Cách tiếp cận mới lạ về Truyện Kiều của cô giáo dạy Văn

GD&TĐ - Hơn một thế kỷ nay, Truyện Kiều của Nguyễn Du đã bị giới học giả chiếm làm của riêng, dù người ta không ngớt nói về tính nhân dân, tính đại chúng của kiệt tác này.

Cách tiếp cận mới lạ về Truyện Kiều của cô giáo dạy Văn

Ở đâu cũng chỉ nghe vọng ra tiếng nói đầy quyền uy, tự tin cắt nghĩa, lý giải, thẩm định, bình giá Truyện Kiều của các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình, và đôi khi, các nhà giáo. Nhưng rồi Truyện Kiều đã trở lại theo cách tôi vẫn âm thầm mong mỏi.

Do những cơ duyên không thể đoán, mấy bài viết đầu tiên mang tính thăm dò về Truyện Kiều của nhà giáo Phan Thị Thanh Thủy đã đến tay tôi.

Thoạt đầu, tôi đã đọc với rất nhiều ngờ vực. Sao lại thế? Đã từng xuất hiện bao nhiêu công trình nghiên cứu mang tính nền tảng về Truyện Kiều, vậy mà những bài viết này chẳng mảy may đả động tới chúng.

Lại nữa, đây là thời kỳ phát triển nào của tư duy về văn học, mà kẻ yêu văn chương kia vẫn ngây thơ nhìn các nhân vật như những con người có thực ngoài đời? Xem ra, tác giả chưa biết sợ những lời chê trách về bệnh xã hội học dung tục trong hoạt động cắt nghĩa, lý giải sáng tác…

Quả có một cái gì như là sự “hoang dã” ở cách cảm thụ, suy nghĩ và cách viết của Phan Thị Thanh Thủy. Oái oăm thay, điều khiến tôi quyết định không bỏ qua những trang văn của chị lại chính là tính chất đó.

Chẳng phải là “hoang dã” (và liều lĩnh) sao, khi người viết cứ thích “xăm xăm” một mình trên các lối đi khó khăn, không ngại đụng độ với thói quen tiếp nhận của số đông, với các thành kiến hay với những mệnh đề tiên nghiệm?

Ở đâu người ta ca ngợi nàng Kiều chu toàn mọi nhẽ, ở đây thì không. Ở đâu thiên hạ ra sức tô vẽ cho mối tình Kim Trọng – Thúy Kiều, ở đây chỉ có những lời bình “sát ván”, khiến không ít kẻ chưng hửng và thấy tẽn tò thay cho ai.

Rồi việc đề cao ứng xử của Hoạn Thư, nghĩa tình của Thúy Vân. Rồi việc xem xét lại định kiến về “năm Gia Tĩnh triều Minh” (có tính tượng trưng) như một thời rối ren, vô luật pháp… Cũng là “hoang dã” khi người viết cứ sấn tới hạch hỏi các nhân vật (nhất là Thúy Kiều) về lẽ này, lẽ khác, không cho nhân vật có cơ hội thanh minh rằng họ nhiều khi chẳng được chủ động như độc giả nghĩ, vì người chủ động chính là… Nguyễn Du vậy!

Tuy nhiên, đọc sâu các bài viết của tác giả Phan Thị Thanh Thủy, dễ nhận ra cái “hoang dã” nói ở trên chỉ là biểu hiện bề ngoài của một tính cách cương nghị: dám bộc lộ chủ kiến, dám đối thoại với nhiều nhận định đã được “đóng khung”, trên tinh thần trọng logic thực tế, trọng bằng chứng cụ thể do tác phẩm đưa lại.

Tác giả ít quan tâm nghiên cứu phương diện nghệ thuật của Truyện Kiều mà tập trung bàn về thái độ ứng xử của con người trong cuộc sống, thông qua việc phân tích “tận bờ, sát góc” từng hành vi, từng cử chỉ, lời nói của các nhân vật, từ Thúy Kiều, Kim Trọng, Từ Hải, Thúy Vân đến Thúc Sinh, Hoạn Thư, Hồ Tôn Hiến…

Quả đây là một cách đọc lạ và đầy chủ động đối với Truyện Kiều trong bối cảnh nghiên cứu, học thuật bây giờ. Nhưng suy cho cùng, tác giả có quyền làm thế, cũng như có quyền tin vào sự tồn tại của các nhân vật như những “khách thể tinh thần đặc thù”, những nhân cách độc lập, để có thể từ đó triển khai các cuộc đối thoại song phương, đa phương hay trao đổi về kinh nghiệm sống.

Tác giả hầu như tin rằng Nguyễn Du viết Truyện Kiều là để mở ra cơ hội cho người đọc nhận biết về bản chất của tồn tại và suy ngẫm sâu sắc về cách ứng xử cần có của mỗi một con người giữa cuộc đời, về thái độ dám nhận trách nhiệm trước cái gọi là “số phận”.

Như vậy, chính tác giả đã có những nghiệm sinh sâu sắc về tác động khác thường của một kiệt tác văn chương đối với người đọc. Viết tập sách này, rất có thể, mục đích đầu tiên của tác giả là kể lại quá trình nghiệm sinh đó.

Hóa ra, Phan Thị Thanh Thủy đang đi tìm mình chứ không phải đang chạy theo Nguyễn Du. Có thể nghĩ rằng những lúc chị “căn vặn” Thúy Kiều đến điều cũng là lúc chị đang thực hiện một cuộc tra vấn nghiêm khắc, không khoan nhượng đối với chính bản thân và đối với mọi kẻ liên đới.

Do những hạn chế có tính tất yếu của môi trường sống và công tác, tác giả không được đọc nhiều những nghiên cứu hàn lâm về Truyện Kiều. Dĩ nhiên, đối với một người muốn theo đuổi công việc phê bình, điều này không nên được xem là chuyện tích cực.

Nhưng dù sao, ta cũng phải thừa nhận rằng chính nó đã giúp tác giả duy trì được mạch nghĩ riêng, có thể còn thô phác nhưng thuần chất của mình về Truyện Kiều và triển khai chúng thành các bài viết có nhiều nét độc đáo, chứa đựng những suy nghĩ sâu sắc có thể khiến không ít người giật mình.

Để hoàn thành tập sách, tác giả buộc phải mở rộng sự đọc, buộc phải chú ý tới một số cách trình bày theo đúng quy phạm. Sự “hoang dã” vốn có tất yếu sẽ nhạt đi theo thời gian, cùng với quá trình chị dấn sâu vào công việc phê bình. Những nhận xét tinh tế, những lời bình hoặc ngọt lừ, hoặc sắc lẻm cũng xuất hiện ngày càng nhiều hơn.

Từ những bài viết ban đầu về một vài nhân vật cụ thể, chị đã tiến tới những bài viết mang tính khái quát cao về kiệt tác của Nguyễn Du. Giá trị nhân đạo của Truyện Kiều, không gian Phật giáo trong Truyện Kiều, triết lý sống trong Truyện Kiều… không hẳn là những vấn đề mới, tuy nhiên, Phan Thị Thanh Thủy vẫn nêu được những kiến giải riêng, nhận định riêng, không giống ai nhưng thật đáng suy ngẫm.

Viết được nhiều bài về Truyện Kiều trong thời gian ngắn và công bố chúng cùng một lượt trong tập sách dày dặn như thế này là cả một kỳ tích, chí ít cũng đối với kẻ chưa hề, chưa phải là nhà nghiên cứu, phê bình chuyên nghiệp.

Tác giả đã cho thấy trong việc tiếp nhận các kiệt tác văn chương, không ai là người có thể đưa ra nhận định cuối cùng về giá trị của chúng. Cơ hội lý giải, cắt nghĩa còn dành cho tất cả, đặc biệt dành cho những người không chịu chấp nhận ngay những định đề, mà chỉ tin vào sự mẫn cảm của bản thân và tin vào ý nghĩa sống còn của hoạt động đối thoại trên tinh thần trách nhiệm.

Có một Nguyễn Du khác, một Truyện Kiều khác, và theo đó, một Thúy Kiều, một Kim Trọng, một Thúy Vân, một Hoạn Thư, một Thúc Sinh… khác đã xuất hiện dưới ngòi bút phê bình “chưa chuyên” của nhà giáo Phan Thị Thanh Thủy. Đúng, mọi chuyện đều có thể xảy đến – bất ngờ và thú vị, một khi chúng ta cùng tin rằng: Truyện Kiều… chưa xong điều nghĩ!

Họ và tên: Phan Thị Thanh Thủy

Sinh năm 1966

Quê quán: Xã Hương Long, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh

Trú quán: Khối 4, thị trấn Hương Khê

Đơn vị công tác: GV Trường THCS Hà Linh, huyện Hương Khê

Danh hiệu thi đua: Năm năm được công nhận GV giỏi cấp tỉnh, cấp cơ sở từ 2003 đến 2007

Hội viên Hội VHNT Hà Tĩnh, Hội viên Hội Kiều học Việt Nam

Tác phẩm đã xuất bản: “Truyện Kiều chưa xong điều nghĩ…”

(Nhà XB Hội Nhà văn, năm 2016)

***********

(Những cảm nhận khi đọc cuốn: “ Truyện Kiều chưa xong điều nghĩ...” của nhà giáo Phan Thị Thanh Thủy)

(Những cảm nhận khi đọc cuốn: “ Truyện Kiều chưa xong điều nghĩ...” của nhà giáo Phan Thị Thanh Thủy)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.