kẹo của cảm thông luôn chờ đợi các em mọi lúc. Thậm chí khi cảm thấy hơi đói bụng lúc tiết học đã chuyển sang trưa, các em cũng có thể lấy kẹo ra ngậm, chất đường trong kẹo sẽ cho các em chút năng lượng, giúp các em không bị mệt, và đó cũng là một dạng của hạnh phúc. Còn khi các em cảm thấy vui thật vui, thấy năng lượng trong mình dồi dào, các em càng nên bỏ vào hũ thật nhiều những viên kẹo ngọt ngon để báo cho mọi người biết, đểsan sẻ với mọi người. Hạnh phúc, như thế, sẽ không bao giờ vơi cạn.
Sau 2 tháng, chiếc bình thủy tinh đựng những viên kẹo đủ màu trong lớp cứ vơi rồi lại đầy. Cô Quỳnh Anh chia sẻ: “Lúc đầu tôi cũng nghĩ chiếc hũ sẽ rất khó duy trì, nhưng qua 2 tháng thực hiện, tôi nhìn thấy được sự lớn lên, sự tự giác và ý thức sẻ chia của HS. Có nhiều giáo viên bộ môn lên lớp được học sinh mời kẹo, thầy cô vui lắm, khen học trò tình cảm, lớp học có không khí”.
Theo thời gian, “Cái hũ hạnh phúc” của cô Quỳnh Anh được nhân rộng sang nhiều lớp học và ra ngoài không gian trường. Có nhiều giáo viên ở các vùng miền khác đã chia sẻ với cô hình ảnh về chiếc bình đựng những viên kẹo họ đang thực hiện ở lớp mình, như một lời cám ơn về ý tưởng của cô. Đó cũng là điều cô vui nhất vì hũ kẹo đã và đang thật sự lan tỏa hạnh phúc cho nhiều thầy và trò ở các trường học.
“Thực sự tôi không nghĩ chiếc hũ hạnh phúc lại có sức lan tỏa đến vậy. Tôi rất bất ngờ. Tôi chỉ nghĩ những viên kẹo mang đến cho các em HS lẫn các giáo viên sự ngọt ngào trong mỗi ngày tới trường là đủ”, cô Quỳnh Anh cho hay.
Những dự án dạy học ý nghĩa
Là một giáo viên trẻ, vào nghề mới được hơn 3 năm, nhưng cô giáo Trần Thị Quỳnh Anh đã để lại nhiều ấn tượng với HS và nhận được nhiều lời khen từ đồng nghiệp, Ban giám hiệu. Không chỉ có nhiều ý tưởng mới lạ tương tác với học trò để môi trường học đường lẫn quan hệ thầy trò thân thiện hơn, cô còn đạt những thành tích đáng kể ở các sân chơi sáng tạo dành cho nhà giáo trong và ngoài nước.
Năm 2016, cô Quỳnh Anh thực hiện dự án dạy học ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) có tên “Tôi yêu tiếng nước tôi” và giành giải Nhất tại cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin (CNTT)” do Bộ GD&ĐT cùng Microsoft tổ chức.
“Tham gia dự án này, tôi muốn hướng đến mục tiêu đầu tiên là giúp các em có những kiến thức về tiếng Việt, từ đó các em có ý thức trong cách dùng tiếng Việt chuẩn; từ việc biết, hiểu, dùng chuẩn, các em thấy cái hay của tiếng Việt và ở mức cao hơn là biết giữ gìn, bồi đắp tiếng Việt. Ngoài ra, các em còn học được các kỹ năng như làm việc nhóm, thuyết trình, thu thập xử lý thông tin, ứng dụng CNTT trong học tập… thay vì chỉ dừng ở mức sử dụng CNTT để đọc báo, lướt web, trò chuyện…”, cô Quỳnh Anh cho biết.
Năm học 2017-2018 này, cô Quỳnh Anh đang cho HS của mình thực hiện dự án có tên “Ước mơ trên vai mẹ”. Theo đó, HS sẽ phân nhóm, chia vai với nhau để có những tấm ảnh chụp về những người mẹ đang mưu sinh khắp nơi mà các em bắt gặp; hoặc quay clip, kể chuyện về họ... Điều quan trọng là trong quá trình tiếp xúc, phỏng vấn, các em phải ghi lại được những ước mơ, mong muốn của họ. Đó có thể là mơ ước mơ rất đời thường, giản dị, ví dụ như mong con cái học giỏi, khỏe mạnh hay tìm được việc làm, hay chỉ là mơ ước được đưa con đi chơi vào một ngày lễ nào đó ở công viên, sở thú, v.v… Các em tâm đắc với ước mơ nào thì có thể thực hiện theo đó và sẽ trình sản phẩm vào buổi tổng kết dự án. Nó gần giống với chương trình Điều ước thứ 7 của VTV3 vậy.
Bên cạnh dự án nói trên, cô Quỳnh Anh đang còn triển khai dự án dạy học tích hợp liên môn Địa lý-Văn học về chủ đề “Văn học thế giới” dành cho HS lớp 11. Dự án mô phỏng hình thức một hội chợ, mỗi gian hàng là một tác phẩm văn học nước ngoài, HS sẽ có nhiệm vụ thiết kế poster, thuyết trình về tác phẩm, tác giả, địa lý đất nước trong tác phẩm, v.v…