Một số bị sát hại, những người khác thiệt mạng trong các vụ tai nạn hi hữu đến khó tin. Nhiều người trong số các nhà khoa học này được biết là có mối liên lạc bí mật với các cộng đồng tình báo; nhiều nguồn tin cho rằng cái chết của họ đã được xếp đặt trước.
Tiến sĩ Rodney Marks
Nhà khoa học vũ trụ người Australia Rodney Marks đã qua đời sau khi bị ngộ độc cấp methanol. Điều mà người ta chưa biết được là ông đã bị đầu độc bằng cách nào. Các điều tra viên đã chính thức loại bỏ nguyên nhân chết người do tự tử. Thời gian trôi qua, giờ đây cái chết của ông, vốn được mệnh danh là “vụ giết người ở Nam Cực”, vẫn còn là một điều bí hiểm.
Marks sinh tại Geelong, Australia và trở thành tiến sĩ tại ĐH New South Wales. Ông từng làm việc tại trạm nghiên cứu Nam Cực những năm 1997 -1998 trước khi làm việc tại đài quan sát Smithsonian Astrophysical trong một dự án thuộc ĐH Chicago tại trạm Nam Cực Amundsen-Scott. Ngày 11/5/2000, chỉ một ngày trước khi qua đời, ông bất chợt bị ốm và nôn ra máu. Tình trạng của ông ngày càng nặng hơn. Nguyên do cái chết của nhà khoa học này không được lý giải cho đến khi thi thể của ông được chuyển khỏi trạm để làm khám nghiệm tử thi. Điều đáng ngạc nhiên là các nhà chức trách gần như không nhận được sự hợp tác từ các thành viên của Quỹ Khoa học quốc gia khiến việc điều tra càng trở nên khó khăn hơn.
Thi thể của Marks được giữ lại trạm suốt 6 tháng mùa đông Nam Cực rồi mới được chuyển tới để khám nghiệm tại Christchurch, New Zealand, căn cứ của các hoạt động Mỹ tại Nam Cực. Vấn đề phạm vi quyền hạn ở Nam Cực khá phức tạp. Hầu hết các hoạt động của Mỹ tại châu lục này, bao gồm cả căn cứ tại Nam Cực, đều nằm trong khu tự trị Ross phụ thuộc mà New Zealand nhận là chủ sở hữu. Nơi đây cũng là nguồn cung cấp nhu yếu phẩm cho các đoàn công tác Nam Cực. Dù không chấp nhận tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của New Zealand, nhưng Mỹ cũng không tỏ ra phản đối nước này áp dụng các điều luật của mình đối với công dân của họ đang hoạt động ở Nam Cực cũng như căn cứ Christchurch; ngược lại, theo Hiệp ước Nam Cực, New Zealand cũng không có ý kiến gì về việc sử dụng tàu U.S. Marshal để giam giữ các tội phạm có liên quan tới người Mỹ.
Dưới sự chỉ đạo của nhân viên điều tra cái chết bất ngờ Richard McElrea ở Christchurch, một cuộc điều tra đã được tiến hành bởi thám tử trung sĩ cảnh sát Grant Wormald thuộc cảnh sát New Zealand. Điều tra viên Richard McElrea cho biết anh “hoàn toàn không bằng lòng” với những thông tin và lời khai mà cảnh sát New Zealand đã thu nhận được. Wormald phủ nhận kết luận của Quỹ Khoa học quốc gia (NSF) rằng cái chết của Marks là tự nhiên. “Chúng tôi muốn nhận được các kết quả điều tra của NSF và liên lạc với các thành viên để điều tra thêm, nhưng họ không sẵn lòng cho chúng tôi biết những ai đã ở đó. Thành thật mà nói, tôi nghĩ rằng ở đó có nhiều thông tin hơn, chắc chắn vậy”.
Sau nhiều năm, kết luận chính thức vẫn chưa được đưa ra sau một loạt các phiên làm việc năm 2006, mặc dù thông tin được đưa cho giới truyền thông là nhà khoa học này đã bị đầu độc có chủ ý.
Wormald chỉ tuyên bố: “Theo quan điểm của tôi, gần như là Marks đã bị đầu độc methanol mà không hề hay biết”. Wormald cho rằng không thể có chuyện Marks tình cờ uống methanol, mặc dù nhà khoa học này tiêu thụ một lượng rượu khá lớn.
Trước khi qua đời một thời gian, ông mới bắt đầu một mối quan hệ tình cảm mới, gần như hoàn thành một công trình nghiên cứu khoa học quan trọng và cũng không có vấn đề gì về tài chính. Chính vì vậy, nguyên nhân cái chết do tự tử hoàn toàn được loại bỏ.
(Còn tiếp)