Cách phòng tránh muỗi nhiễm virus Zika đơn giản

Do chưa có vắc xin phòng bệnh nên cách phòng chống hữu hiệu nhất là diệt lăng quăng, muỗi và áp dụng các biện pháp hạn chế muỗi đốt.

Cách phòng tránh muỗi nhiễm virus Zika đơn giản

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, con đường lây truyền chủ yếu của virus Zika là qua muỗi Aedes (muỗi vằn).

Bệnh lây lan và bùng phát thành dịch phụ thuộc vào 3 yếu tố: người mắc bệnh, trung gian truyền và các biện pháp phòng chống.

Hiện tại, bệnh do virus Zika gây ra chưa có thuốc đặc trị, vắc xin phòng ngừa. Để không nhiễm bệnh, người dân cần hạn chế di chuyển tới vùng có dịch và áp dụng một số biện pháp sau:

- Thường xuyên diệt lăng quăng, diệt muỗi, vệ sinh môi trường không cho muỗi phát triển; tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý

- Mặc quần áo có thể che phủ hầu hết bộ phận cơ thể; sử dụng các màng chắn, đóng cửa để tránh muỗi bay vào trong nhà

- Ngủ màn, kể cả vào ban ngày khi muỗi Aedes hoạt động; tránh dùng các sản phẩm mỹ phẩm có mùi hương

- Phát hiện và loại bỏ những nơi muỗi có thể sinh sản bằng cách lật úp, đổ nước trong các vật dụng không chứa nước không cần thiết và đậy kín các vật dụng chứa nước sinh hoạt hàng ngày, thường xuyên thay nước trong các lọ hoa.

- Sử dụng các thuốc xua muỗi, xoa lên vùng da hở hoặc bôi lên quần áo. Hiện nay, các sản phẩm ngăn chặn muỗi đốt dạng xịt hoặc thoa có chứa thành phần Diethyltoluamide (Deet) đang được ưa chuộng trên thị trường. Theo Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) và Viện Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), Deet được chứng nhận an toàn và hiệu quả trong việc xua đuổi muỗi.

Ngoài ra, Deet không phải là hóa chất diệt muỗi mà chỉ có tác dụng làm che kín các chất có mùi hấp dẫn, thu hút muỗi do da con người tiết ra. Sử dụng sản phẩm chống muỗi với nồng độ Deet từ 10-30% giúp xua đuổi muỗi hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dùng.

Phần lớn các trường hợp nhiễm virus Zika thường sốt nhẹ, phát ban, đau cơ, đau khớp. Do đó khi có những triệu chứng trên, bạn phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị thích hợp.

“Càng nhiều người trong cộng đồng bị nhiễm bệnh, thì nguy cơ phụ nữ mang thai nhiễm virus Zika sẽ càng cao. Điều này đồng nghĩa với việc ảnh hưởng đến thế hệ sau”, Phó giáo sư Lân cho biết.

Tình hình dịch virus Zika đang diễn biến phức tạp trên thế giới. Số quốc gia có người mắc bệnh ngày càng tăng, trong đó Việt Nam với 2 trường hợp.

Dù nước ta đã kiểm soát được dịch nhưng người dân không nên lơ là việc phòng tránh muỗi đốt, trung gian chính gây lây truyền bệnh.

Thống kê Viện Pasteur TP HCM trong 3 tháng đầu năm cho thấy, tại khu vực phía Nam, số ca mắc sốt xuất huyết tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Do đó, trong mùa mưa tới, nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika rất lớn nếu không có biện pháp can thiệp hiệu quả.

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.