Từ đầu năm đến nay, 46 người chết vì bệnh dại
Bệnh dại đã ghi nhận ở hơn 150 quốc gia, lãnh thổ và khu vực. Bệnh gây tử vong khi các triệu chứng biểu hiện trên cả người và động vật.
Bệnh dại ở người chỉ có thể được ngăn chặn thông qua các biện pháp như tiêm vắc xin dại cho người ngay sau khi bị chó nghi dại cắn, bên cạnh đó cần quản lý tốt đàn chó, và tiêm vắc xin cho chó.
Theo chương trình khống chế và loại trừ bệnh dại trên người, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 46 người bị chết vì bệnh dại tại 24 tỉnh thành phố – thấp hơn một chút so với cùng kỳ năm 2018 (50 ca).
Thời gian qua, công tácphòng chống bệnh dại tại Việt Nam đã được quan tâm đẩy mạnh và đạt một số kết quả nhất định trong những năm gần đây, cụ thể số ca tử vong do dại giảm liên tiếp trong các năm 2015, 2016, 2017.
Tuy nhiên, năm 2018 tình hình bệnh dại đột ngột có diễn biến phức tạp với số người tử vong do dại là 103 tăng hơn so với năm 2017 là 29 (39%).
Đặc biệt, dịch bệnh xuất hiện và tăng mạnh ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về dại. Bệnh dại hiện vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm gây dịch có số tử vong trên người cao nhất và hầu hết các trường hợp tử vong là do không tiêm vắc xin phòng dại sau khi bị động vật cắn.
Cách sơ cứu khi bị cho dại cắn
Tại Hội nghị, ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Hiện ở Việt Nam bệnh dại còn xuất hiện trên nhiều tỉnh, thành phố trong toàn quốc.
Chúng ta cần nỗ lực và đầu tư nhiều hơn nữa nhằm cải thiện nhận thức cho cộng đồng, thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dại nhằm giảm thiểu nguy cơ bệnh dại ở người; tăng số điểm tiêm vắc xin và tăng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ chăm sóc y tế, nâng cao tỷ lệ tiêm vắc xin dại cho đàn chó.
“Việc phòng bệnh bằng vắc xin dại cho người và động vật là biện pháp quan trọng để ngăn ngừa tử vong do bệnh dại ở người; Nhận thức và tham gia của cộng đồng là chìa khóa then chốt cho sự thành công trong công tác phòng chống bệnh dại.
Bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị bệnh dại gần như tử vong 100%. Bệnh dại nguy hiểm nhưng đã có vắc xin phòng và người dân hoàn toàn có thể phòng tránh được bệnh dại", ông Đặng Quang Tấn nhấn mạnh như vậy.
Để chủ động phòng chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần: Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút,nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.
Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine.
Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Đến ngay Trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời.
Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.