Café chủ nhật: Truyền thống tôn sư trọng đạo

GD&TĐ - “Tôn sư trọng đạo” dù ở ngày xưa hay hôm nay và mãi mãi về sau vẫn luôn là một nét đẹp không gì có thể thay thế được của dân tộc Việt Nam.

Minh họa: Vietpink
Minh họa: Vietpink

Đất nước ta phát triển lớn mạnh như ngày nay là nhờ vào những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của ông cha ngàn đời trao gửi lại. Tôn sư trọng đạo là một trong những truyền thống thể hiện sự đề cao vai trò của giáo dục, đặc biệt là vai trò của người thầy trong việc kiến tạo, giúp đất nước phát triển phồn thịnh. Truyền thống ấy, dù ở thời đại nào cũng cần được gìn giữ và phát huy.

Trong xã hội xưa, thầy giáo được coi là biểu tượng thiêng liêng cho sự học, là “khuôn vàng thước ngọc” của đạo đức, nhân cách để học trò học, noi theo thầy mà trở thành người có đức, có nhân, có tài để đứng ra giúp nước.

Trong ba vị trí đặc biệt quan trọng của xã hội xưa “Quân - Sư - Phụ” thì người thầy chỉ đứng sau vua, người được xã hội, nhân dân đặc biệt coi trọng và tôn vinh; là người mà nhân dân gửi gắm niềm tin để giúp con em họ học hành mà thành tài.

Có nhiều câu tục ngữ, ca dao mang ý nghĩa răn dạy con người về vai trò của người thầy như: “Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy…”, “Trọng thầy mới được làm thầy”...

Ngay từ thời Hùng Vương dựng nước, các Vua Hùng đã chú trọng đến việc dạy chữ. Nhà vua đã mời thầy đến dạy học cho các công chúa. Theo cuốn “Ngọc phả đình thôn Hương Lan” (xã Trưng Vương, Việt Trì, Phú Thọ), vào thời Hùng Vương thứ 18, niên hiệu Hùng Duệ Vương, từ vua đến dân rất quan tâm đến việc học hành, “tôn sư trọng đạo”, tu thân và lập thân của con người. Vì thế, Vua Hùng Duệ Vương đã mời hai vợ chồng thầy cô Vũ Thê Lang và Nguyễn Thị Thục (quê Bắc Ninh) vào cung dạy học trực tiếp cho hai công chúa mà nhà vua rất mực yêu quý là Công chúa Tiên Dung và Công chúa Ngọc Hoa.

Khi thầy, cô tạ thế, Vua Hùng cùng người dân thôn Hương Lan tiếc thương công đức nên đã an táng ngay tại địa điểm thầy, cô mở lớp dạy học, táng cùng một ngôi mộ. Nhà vua cũng cho phép thôn Hương Lan lập miếu để thờ cúng, hương hỏa cho thầy, cô. Từ đó, trải từ đời này sang đời khác, muôn dân đất Việt noi theo mà kính trọng người thầy, coi trọng sự học và truyền thống “Tôn sư trọng đạo” luôn được gìn giữ như một nét đẹp của dân tộc.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc, vai trò của người thầy luôn được đề cao dù ở thời đại nào. Không phải ai cũng có thể làm thầy bởi người thầy không chỉ cần có tri thức mà còn phải có cả đạo đức, phẩm hạnh. Thầy không chỉ dạy chữ mà còn dạy “đạo” - đạo làm người, thông qua dạy kiến thức để giáo dục đạo đức cho con người.

Với tư tưởng đề cao người thầy, trong xã hội phong kiến đã xuất hiện những người thầy mẫu mực như Chu Văn An, Lê Quý Đôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm… Họ là những người thầy với nhân cách lớn đã có công phát hiện, bồi dưỡng nên rất nhiều nhân tài cho quê hương đất nước.

Sau Cách mạng tháng Tám thành công, đứng trước những khó khăn, thách thức của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định 3 loại giặc cần phải loại bỏ: Giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt. Vì lẽ đó, Người hết mực quan tâm đến giáo dục, và những người làm giáo dục.

Với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò người thầy trong công cuộc kiến thiết nước nhà. Theo Bác, người thầy, người trí thức, người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa có sứ mệnh quan trọng là hun đúc nguyên khí quốc gia, đào tạo lớp hiền tài để kế tục sự nghiệp cách mạng của dân tộc và nhân dân ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao phó nhiệm vụ quan trọng, khó khăn cho đội ngũ nhà giáo. Đây là nhiệm vụ rất vẻ vang nhưng rất nặng nề của những người theo đuổi sự nghiệp trồng người.

Với sự quan tâm đặc biệt như thế, mặc dù trong hoàn cảnh đất nước bị xâm lăng, đô hộ, đất nước chúng ta cũng đã có những người thầy chân chính, nặng lòng với đất nước như Phan Chu Trinh, Nguyễn Tất Thành, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu…. Họ sẵn sàng vượt qua mọi gian khổ, thậm chí là hi sinh đổ máu để đi theo cách mạng, xây dựng nền giáo dục từ những buổi đầu sơ khai. Và chính những tấm gương ấy đã tô đẹp thêm hình ảnh người thầy trong xã hội ta.

Truyền thống “tôn sư trong đạo” đã được biết bao nhiêu thế hệ cha ông gìn giữ, đặc biệt là những tấm gương sáng của những thế hệ thầy cô, của những lớp học trò thành danh đi trước. Bởi vậy, ngày nay, chúng ta cần tiếp tục gìn giữ và phát huy hơn nữa truyền thống tốt đẹp đó để dựng xây đất nước.

Trong xã hội ngày nay, người thầy vẫn phải là chuẩn mực của đạo đức, nhân cách và trí tuệ. Đặc biệt, khi xã hội phát triển, khoa học công nghệ đạt được những thành tựu to lớn, khi thế giới bước vào thời đại công nghệ 4.0 thì người thầy phải không ngừng học tập, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ để bắt kịp với thời đại, đáp ứng những nhu cầu ngày càng cao về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Nếu không, có thể thầy sẽ thua học trò và khi ấy, hình ảnh thầy trong tâm hồn học trò không còn thiêng liêng như trước nữa.

Ngày nay, dù triết lí giáo dục có đổi thay, sự phát triển của xã hội cũng kéo theo những quan niệm mới về mối quan hệ thầy trò nhưng những giá trị đạo đức cốt lõi của người thầy thì không bao giờ thay đổi. Đó là sự mô phạm, mẫu mực với học trò, với đồng nghiệp, với phụ huynh. Đó là sự tận tuỵ, yêu nghề và hết lòng thương yêu học trò. Đó là tấm gương truyền động lực, cảm hứng cho người học. Những giá trị đó của người thầy chính là lời khẳng định cho truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta mãi trường tồn.

“Tôn sư trọng đạo” dù ở ngày xưa hay hôm nay và mãi mãi về sau vẫn luôn là một nét đẹp không gì có thể thay thế được của dân tộc Việt Nam. Dù ở đâu, thời nào, người thầy vẫn giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững của xã hội.

Nói như nhà giáo Chu Văn An, người thầy đạo cao đức trọng, là biểu tượng thiêng liêng về đạo học và hình ảnh người thầy của dân tộc Việt Nam: “Ta chưa từng thấy nước nào coi nhẹ sự học mà khá lên được”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một mối lo ngại khi sinh con của người trẻ tuổi ở Nam Á là chi phí sinh nở. Ảnh: UNICEF

Đằng sau xu hướng không sinh con ở Nam Á

GD&TĐ - Hầu hết các quốc gia ở Nam Á đang phải vật lộn với tăng trưởng kinh tế chậm, lạm phát gia tăng, tình trạng thiếu việc làm và nợ nước ngoài.