Cách sơ cứu giảm nguy cơ suy gan, suy thận khi bị ong đốt ai cũng cần biết

GD&TĐ - BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) cảnh báo giai đoạn cuối hè đầu thu là “mùa” ong đốt. Hiện tại ở khoa có 4 bệnh nhân đang phải điều trị. Trong khi đó, có cách sơ cứu đơn giản, hiệu quả để giảm nguy cơ nọc độc của ong gây suy gan, suy thận nhưng không phải ai cũng biết.

Cách sơ cứu giảm nguy cơ suy gan, suy thận khi bị ong đốt ai cũng cần biết

BS Nguyên cho biết, trong 4 bệnh nhân đang điều trị tại viện có cả người lớn, trẻ em, trong đó 2 bệnh nhân rất nặng bị suy thận phải lọc máu.

Đó là trường hợp bệnh nhân N.T.H (47 tuổi, ở Kim Bảng, Hà Nam) với hơn 50 nốt ong vò vẽ đốt trên khắp cơ thể. Bệnh nhân đã điều trị ở viện hơn 1 tháng.

Bệnh nhân phải lọc thận liên tục do suy thận vì ong đốt. Ảnh: H.Hải
Bệnh nhân phải lọc thận liên tục do suy thận vì ong đốt.

Khi bệnh nhân đi lấy củi, động vào tổ ong đã bị cả đàn ong túa ra tấn công. Khi anh H. hoảng hốt khua chân tay, bỏ chạy thì đàn ong càng tấn công dữ dội hơn.

Ngay sau khi bị ong đốt khoảng 15 phút, toàn thân bệnh nhân nóng bừng, khó chịu, choáng váng. Anh được một người bạn chở về nhà và lấy đá chườm nhưng không đỡ. Sau đó, anh được người nhà đưa đến bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam rồi chuyển lên Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) ngày 3/8, với hơn 50 nốt đốt khắp cơ thể.

BS Nguyên cho biết, ngay tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân đã trong tình trạng suy thận cấp, vô niệu hoàn toàn, vỡ hồng cầu và rối loạn đông máu do bị ong vò vẽ đốt nhiều nốt. Bệnh nhân được điều trị tích cực, truyền dịch, lọc máu, sử dụng thuốc lợi tiểu. Sau gần 1 tháng điều trị tích cực, hiện tình trạng của bệnh nhân đang tiến triển tốt song vẫn đang phải dùng thuốc lợi tiểu và theo dõi tình trạng suy thận cấp.

Trường hợp khác, anh H.V.T (23 tuổi, Phú Lương, Thái Nguyên) với 70 nốt ong vò vẽ đốt cũng bị suy thận phải lọc thận mỗi ngày.

BS Nguyên cảnh báo, giai đoạn cuối hạ, đầu thu là “mùa” ong đốt. Ngày nào tại Trung tâm cũng có bệnh nhân nhập viện vì nguyên nhân này, trong đó đa phần là vô tình chạm vào tổ ong, trẻ con chọc, ném phá tổ ong.

“Sau khi bị ong đốt, bệnh nhân thường rơi vào tình trạng nhiễm độc, dị ứng. Mức độ nặng – nhẹ phụ thuộc vào loài ong, số lượng nốt đốt. Nốt đốt càng nhiều, càng gần vị trí đầu, cổ, ngực… thì càng nhiễm độc nặng. Hơn nữa khi đốt các vị trí này, mặt sưng lên có thể nguy hiểm do chèn ép đường thở rất nguy hiểm”, BS Nguyên nói.

Hãy uống nhiều nước

BS Nguyên khuyến cáo, khi bị ong đốt, hãy cho bệnh nhân uống nhiều nước hơn bình thường. Nước lọc, nước rau luộc, nước hoa quả, nước oresol hãy uống thật nhiều sẽ giúp thải độc ra khỏi cơ thể qua đường tiết niệu. Biện pháp này rất hiệu quả ngay sau khi bị ong đốt, giúp thải nọc độc của ong. Nếu sơ cứu tốt, thay vì nằm viện cả tháng vì suy thận, bệnh nhân sẽ giảm triệu chứng, nằm viện ít hơn.

Sau đó, hãy đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Tại cơ sở y tế, bệnh nhân cũng cần được truyền nhiều dịch để tăng lợi tiểu, qua đó giảm mức độ nặng của ong đốt.

Còn khi nọc độc vào người, độc tính nọc gây vỡ hồng cầu (tan máu), gây tổn thương cơ, gây rối loạn đông máu, tiểu cầu giống hệt các loại rắn lục cắn, bệnh nhân dễ chảy máu. Đã từng có trường hợp chảy máu phổi và các tổn thương tim, suy tim, đặc biệt suy thận là biến chứng gặp phổ biến do ong đốt.

“Các phương pháp khác như chườm đá, vôi, kem đánh răng, hồ nước… chỉ có tác dụng làm dịu bớt nốt đốt. Còn thực tế không giải quyết được vấn đề chính là nọc độc. Vì thế, quan trọng nhất sau khi bị ong đốt là làm cho bệnh nhân lợi tiểu bằng cách uống thật nhiều nước, truyền dịch tại cơ quan y tế”, BS Nguyên nói.

BS Nguyên cũng khuyến cáo, với 1 vài nốt đốt có thể theo dõi tại nhà, nhưng khi có dấu hiệu sưng đau, khó chịu mệt mỏi trong người, nốt ong đốt vùng đầu, mặt, cổ, ngực trên, số lượng nốt đốt nhiều 5 – 10 nốt đốt trở lên nhất định phải đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

Theo Dân trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.