(GD&TĐ) - Chỉ tính riêng từ đầu tháng Tư tới nay, hiện tượng bạo hành theo kiểu “xã hội đen” trong cả nước đã lên tới hàng chục vụ. Trong số đó, trên 70% số vụ thủ phạm gây án ở độ tuổi thanh niên.
Xin đơn cử những vụ việc điển hình: Vụ nam thanh niên chém người yêu nhiều nhát cho tới chết rồi lên Facebook tâm sự tại Phường 22, Quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh (chiều 13/4); Vụ 2 nhân viên tắc xi và 2 học sinh THPT ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh) bắt cóc một thiếu nữ rồi cắt tóc, cạo sạch lông mày và đánh đập cho tới khi bất tỉnh (tối 17/4); Vụ một nữ giáo viên trẻ ở Hạ Trạch, (Bố Trạch, Quảng Bình) bị hiếp dâm và hành hung dã man trong đêm 17/4. Vụ nam thanh niên tạt xăng thiêu sống thiếu nữ trên đường Lê Đình Dương (Đà Nẵng) tối 20/4.
Lực lượng công an khống chế các đối tượng xã hội đen tham gia gây rối tại bến xe Bình Dương. (Ảnh minh họa: Nguyệt Triều) |
Bàng hoàng, căm phẫn và cả lo lắng, chắc chắn đó là tâm trạng chung của những ai được nghe, được chứng kiến sự gia tăng của cái ác trong cuộc sống quanh mình. Qua các vụ án, có thể thấy pháp luật của ta đủ sức răn đe nhưng trong thực tế thì bạo lực xã hội vẫn tiếp diễn. Vậy làm thế nào để ngăn chặn cái ác từ trong mầm mống, trước khi nó gây ra nỗi đau cho con người và hậu quả xấu đến cả cộng đồng?
Cùng với sự phát triển đa chiều của đất nước thời hội nhập, tốc độ phát triển phi mã của công nghệ thông tin, việc đi tìm nguyên nhân của những vụ bạo lực xã hội đã không còn là câu chuyện giản đơn như trước. Làm sao có thể biện hộ hành vi gây tội ác chỉ vì một phút nông nổi, bồng bột khi thủ phạm sau khi chém người yêu không gớm tay lại bình tĩnh lên mạng giãi bày tâm sự và nói lời chia tay “Chào các bạn, mai mình đi tù…” (vụ Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh). Làm sao có thể kết luận đó chỉ là sự lỡ lầm mù quáng khi vừa đánh đập “hội đồng”, vừa bắt nạn nhân phải hát theo bài hát “Cuộc đời vẫn đẹp sao” vụ Kỳ Anh (Hà Tĩnh)?. Thật khó có thể tin, nhưng đó lại là sự thật!
Trong hầu hết những vụ việc xảy ra, qua điều tra của cơ quan chức năng, những thanh, thiếu niên gây tội ác hoặc thiếu sự chăm sóc, theo dõi giáo dục của gia đình, phải sớm rời bỏ nhà trường để vào đời, hoặc do được bố mẹ nuông chiều quá mức. Điều này, làm ta liên tưởng tới câu thơ nổi tiếng của Hồ Chủ tịch “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Về môi trường giáo dục, phần gốc vẫn là giáo dục trẻ từ trong bào thai, từ tuổi ấu thơ. Không có cái gốc của một nền nếp gia phong chặt chẽ, đặt chữ “Nhân”, chữ “Tâm” lên trên hết, nhân cách con người khó được hình thành một cách bền vững. Từ cái gốc đó, nhà trường, cộng đồng có nhiệm vụ đắp bồi, chăm bón để cây ra hoa, kết quả.
Bởi vậy, suy cho cùng, muốn loại trừ tận gốc cái ác thì phải bắt đầu từ môi trường gia đình, có sự phối hợp chặt chẽ với nhà trường, xã hội. Không phải ngẫu nhiên năm 2013 được chọn là Năm Gia đình Việt Nam. Mỗi công dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan đoàn thể cần quan tâm sâu sắc hơn vấn đề quản lý, giáo dục, uốn nắn con em mình bằng những biện pháp tích cực, cam kết “nói không với tội phạm”, chủ động phòng ngừa tội phạm. Một điều rất đáng lưu tâm là hiện tại, những trang mạng xã hội như Facebook phổ biến khá rộng rãi trong giới trẻ, đã bộc lộ những tác hại xấu, trong đó có kích động bạo lực. Nên chăng, các trường học cần tổ chức những buổi tọa đàm cho học sinh sinh viên về việc cảnh giác những hậu quả tiêu cực do Facebook đưa đến. Song song với đó, cơ quan chức năng cần có những biện pháp quản lý thật cụ thể, chặt chẽ các tụ điểm Internet, phòng ngừa hiện tượng học sinh, SV tụ tập băng nhóm, sa vào tệ nạn xã hội.
Hồng Thúy