Cách tính trợ cấp cho các đối tượng tinh giản biên chế

GD&TĐ - Hỏi: Tôi là cán bộ thuộc phòng GD&ĐT. Tôi được thông báo là thuộc đối tượng được tinh giản biên chế. Xin hỏi chuyên mục: Trường hợp của tôi nếu được tinh giản biên chế sẽ được hưởng trợ cấp như thế nào? - Lê Văn Hợp (lehop***@gmail.com).

Cách tính trợ cấp cho các đối tượng tinh giản biên chế

* Trả lời:

Vấn đề bạn quan tâm chúng tôi xin được trả lời như sau:

Ngày 20/11/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số: 108/2014/NĐ-CP "Về chính sách tinh giản biên chế".

Theo Điều 12 của Nghị định này quy định về cách tính trợ cấp như sau:

Tiền lương tháng quy định tại Nghị định này được tính bao gồm: Tiền lương theo ngạch, bậc hoặc theo chức danh nghề nghiệp hoặc theo bảng lương; các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có) và mức chênh lệch bảo lưu (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Tiền lương tháng để tính các chế độ trợ cấp quy định tại Điều 8 Điểm b Khoản 1 Điều 9, các Điểm b Khoản 1, Điểm d Khoản 2 Điều 10 Nghị định này được tính bình quân tiền lương tháng thực lĩnh của 5 năm cuối (60 tháng) trước khi tinh giản. Riêng đối với những trường hợp chưa đủ 5 năm (chưa đủ 60 tháng) công tác, thì được tính bình quân tiền lương tháng thực lĩnh của toàn bộ thời gian công tác.

Những người đã được hưởng chính sách tinh giản biên chế nếu được tuyển dụng lại vào các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập thì phải hoàn trả lại số tiền trợ cấp đã nhận (trừ phí học nghề quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 10 Nghị định này). Những người quy định tại Khoản 4 Điều 6 Nghị định này nếu được tuyển dụng lại vào khu vực nhà nước hoặc các doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hóa thì cũng phải hoàn trả lại số tiền trợ cấp tinh giản biên chế đã nhận.

Cơ quan, đơn vị, công ty nhà nước nơi tuyển dụng lại người đã nhận trợ cấp tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị định này có trách nhiệm thu hồi số tiền trợ cấp đã nhận và nộp vào ngân sách nhà nước.

Riêng số tiền thu được của đối tượng quy định tại Khoản 4 Điều 6 Nghị định này thì nộp toàn bộ vào Quỹ Hỗ trợ lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty nhà nước.

Mọi ý kiến thắc mắc về chế độ chính sách đối với nhà giáo, bạn đọc gửi về chuyên mục Hộp thư bạn đọc – Báo Giáo dục & Thời đại: 29B, Ngô Quyền (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Email: bandocgdtd@gmail.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ