Cái chết báo trước bên bàn nhậu: Sao mãi không "diệt" được bia giả?

Để triệt tận gốc nạn bia giả, bia lậu, các Bộ đều thống nhất sử dụng việc dán tem. Tuy nhiên, cách làm này tới nay vẫn chưa hề được áp dụng vào thực tế.

Người dân đồng tình việc dán tem bia để bảo vệ sức khỏe của chính mình.
Người dân đồng tình việc dán tem bia để bảo vệ sức khỏe của chính mình.

Theo khảo sát cũng như nguồn tin mà PV có được, hiện nay trên thế giới, không ít quốc gia đã coi tem bia là một “lá chắn”, công cụ hiệu quả trong việc quản lý bia lậu. 

Trong khi đó, ở trong nước, hầu hết các bộ ngành và người dân đều ủng hộ việc dán tem bia để “triệt tận gốc” nạn bia giả, lậu đang nhức nhối trên thị trường.

Vấn đề được đặt ra, tại sao Bộ Công Thương còn chần chừ trong việc bảo vệ sức khỏe người dân khi mọi vấn đề về dán tem bia đã được thông suốt?

Các Bộ “nắm tay” triệt tiêu bia lậu

Được biết, đề án nâng cao năng lực quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất và kinh doanh bia được Bô Công Thương đưa ra từ năm 2013. 

Cũng trong thời gian này, việc dán tem bia đã được Bộ Công Thương gửi đến các Bộ để xin ý kiến. Và hầu hết các ý kiến Bộ này nhận được đều mang tính tích cực, ủng hộ việc dán tem bia để triệt tiêu bia lâu, giả đang khuấy đảo thị trường trong thời gian qua.

Theo tìm hiểu của PV, tại công văn số 1941 của Bộ Khoa học và Công nghệ có ghi rõ, trước thực trạng hiện nay ở Việt Nam, việc kiểm soát nắm bắt thông tin chính xác về sản lượng bia sản xuất và lưu thông trên thị trường còn hạn chế. 

Chính vì vậy, việc dán tem bia là một trong các giải pháp cần thiết để nâng cao hiệu quả quản lý đối với việc chống hàng giả, chống buôn lậu, gian lận thương mại trong sản xuất và kinh doanh bia.

Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định, giải pháp công nghệ dán tem bia trong đề án để quản lý chống thất thu thuế và hàng giả có tính bảo mật cao, có khả năng truy xuất nguồn gốc kịp thời đối với từng sản phẩm bia trên thị trường. 

Việc ứng dụng hệ thống quản lý thông tin tập trung là giải pháp mới, tiên tiến, phù hợp nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất và kinh doanh bia ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Cùng quan điểm, khi trao đổi với PV, một cán bộ công tác tại Bộ Y tế cho rằng, Bộ này cũng đã có công văn phúc đáp, góp ý cho Bộ Công Thương về việc dán tem bia để chống hàng giả. 

Bộ Y tế ủng hộ việc xây dựng đề án nhằm nâng cao năng lực quản lý Nhà nước đối với sản phẩm bia từ khâu sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán lẻ cùng với khả năng truy xuất nguồn gốc đối với từng sản phẩm. Đồng thời, nếu đề án được triển khai sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng được sử dụng các sản phẩm đảm bảo chất lượng an toàn.

“Thực phẩm là mặt hàng đòi hỏi sự đảm bảo từ khâu sản xuất đến tay người tiêu dùng. Hiện nay trên thị trường, các sản phẩm bia, rượu đang được buôn lậu tràn lan. 

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện ra nhiều đối tượng làm giả bia và người tiêu dùng đứng trước nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Tôi cho rằng, việc dán tem bia sẽ giải quyết triệt để được tình trạng này”, vị này nhấn mạnh.

Hầu hết các bộ ngành như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều đồng tình và ủng hộ đề án nâng cao năng lực quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất và kinh doanh bia, trong đó có việc dán tem bia. Đại diện Bộ Tài chính còn cho rằng, việc dán tem bia không những đảm bảo được sức khỏe người tiêu dùng mà còn bảo vệ quyền lợi các nhà sản xuất chân chính.

Trước đó, trao đổi với PV, một lãnh đạo Bộ Công Thương cũng thừa nhận, thị trường bia Việt Nam đã và đang tồn tại nhiều vấn đề ảnh hưởng đến công tác quản lý của Nhà nước. Đặc biệt, việc thiếu thông tin chính xác về tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, nhất là các cơ sở sản xuất bia vừa và nhỏ.

Bên cạnh đó, ở cấp địa phương, tình trạng nhập lậu bia, bia giả đang trở thành vấn nạn thực sự dẫn đến thất thu thuế cho ngân sách. Bia lậu, giả còn tạo môi trường cạnh tranh không bình đẳng giữa các nhà sản xuất kinh doanh chân chính với những những kẻ trốn thuế.

Nhiều nước gắn “lá chắn thép” để bài trừ bia, thuốc lá lậu

Theo tìm hiểu của PV, việc dán tem bia ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở dự án nhưng nhiều nước trên thế giới đã áp dụng con tem như một “lá chắn thép” để hạn chế việc nhập lậu bia. Tại đất nước Albania, việc triển khai tem/nhãn kiểm soát tài chính được mã hóa đã đưa ra được giải pháp ngăn chặn bia nhập lậu.

Theo ước tính của nước này, nhờ con tem, mỗi năm họ đã kiểm soát được khoảng 700 triệu sản phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu. Dự án dán tem bia, đồ uống được triển khai từ tháng 11/2011 và hoàn thành vào tháng 3/2012.

Đánh giá về tính hiệu quả của việc dán tem bia, các cơ quan chức năng Anbani cho rằng, từ tháng 2-12/2012, việc sản xuất bia nội địa tăng 50% so với cùng kỳ năm 2011. 

Hơn 50 trường hợp bia lậu, giả đã bị cơ quan chức năng phát hiện nhờ việc dán tem bia trước đó. Trong khi đó, thuế tiêu thụ đặc biệt chưa thanh toán là khoảng 660.000 USD, mức phạt hàng lậu, không rõ nguồn gốc tương đương với gần 1,7 triệu USD. Đã có 384 tổ chức khai thác kinh tế đăng ký, trong đó 168 tổ chức đã đăng ký dán ten với cơ quan quản lý thuế trước khi triển khai.

Tương tự như hiệu quả của việc dán tem trên mặt hàng bia, việc tạo “lá chắn thép” cho thuốc lá cũng khiến các cơ quan chức năng chống thất thu thuế được một số tiền khổng lồ. Theo thống kê của Kiểm toán tiểu bang California (Mỹ), năm 2003, số tiền thất thu thuế do việc buôn bán thuốc lá giả lên đến 292 triệu USD.

Sau khi thực hiện việc dán tem trên thuốc lá, năm 2008, trình trạng trốn thuế đã giảm 37%. Ngoài ra, theo kiểm tra tại hiện trường, số lượng thuốc lá giả bị bắt giữ đã giảm 73% so với năm 2004. Điều này cho thấy số lượng các sản phẩm bất hợp pháp có tại các điểm hán hàng giảm đáng kể sau khi phương pháp dán tem được thực hiện.

Rõ ràng, việc dán tem bia, thuốc lá đã có những minh chứng rõ ràng về sự hiệu quả. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tại sao việc đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, quyền lợi cho các nhà sản xuất chân chính vẫn chưa được tiến hành thực hiện.

Trao đổi với PV, ông Đặng Văn Xá (Xuân Tân, Xuân Trường, Nam Định) cho biết: “Bia là thực phẩm uống trực tiếp và ảnh hưởng ghê gớm đến sức khỏe con người nếu dùng phải hàng giả, hàng nhái. 

Với con số tiêu thụ bia trong những năm qua, tôi cho rằng, cần tìm ra giải pháp để giúp người dân không phải bỏ tiền để dùng hàng rởm. Đã có biết bao nhiêu vụ tử vong vì dùng phải bia, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. 

Về phần người dân, tôi có thể chịu phí đắt hơn một chút để dùng sản phẩm an toàn còn hơn sức khỏe bị đe dọa hàng ngày, hàng giờ do hàng lậu”.

Theo tìm hiểu của PV, trong công văn số 10647/VPCP-KTN của Văn phòng Chính phủ gửi đến Bộ Công Thương có ghi rõ việc đồng ý đề nghị của Bộ tại văn bản về chủ trương dán tem quản lý sản phẩm bia để nâng cao năng lực quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh bia.

Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khảo sát, lựa chọn nhà cung cấp tem có kinh nghiệm. Qua đó, cần phản làm rõ về các vấn đề công nghệ, kỹ thuật, mức phí dán tem và các vấn đề liên quan trong cung cấp dịch vụ thực hiện đề án.

5 năm, 48 người chết vì ngộ độc rượu bia

Thông tin độc quyền gửi tới báo từ cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế). Từ năm 2010 đến 5/2015, trên cả nước đã xảy ra 29 vụ ngộ độc thực phẩm từ bia, rượu khiến 182 người mắc phải và 48 người tử vong. 

Các vụ ngộ độc bia rượu tập trung nhiều nhất tại khu vực miền núi phía bắc, duyên hải miền Trung... Theo khảo sát của cơ quan này, hầu hết loại rượu, bia gây ngộ độc đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được cấp chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm.

Theo nguoiduatin.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ