Cách ứng xử mềm mỏng nhưng kiên quyết khi con… ăn vạ

GD&TĐ - Khi trẻ khóc mè nheo nhằm đạt được theo ý mình, phụ huynh cần có cách ứng xử mềm mỏng nhưng kiên quyết.

Nhiều trẻ sử dụng tiếng khóc để cha mẹ đáp ứng yêu cầu của mình. Ảnh minh họa: INT.
Nhiều trẻ sử dụng tiếng khóc để cha mẹ đáp ứng yêu cầu của mình. Ảnh minh họa: INT.

Trẻ nhỏ luôn gắn liền với tiếng khóc. Tuy nhiên, có những bé khóc đòi thứ mình muốn rồi thôi, khóc vì… thích, và rất nhiều trẻ chỉ động chút là… khóc, khiến cha mẹ cảm thấy khó xử.

Những lần trẻ khóc ăn vạ có thể gây áp lực lớn đối với các cha mẹ. Nhiều người không đủ bình tĩnh, có hành động nổi nóng. Tuy nhiên, khi trẻ khóc mè nheo nhằm đạt được theo ý mình, phụ huynh cần có cách ứng xử mềm mỏng nhưng kiên quyết.

Cần bắt kịp nhu cầu của trẻ

Nuôi dạy trẻ chưa bao giờ là điều dễ dàng. Bởi, sẽ có nhiều tình huống mà cha mẹ không thể kiểm soát được cảm xúc của con, dẫn đến việc chúng quấy khóc và ăn vạ. Trong những trường hợp này, nhiều phụ huynh thường mất bình tĩnh và đôi khi đưa ra những quyết định không phù hợp, ảnh hưởng đến tinh thần và cảm xúc của trẻ.

Trong nhiều trường hợp, cha mẹ sử dụng các hành động răn đe hoặc đưa ra lời mệnh lệnh đối với trẻ, như: “Không được, mẹ nói không được là không được!”; “Con có thôi đi không!”; “Nín ngay, không mẹ cho ở đây luôn đấy”. Thậm chí, có phụ huynh còn sử dụng những câu nói và hành động mang tính đe dọa, như: “Nếu không nín là mẹ sẽ gọi cảnh sát, ông kẹ,… đến đấy!”.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, ăn vạ là một phần bình thường trong sự trưởng thành của trẻ nhỏ. Đa số các trường hợp thường xảy ra khi trẻ rơi vào những cuộc khủng hoảng với mức độ bộc lộ khác nhau. Lý do là đặc điểm tâm sinh lý của trẻ thay đổi liên tục.

Chẳng hạn, khi trẻ bước sang tuổi lên 2, đó là giai đoạn chuyển biến tâm lý rõ rệt. Chúng tỏ ra khó chịu, hờn dỗi, khóc lóc, tức giận hoặc chống đối khi không đạt được điều mình muốn. Hay, đối với trẻ mới biết đi, khóc nhè ăn vạ là một hình thức thể hiện sự thất vọng. Khi trẻ mệt mỏi, đói, khát nước hoặc phải rời xa cha mẹ cũng rất dễ có những cơn ăn vạ vô cớ.

Còn với trẻ lớn hơn, đó có thể là một hành vi được học, dần dần trở thành thói quen khi được cha mẹ nuông chiều và luôn đáp ứng lại mỗi khi trẻ ăn vạ, khóc lóc, đòi bằng được thứ mình muốn. Trẻ ăn vạ thường biểu hiện bằng sự khóc lóc, tức giận bởi vốn từ ngữ còn ít. Do đó, trẻ không biết diễn tả cảm xúc của mình, cũng như không thể hiện được chính xác thứ mình muốn.

Nếu cha mẹ không bắt kịp được nhu cầu của con để giải quyết hợp lý thì trẻ sẽ bộc lộ rất nhiều hành vi thách thức, chống đối quyết liệt với mọi người. Đây cũng là cách trẻ muốn mọi người chú ý đến và đáp ứng nhu cầu của mình.

Thông thường, biểu hiện ăn vạ của trẻ là khóc lóc, lăn lộn, thậm chí là la hét hoặc ném đồ vật. Những đứa trẻ như vậy dễ dàng bị gắn mác là “trẻ hư”. Trong nhiều trường hợp, cha mẹ thường “trị” những trẻ này bằng cách la mắng hoặc đánh đòn.

lam-gi-khi-con-an-va2.jpg
Khi trẻ khóc nhè ăn vạ, cha mẹ cần lắng nghe nhu cầu của con. Ảnh minh họa: INT.

Cách xử trí phù hợp

Trên thực tế, khi một đứa trẻ khóc lóc, ăn vạ, cách xử trí của cha mẹ được coi là rất quan trọng. ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc - Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, các bé có xu hướng làm như vậy nhiều nhất trong khoảng thời gian từ 1 - 3 tuổi. Bởi, đây cũng là giai đoạn trẻ đang phát triển trí tuệ, ngôn ngữ và bắt đầu học cách biểu đạt mong muốn, cảm xúc của bản thân với các thành viên khác trong gia đình.

Bên cạnh đó, sự biến đổi về mặt tâm sinh lý trong độ tuổi này cũng khiến trẻ có các biểu hiện như thường xuyên gào khóc, ăn vạ để đạt được ước muốn, mục đích của mình. Đặc biệt là giai đoạn lên 3 tuổi, trẻ sẽ phải đương đầu với thời kỳ gọi là “khủng hoảng tuổi lên 3”.

Theo bác sĩ Ngọc, khi gặp phải tình huống trẻ bắt đầu ăn vạ, cha mẹ nên nhớ cách phản ứng để không khiến điều này trở thành thói quen tiêu cực của con.

Thực tế, các bé cũng là những cá thể độc lập và mong muốn được công nhận. Do đó, khi chúng khóc ăn vạ hay tức giận, hơn ai hết cha mẹ cần là những người đồng cảm với con.

Việc đầu tiên mà cha mẹ cần làm là giữ thái độ bình tĩnh, kiên nhẫn lắng nghe. Đồng thời, dùng lời nói để phán đoán mong muốn của bé. Ví dụ, cha mẹ có thể hỏi những câu như: “Con không muốn ăn nữa phải không?”, “Con muốn chiếc điều khiển này à?”,... Điều đó sẽ giúp trẻ bớt kích động và có cảm giác được lắng nghe, thấu hiểu. Đặc biệt, việc giao tiếp thiện chí như vậy sẽ giúp trẻ tăng khả năng ngôn ngữ, nhận diện sự vật, sự việc và quản lý cảm xúc tốt hơn.

Khi trẻ dừng khóc và hết giận, cha mẹ nên dành thời gian ngồi xuống và nói chuyện với con, xem bé đang nghĩ gì. Phụ huynh có thể hỏi những câu như: “Vừa rồi con khóc là do không muốn ăn nữa phải không? Ngày mai mình ăn món khác nhé!”. Thông qua cách này, trẻ như tìm được giải pháp và nguôi giận.

Cách làm này đồng thời sẽ giúp trẻ vui vẻ trở lại. Sau đó, cha mẹ cũng có thể hướng trẻ sang hoạt động khác. Như vậy, trẻ sẽ quên chuyện không vui và có hứng thú trở lại. Ví dụ, cha mẹ có thể nói: “Bố biết con đang buồn vì bị hỏng đồ chơi, nhưng sắp đến giờ đi siêu thị rồi. Con thích được ra ngoài đúng không? Vậy cả nhà mình cùng chuẩn bị nhé!”.

lam-gi-khi-con-an-va-2.jpg
Các phụ huynh thường mất kiên nhẫn khi trẻ khóc ăn vạ. Ảnh minh họa: INT.

Bên cạnh những việc cần làm trong tình huống trẻ khóc ăn vạ, các phụ huynh cũng cần lưu ý đến một số điều nên tránh. Theo bác sĩ Kim Ngọc, phụ huynh không nên quát tháo, tức giận với trẻ.

“Khi trẻ ăn vạ kết hợp với tiếng khóc, thậm chí là tiếng gào thét dai dẳng sẽ khiến nhiều phụ huynh cảm thấy đau đầu, khó chịu và trút giận lên con. Điều này không những không giúp trẻ nín khóc, mà âm lượng của tiếng khóc có khi còn to hơn. Ngoài ra, không nên giữ chặt chân tay trẻ vì sẽ càng khiến con tức giận và giãy giụa mạnh hơn. Đồng thời, không nên dùng đòn roi lúc này vì trẻ sẽ học theo và cư xử bạo lực với người khác. Thay vào đó, cha mẹ nên giữ im lặng, quan sát và ở bên cạnh trẻ cho đến khi bé đã nín khóc và nguôi giận”, ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc khuyến cáo.

Một lưu ý khác là không nuông chiều bé. Theo bác sĩ Ngọc, trẻ em như tờ giấy trắng. Cha mẹ vẽ gì lên “tờ giấy” đó thì nó sẽ trở thành những thói quen sau này của trẻ. Nếu cha mẹ luôn sẵn sàng đáp ứng ngay mọi nhu cầu của con những lần bé khóc ăn vạ thì sau này, trẻ sẽ lợi dụng tiếng khóc của mình để đạt được mong muốn.

Ngoài ra, phụ huynh cũng không nên tranh cãi, dùng lí lẽ với trẻ. Bởi, lúc đó, trẻ sẽ không muốn lắng nghe gì cả. Điều mà cha mẹ nên làm đó là để cơn giận của trẻ nguôi đi, sau đó mới trò chuyện, phân tích tại sao không được làm như thế.

Cha mẹ cũng không nên so sánh con mình với trẻ khác. Việc bị so sánh không những khiến trẻ cảm thấy tự ti, xấu hổ về bản thân, mà còn gây nên cảm giác căm ghét, ghen tị với bạn bè. Từ đó, trẻ sẽ luôn có tâm lý rụt rè, buồn bã, không dám thể hiện suy nghĩ của mình vì cho rằng mình luôn thua thiệt người khác.

Theo bác sĩ Ngọc, phụ huynh không nên giải quyết vấn đề bằng lời nói dối. Thực tế, để con ngừng khóc lóc, ăn vạ, nhiều phụ huynh đã nói dối trẻ và thỏa hiệp tạm thời, như: “Ăn đi rồi mẹ dắt đi chơi”.

Tuy nhiên, khi trẻ ăn xong thì cha mẹ không thực hiện lời hứa đó. Lâu dần, khi trẻ nhận ra điều này thì bé cũng sẽ học theo cha mẹ nói dối. Đây là một tật xấu ảnh hưởng tiêu cực đến tính cách sau này của trẻ.

Ngoài ra, khi trẻ khóc gây ồn ào ở nơi đông người, cha mẹ không nên tìm cách quát mắng con. Bởi, cách làm này sẽ làm ảnh hưởng đến những người xung quanh. Trong tình huống đó, phụ huynh nên đưa con ra nơi riêng tư hoặc về nhà để giải quyết. Việc di chuyển cũng sẽ giúp làm nguội cơn giận của trẻ.

Khi đã bình tĩnh thì cả hai bên đều có thể nói chuyện nhẹ nhàng, lắng nghe được nhu cầu của đối phương mà không khiến trẻ cảm thấy xấu hổ khi ở nơi đông người.

Tháng 3/2024, một bức ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội Trung Quốc đã gây xôn xao cư dân mạng. Theo đó, một người mẹ trẻ sinh năm 1990 bình tĩnh đứng bấm điện thoại bên cạnh đứa con đang ăn vạ dưới đất. Vụ việc xảy ra tại một ga tàu điện ngầm ở Hạ Môn, Phúc Kiến. Cậu bé vừa lăn lộn vừa khóc lóc, nhưng người mẹ vẫn thản nhiên đứng bên cạnh không nói gì. Bên dưới bức ảnh này, nhiều cư dân mạng để lại lời khen ngợi cho cách xử trí của người mẹ. Một người bình luận: “Bé ơi, nhanh đứng dậy đi, mẹ con quá quen với chiêu này của con rồi”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Bất đồng trước chuyển giao

GD&TĐ - Những ngày sắp tới được dự báo sẽ có nhiều quyết định được đưa ra tại Mỹ, tạo ra sự khác biệt lớn giữa chính quyền của ông Biden và ông Trump.