Lở miệng là gì?
Lở miệng (Recurrent Aphthous Stomatitis - RAS) hay còn gọi là nhiệt miệng, là một bệnh viêm loét xuất hiện ở miệng. Bệnh thường gặp ở nữ nhiều hơn nam. Đây là bệnh nhẹ nhưng khá phổ biến.
Lở miệng không gây nguy hiểm, tuy nhiên lại gây ảnh hưởng khá nhiều và bất tiện đến cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là trong ăn uống và khi lở miệng lâu ngày.
Những người bị áp tơ miệng thường xuyên cũng khá vất vả, vì vậy, cần nhận diện được dạng mà mình đang mắc phải để biết cách trị lở miệng hợp lí.
Nguyên nhân gây lở miệng
Lở miệng là một dạng viêm nhiễm gây ra vết lở nhỏ ở niêm mạc miệng với đáy màu vàng nhạt và bao quanh bởi một đường màu đỏ tươi khiến người bệnh thấy đau và khó chịu, ảnh hưởng đến việc ăn uống. Đặc biệt là những người bị lở miệng ở môi.
Theo quan niệm dân gian, lở miệng là do bị nóng trong người hoặc ăn nhiều đồ có tính nóng. Còn theo quan điểm của y học hiện đại, có nhiều nguyên nhân khiến chúng ta bị lở miệng như sau:
- Các bệnh lý về răng: Sâu răng, viêm quanh răng, viêm tủy răng…
- Nhiễm khuẩn, nhiễm virus: Khiến khoang miệng bị tấn công
- Dị ứng hóa học: Do khoang miệng phản ứng với các thành phần hóa học nào đó, chẳng hạn như kem đánh răng, nước súc miệng…
- Niêm mạc miệng bị tổn thương: Do chúng ta vô tình cắn phải hoặc ăn thức ăn quá nóng,…
- Thiếu chất: Lở miệng do thiếu vitamin B12, B9 (axit folic hay folat) và các khoáng chất như sắt, kẽm,…
- Stress: Các vấn đề về tâm lí cũng gây ra tình trạng này.
Biểu hiện của bệnh lở miệng
Trong niêm mạc miệng xuất hiện một hoặc nhiều đốm trắng to 1 – 2mm, đốm trắng to dần hơi mọng nước, vài ngày sau đồng loạt vỡ ra tạo thành vết loét. Vết loét to dần, có khi tới 10 mm làm ảnh hưởng nhiều đến ăn uống sinh hoạt và giao tiếp.
Nếu không có biến chứng vết loét tự lành sau 10 – 15 ngày rồi lại tái diễn đợt khác tương tự. Vậy nên cần phải tìm cách trị lở miệng đúng đắn để căn bệnh không kéo dài.
Cách trị lở miệng
Nước muối loãng: Hãy dùng nước muối để súc miệng hàng ngày hoặc ngậm trong miệng một lúc rồi nhổ ra. Nước muối có tính sát khuẩn cao sẽ tiêu diệt vi khuẩn ở các vết loét và khiến chúng nhanh chóng lành lặn trở lại.
Nước cốt dừa: Nghiền nát cùi dừa rồi ép lấy nước để súc miệng 3-4 lần/ ngày. Nước cốt dừa chứa dầu dừa giúp diệt khuẩn, làm sạch miệng làm dịu cơn đau, nhanh lành các vết loét do nhiệt gây ra.
Nước hạt rau mùi: Dùng 1 thìa hạt rau mùi, với 1 cốc nước đun sôi, bỏ hạt dùng nước để súc miệng. Dùng 3-4 lần/ ngày. Nước hạt rau mùi có tác dụng kháng khuẩn, chữa hôi miệng, lở miệng cực hiệu quả.
Nước củ cải: Dùng 300g củ cải trắng giã lấy nước cốt hòa cùng 1 ít nước lọc, dùng súc miệng 3 lần/ ngày, sau 2 ngày là bệnh khỏi hẳn. Ngoài ra bạn có thể súc miệng bằng nước nóng hay nước lạnh, chườm đá để làm giảm sự sưng đau của các vết loét.
Nước ngậm: Áp dụng những mẹo chữa lở miệng theo dân gian này chỉ cần 2-3 ngày là bạn khỏi hẳn, các vết loét không còn trắng hay sưng đau nữa:
- Nước khế chua: Dùng 2-3 quả khế chua, giã nát rồi cho vào nồi đổ ngập nước đun sôi, để nguội, lấy ngậm nuốt dần. làm như vậy nhiều lần trong ngày mỗi khi bạn thời gian rảnh rỗi không phải ăn hoặc nói nhiều.
- Nước ép cà chua sống: Dùng nước ép cà chua để ngậm rồi nuốt dần như nước khế hoặc bạn có thể nhai sống cà chua. Dùng từ 3-4 lần/ ngày công hiệu sẽ rất nhanh.
- Ngậm chất chát: Các chất chát như trà xanh, trà khô, quả sung, vỏ xoài, húng chanh,… giúp kháng khuẩn, giải nhiệt miệng, khử mùi hôi hiệu quả.
Nước ép khế chua vừa dễ làm vừa có tác dụng hiệu quả trong việc trị lở miệng.
- Nên ăn các món chè làm từ các loại đậu như chè đậu đen, chè đậu xanh hay chè từ ý dĩ để vừa cung cấp dưỡng chất lại giúp cơ thể thanh nhiệt, giải độc hiệu quả.
- Nên ăn các loại thực phẩm, rau củ thanh nhiệt như cà chua, khế, rau diếp cá, rau má.
- Nên ăn các loại thịt có tính mát thịt vịt, thịt ngan, ...
Cách phòng tránh lở miệng
- Hạn chế các chất cay nóng, đặc biệt trong ngày hè nóng nức.
- Không uống rượu bia, thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ, đồ ăn ngọt, …
- Tăng cường ăn những thực phẩm mát, có tính giải nhiệt, mát gan cao để giúp cơ thể thanh nhiệt.
- Uống thật nhiều nước để giải tỏa nhiệt trong cơ thể.
- Tuân thủ các quy định vệ sinh răng miệng: Đánh răng đều đặn hàng ngày sau khi thức dậy và trước khi đi ngủ. Thăm khám nha khoa định kỳ ngay cả khi bạn không gặp vấn đề gì về răng miệng.
Sử dụng bàn chải có lông mềm, chải răng đúng cách để không làm tổn thương, trầy xước vùng khoang miệng. Thay bàn chải sau 3 tháng sử dụng để đảm bảo vệ sinh.
Hi vọng bài viết trên sẽ cung cấp cho bạn những cách trị lở miệng hiệu quả nhất.