Cải cách hành chính nâng cao chất lượng phục vụ dân sinh

Cải cách hành chính nâng cao chất lượng phục vụ dân sinh

(GD&TĐ) - Tạo bước chuyển mạnh về cải cách thủ tục hành chính là một trong ba khâu đột phá của chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020, trong đó đặt ra những yêu cầu có ý nghĩa nâng cao chất lượng phục vụ dân sinh.

Tuy nhiên, để đạt tới cái đích cao cả ấy lại không phải đơn giản, cần rất nhiều ở tầm bao quát, nhạy bén với hoàn cảnh của các nhà lãnh đạo ở từng địa phương, đơn vị trong quá trình xây dựng thể chế cũng như  tính minh bạch, trách nhiệm trong hoạt động công vụ. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Văn Hữu Chiến - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện việc đánh giá xếp hạng cải cách hành chính hàng năm đối với các cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố.

Thưa ông, được biết bắt đầu từ năm 2012, Đà Nẵng đã phát động thực hiện Cuộc vận động “3 hơn”: Nhanh hơn - hợp lý hơn - thân thiện hơn trong cải cách hành chính. Tên gọi của CVĐ thật ấn tượng, tuy nhiên, quan trọng hơn cả vẫn là khâu giám sát việc thực hiện. Xin ông vui lòng cho biết Đà Nẵng đã thực hiện chức năng theo dõi, giám sát của mình tới đâu?

Ông Văn Hữu Chiến
Ông Văn Hữu Chiến
 

Cuộc vận động “3 hơn” trong cải cách hành chính được triển khai tập trung vào 3 nội dung chính là: NHANH HƠN - đẩy nhanh tốc độ xử lý công việc, hoàn thành trước tiến độ, thời gian theo quy định hoặc thời hạn được giao; HỢP LÝ HƠN - cải tiến, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ các quy trình, thủ tục, phương pháp quản lý, làm việc, phối hợp chưa thực sự hợp lý; THÂN THIỆN HƠN - thực hiện phương châm “thân thiện hơn” trong việc tiếp xúc, giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân.

Thời gian qua, Lãnh đạo thành phố đã quan tâm, chỉ đạo việc theo dõi, giám sát thực hiện nội dung đã đăng ký của các cơ quan, đơn vị thông qua tiến hành kiểm tra thực tế tình hình triển khai thực hiện tại các cơ quan đơn vị. Kết quả thực hiện cuộc vận động “3 hơn” của các cơ quan, đơn vị được coi là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá xếp hạng về công tác cải cách hành chính

Đặc biệt, từ đầu năm 2013 đến nay, thành phố đã tiến hành việc khảo sát trực tuyến mức độ hài lòng của công dân, tổ chức đối với các dịch vụ hành chính công trực tuyến và cán bộ, công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các đơn vị. Hiện nay, công dân tổ chức có thể truy cập website cchc.danang.gov.vn để đánh giá công chức tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố.

Qua cơ sở dữ liệu tích hợp được từ kết quả đánh giá tinh thần, thái độ của công chức tiếp xúc, giải quyết công việc cho tổ chức, cá nhân, UBND thành phố có thể theo dõi mức độ thực hiện tiêu chí “THÂN THIỆN HƠN” của các đơn vị. Kết quả triển khai 6 tháng đầu năm 2013 thông qua phần mềm trực tuyến, cho thấy: tổng số ý kiến tham gia trả lời khảo sát trực tuyến là 5.113 ý kiến. Qua phân tích kết quả khảo sát đối với chất lượng dịch vụ hành chính công, cho thấy có 95.7% công dân, tổ chức đánh giá hài lòng và rất hài lòng; kết quả khảo sát đối với công chức tiếp nhận và trả kết quả: có 92% công dân, tổ chức đánh giá mức tốt và rất tốt. 

Bên cạnh đó, việc giám sát thực hiện cuộc vận động “3 hơn” tại các cơ quan, đơn vị cũng không nằm ngoài khung theo dõi, đánh giá chung về công tác cải cách hành chính tại thành phố Đà Nẵng. Hiện nay, thành phố Đà Nẵng đã và đang xây dựng hệ thống theo dõi, đánh giá kết quả CCHC gồm các công cụ như: Bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng kết quả CCHC hàng năm; kiểm tra, giám sát định kỳ của cơ quan quản lý Nhà nước về CCHC; giám sát của Hội đồng nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố và các cấp; giám sát của báo đài và các phương tiện truyền thông, và đặc biệt là sự đánh giá của công dân, tổ chức, doanh nghiệp...thông qua các công cụ khảo sát sự hài lòng khách hàng trực tiếp và trực tuyến. Kết quả theo dõi, đánh giá đều được thông tin thường xuyên và định kỳ hàng quý, năm.

Có thể nói, nhờ sự theo dõi, giám sát thường xuyên việc triển khai cuộc vận động “3 hơn” nên đến nay trên toàn địa bàn thành phố đã có 1.066 nội dung TTHC được đăng ký thực hiện nhanh hơn (tiết kiệm được cho công dân, tổ chức 73.263 ngày làm việc), 392 nội dung TTHC hợp lý hơn, 131 giải pháp thân thiện hơn, góp phần giảm chi phí hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước và phục vụ nhân dân trên địa bàn thành phố.

 

- Thực tế cho thấy, quá trình thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính ở nơi này, nơi khác vẫn còn bộc lộ những bất cập gây phiền hà cho dân. Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân cơ bản vẫn là yếu tố con người, cụ thể là cán bộ, công chức liên quan tới việc giải quyết các thủ tục hành chính. Ý kiến của ông như thế nào? Liệu Đà Nẵng có thể giải quyết được bất cập này hay không?

Thành phố luôn xác định lấy hiệu lực, hiệu quả quản lý và sự hài lòng của tổ chức, công dân làm thước đo đánh giá kết quả quá trình giải quyết các thủ tục hành chính; đã chỉ đạo nhiều giải pháp nâng cao chất lượng của các yếu tố tác động đến mức độ hài lòng của công dân, tổ chức như: nghiêm túc thực hiện các quy định về công khai công vụ; công khai các nội dung hướng dẫn về giải quyết thủ tục hành chính, số điện thoại của lãnh đạo cơ quan, đơn vị, họ và tên người trực tiếp giải quyết hồ sơ, quyền và nghĩa vụ của công dân, tổ chức; cơ chế thực hiện khiếu nại, tố cáo và cung cấp thông tin; nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc tiếp nhận hồ sơ, thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao trình độ và thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ công chức. Trong các yếu tố trên, có thể nói yếu tố cán bộ, công chức đóng vai trò quyết định đến chất lượng cung ứng dịch vụ và mức độ hài lòng của công dân, tổ chức. Do đó, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp để cải thiện nội dung này, trong đó có thể kể một số nội dung chính như sau:

Thứ nhất, tập trung nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức công vụ đối với đội ngũ cán bộ, công chức:

Theo Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 27/4/2010 của Chủ tịch UBND thành phố, hằng năm, từng cơ quan, đơn vị và cá nhân CBCCVC tự soát xét và đăng ký một nhiệm vụ, giải pháp để làm chuyển biến rõ nét hơn lề lối làm việc và thái độ phục vụ nhân dân. Việc thực hiện nội dung cam kết này có vai trò quan trọng trong việc đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức cuối năm. Đồng thời, thành phố cũng đã quy định rõ, trong quá trình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính đối với công dân, tổ chức, nếu từ chối tiếp nhận phải có văn bản giải thích hướng dẫn cụ thể, rõ ràng đối với công dân tổ chức.

Thứ hai, thực hiện nghiêm túc công tác giám sát, đánh giá quá trình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính của cán bộ, công chức:

Hằng năm, UBND thành phố giao Sở Nội vụ tiến hành thường xuyên các hoạt động thanh tra, kiểm tra công vụ (trung bình hơn 80 lượt đơn vị/năm). Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn và Chủ tịch UBND quận, huyện cũng tiến hành kiểm tra hàng năm tại hơn 80% đơn vị, địa phương trực thuộc. Nhiều cơ quan, đơn vị đã ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống camera giám sát để theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các thủ tục hành chính theo đúng quy định.

Đồng thời, thành phố còn phát huy sự tham gia giám sát, đánh giá của công dân, tổ chức thông qua công tác khảo sát mức độ hài lòng đối với chất lượng dịch vụ hành chính công và thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ tiếp nhận. Công tác khảo sát mức độ hài lòng hiện nay được tất cả các cơ quan, đơn vị có cung ứng dịch vụ hành chính công thực hiện thường xuyên thông qua phần mềm khảo sát trực tuyến và phiếu khảo sát. Thành phố cũng đã giao cho các đơn vị độc lập như Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh tế - xã hội, Trung tâm Giao dịch công nghệ thông tin và truyền thông thực hiện khảo sát độc lập. Kết quả khảo sát được công bố một cách công khai, thường xuyên để các đơn vị theo dõi và triển khai các giải pháp khắc phục những nội dung công dân, tổ chức còn chưa hài lòng về chất lượng phục vụ.

Thứ ba, thực hiện tốt các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức từ công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đào tạo bồi dưỡng, đánh giá, đề bạt...

Thành phố tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hiện tốt việc đánh giá công chức theo kết quả làm việc, các giải pháp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, văn hóa giao tiếp, ứng xử… nhằm xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp và có đạo đức công vụ tốt. Bên cạnh đó, thực hiện các giải pháp động viên đối với đội ngũ  công chức thực hiện công tác tiếp nhận và trả kết quả như chế độ phụ cấp hằng tháng là 20% mức lương tối thiểu…

Việc thực hiện các giải pháp trên đã góp phần mang lại hiệu quả khá tốt và góp phần vào việc nâng cao mức độ hài lòng của công dân, tổ chức đối với chất lượng dịch vụ hành chính công của thành phố. Tuy vẫn còn một số ít lĩnh vực thủ tục hành chính còn khiến người dân chưa thật sự hài lòng nhưng với việc thực hiện một cách đồng bộ và quyết liệt các giải pháp trên, lãnh đạo thành phố tin tưởng sẽ từng bước giải quyết được những hạn chế, bất cập về yếu tố cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính đối với công dân, tổ chức trong thời gian tới.

Sự hài lòng của công dân là thước đo đánh giá kết quả quá trình giải quyết các thủ tục hành chính
Sự hài lòng của công dân là thước đo đánh giá kết quả quá trình giải quyết các thủ tục hành chính
 

- Được biết, năm 2015, thành phố Đà Nẵng sẽ là địa phương đưa vào vận hành, khai thác thí điểm chính quyền điện tử (CQĐT), một trong những mô hình chính phủ điện tử (CPĐT) tiên tiến trên thế giới. Xin ông vui lòng cung cấp thông tin cho bạn đọc trong và ngoài tỉnh biết rõ hơn những lợi ích  dân sinh mà CQĐT mang lại?

Có thể nói, việc triển khai xây dựng, vận hành khai thác mô hình chính quyền điện tử cùng với các giải pháp triển khai mô hình “công dân điện tử”, “doanh nghiệp điện tử” nhằm hướng đến xây dựng mục tiêu “thành phố điện tử” sẽ mang lại những lợi ích dân sinh và lợi ích kinh tế rất quan trọng và to lớn, đáp ứng được kỳ vọng của lãnh đạo chính quyền cũng như người dân thành phố trong việc xây dựng một thành phố hiện đại, thông minh, thân thiện, hấp dẫn và đáng sống.

Về lộ trình xây dựng chính quyền điện tử đến năm 2015: thành phố sẽ tập trung xây dựng hạ tầng thông tin và truyền thông đồng bộ, hiện đại, tạo tiền đề cho việc hoàn thiện các hạ tầng kinh tế - kỹ thuật khác theo hướng “thành phố thông minh hơn”, tiến hành xây dựng mạng đô thị (MAN) tốc độ cao, băng thông rộng để kết nối toàn bộ các cơ quan trực thuộc Thành ủy, HĐND, UBND thành phố... đến các xã, phường.

Đồng thời, thiết lập Trung tâm Tích hợp dữ liệu bằng công nghệ hiện đại và có tính mở để đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai. Hoàn thành việc xây dựng và kết nối các cơ sở chuyên ngành và dữ liệu chung của thành phố với mạng cơ sở dữ liệu quốc gia, làm nền tảng phục vụ công tác quản lý nhà nước và cung cấp thông tin lên Cổng thông tin điện tử của thành phố. Có thể nói, những lợi ích dân sinh cụ thể mà chính quyền điện tử mang lại là rất quan trọng và to lớn:

Thứ nhất, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành của bộ máy chính quyền thành phố thông qua việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác quản lý: Đến năm 2015, thành phố sẽ triển khai đồng bộ hệ thống công sở điện tử trong 100% các cơ quan hành chính cấp sở, ngành, quận huyện và ít nhất là 65% phường, xã. Thành phố sẽ triển khai hệ thống thông tin địa lý thành phố Đà Nẵng, được xây dựng và ứng dụng với hệ thống các bản đồ lớp như giao thông, chiếu sáng, thoát nước, công viên cây xanh, kiến trúc, hạ tầng thông tin. Và đặc biệt là xây dựng hệ thống GIS trên bản đồ nền với các lớp thông tin giao thông, chiếu sáng, thoát nước.

Thứ hai, việc đẩy mạnh cung ứng dịch vụ công trực tuyến sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân như: tiết kiệm thời gian, chi phí hành chính, có thể thực hiện các thủ tục hành chính mọi lúc, mọi nơi với các thiết bị Internet. Đồng thời, tăng cường tính công khai, minh bạch, giúp theo dõi, giám sát quá trình thực hiện các thủ tục hành chính cho nhân dân, hạn chế các hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực phát sinh trong quá trình giao dịch trực tiếp (nếu có).

Hiện nay, 100% dịch vụ hành chính công của thành phố đã được cung ứng ở mức độ 2 và đã có hơn 135 dịch vụ hành chính công trực tuyến mức 3 và 4. Theo lộ trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến của thành phố được phê duyệt tại Quyết định số 2614/QĐ-UBND ngày 16/4/2013 của UBND thành phố thì dự kiến số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 đến năm 2015 sẽ là 513 dịch vụ (chiếm hơn 50% tổng số dịch vụ công của thành phố).

Thứ ba, đẩy mạnh cung cấp thông tin và tương tác tốt hơn giữa chính quyền và nhân dân thông qua hệ thống các cổng thông tin điện tử, đặc biệt là hệ thống thông tin liên quan đến giáo dục, y tế, việc làm...:Đến năm 2015, thành phố sẽ triển khai nhiều ứng dụng quan trọng để phục vụ công dân, tổ chức như: hệ thống học bạ điện tử tích hợp với cổng thông tin giáo dục đào tạo thành phố; hệ thống thông tin cảnh báo thiên tai; Hệ thống thông tin điện tử về y tế: gồm cơ sở dữ liệu y tế; số hóa dữ liệu các thiết bị y tế, hệ thống thông tin quản lý bệnh viện, hệ thống thông tin quản lý dịch tễ, hệ thống chẩn đoán từ xa, người dân khám chữa bệnh tại các bệnh viện công lập có thể xem hồ sơ bệnh án qua mạng; Hệ thống quản lý đất đai liên thông…

Đặc biệt, hiện nay thành phố đã xây dựng và mở rộng mạng wi-fi thành phố và sẽ hoàn thành trước năm 2015 để toàn thể doanh nghiệp, người dân và du khách dễ dàng truy cập Internet và sử dụng các dịch vụ công được cung cấp qua mạng như trên.

Nguyễn Thanh Huế (Thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.