Cách phòng tránh Covid-19 cho người cao tuổi và có bệnh nền

GD&TĐ - Virus SARS-CoV-2 có thể tấn công vào nhiều tế bào, cơ quan, gây bệnh nặng ở một số người.

Người cao tuổi cần tiêm vắc-xin để bảo vệ bản thân và cộng đồng khỏi Covid-19.
Người cao tuổi cần tiêm vắc-xin để bảo vệ bản thân và cộng đồng khỏi Covid-19.

Do đó, người có bệnh nền, cao tuổi, chưa tiêm vắc-xin nên chủng ngừa để bảo vệ bản thân và cộng đồng.

Vắc-xin là “chìa khoá”

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dựa vào dữ kiện theo dõi tình hình Covid-19 trên toàn cầu, đã đến lúc các quốc gia chuyển đổi từ chế độ khẩn cấp sang quản lý Covid-19 cùng với những bệnh truyền nhiễm khác, dựa trên đánh giá rủi ro và bối cảnh của quốc gia đó.

Việc kết thúc tình trạng khẩn cấp diễn ra khi Việt Nam cũng như các quốc gia khác đang trải qua sự gia tăng đột biến về số ca mắc Covid-19 và trường hợp nhập viện. Tuy nhiên, số ca nhập viện, số ca tử vong đều giảm so với trước đây.

Điều này nhờ vào tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin cao và những nỗ lực của nhân viên y tế. Bên cạnh đó, các biến thể mới hiện không ghi nhận gây ra tình trạng bệnh nặng hơn so với các biến thể cũ. Quan trọng nhất là mức độ bao phủ vắc-xin cao ở nhiều quốc gia.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế Công cộng, Trường Đại học Y Dược TPHCM, với người thuộc nhóm trên 50 tuổi, có bệnh nền, khả năng ảnh hưởng lớn từ Covid-19 là không nhiều vì đã có miễn dịch. Mặc dù hầu hết đã có miễn dịch do vắc-xin, nhưng vẫn có tỷ lệ nhất định có thể giảm.

Vì hiện tượng này, virus SARS-CoV-2 có thể tấn công vào nhiều tế bào, cơ quan, gây bệnh nặng ở một số người. Do đó, người có bệnh nền, cao tuổi, chưa tiêm vắc-xin nên chủng ngừa Covid-19 để bảo vệ bản thân và cộng đồng.

Chuyên gia này khuyến cáo, người dân cần tự bảo vệ bản thân bằng cách tiêm vắc-xin, tăng kháng thể. Vắc-xin giúp trong trường hợp nhiễm bệnh cũng sẽ không bị nặng.

Đồng thời, cần thực hiện biện pháp phòng dịch, tránh việc lây lan nếu nhiễm bệnh. Ngoài ra, không tập trung nơi đông người nếu không cần thiết, đeo khẩu trang, vệ sinh tay, khử khuẩn bề mặt trong gia đình.

Khi có triệu chứng, nên xét nghiệm để phát hiện bệnh sớm, nghỉ ngơi. Người bệnh có thể sử dụng thuốc ngăn ngừa diễn biến bệnh.

“Với những người trẻ, dù có sống cùng nhà với người cao tuổi hay bệnh nền hay không, thì vẫn nên thực hiện biện pháp phòng chống dịch. Từ đó, bảo vệ bản thân và người xung quanh không chỉ khỏi Covid-19, mà còn các bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp như cúm, cảm lạnh, RSV... Nếu gia đình có nhiều người lớn tuổi, tiêm vắc-xin sẽ giúp bảo vệ các thành viên trong nhà”, PGS Dũng nhấn mạnh.

Nguy cơ tái nhiễm tăng khi biến thể mới xuất hiện

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong ngày 7/5, nước ta ghi nhận 1.952 ca mắc Covid-19 mới, 75 trường hợp nặng. Như vậy, số ca Covid-19 mới trong hai ngày liên tiếp đều giảm mạnh. Ngày 6/5, số ca mắc giảm gần 600 và 7/5 giảm hơn 800.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.575.883 ca nhiễm, đứng thứ 13/231 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khi đó, với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 120/231 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.963 ca nhiễm).

Trong ngày 7/5, có 738 ca được công bố khỏi bệnh, không ghi nhận ca tử vong. Tính đến nay, tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam xếp thứ 26/231 quốc gia, vùng lãnh thổ. Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/231 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Về tình hình tiêm vắc-xin phòng Covid-19, trong ngày 6/5, có 278 liều được tiêm. Tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 266.272.067.

Theo các chuyên gia, tái nhiễm Covid-19 làm tăng nguy cơ nhập viện, tử vong và các di chứng lâu dài của bệnh, kể cả khi đã tiêm chủng đầy đủ. Cụ thể, nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature của Mỹ cho thấy, người nhiễm Covid-19 nhiều lần sẽ phải đối mặt việc tăng gấp 2 lần nguy cơ tử vong, tăng gấp 3 lần nguy cơ nhập viện.

Đồng thời, tăng gấp 2 lần nguy cơ mắc di chứng của ít nhất một cơ quan: Hô hấp, tim mạch, thần kinh, huyết học, tiêu hóa, cơ xương khớp, thận - tiết niệu, nội tiết… Tăng gấp 3,5 lần nguy cơ mắc di chứng hô hấp và thận - tiết niệu, gấp 3 lần di chứng bệnh tim mạch và rối loạn đông máu.

Theo ThS.BS Nguyễn Văn Ngân - Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, một người hoàn toàn có thể tái nhiễm Covid-19 nhiều lần vì nồng độ kháng thể tạo ra từ vắc-xin hay lần nhiễm bệnh trước sẽ giảm dần theo thời gian.

Trong khi đó virus SARS-CoV-2 biến đổi liên tục, tạo ra các biến chủng với khả năng lây lan mạnh. Do vậy, kháng lại các vắc-xin ngừa Covid-19 trước đó, như biến thể XBB.1.5, XBB.1.9.1, XBB.1.16… đang có mặt tại Việt Nam.

Triệu chứng các lần tái nhiễm sau thường nhẹ hơn lần đầu tiên, nhưng người dân không nên chủ quan. Sau mỗi lần mắc bệnh, khả năng phục hồi của cơ thể giảm thêm một chút.

Đến một lúc virus tấn công đủ nhiều, bệnh sẽ đặt cơ thể vào trạng thái nguy hiểm. Hậu quả thấy rõ nhất trên những người người lớn tuổi, có nhiều bệnh nền như tăng huyết áp, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), tiểu đường, người suy giảm miễn dịch…

“Khoảng cách giữa các lần tái nhiễm thường là 90 ngày. Tuy nhiên, cũng có trường hợp tái nhiễm sớm chỉ trong vài tuần. Nguy cơ tái nhiễm sớm có thể tăng lên khi các biến thể mới xuất hiện”, chuyên gia nhận định.

Do đó, ThS.BS Ngân khuyến cáo, mỗi người nên tự nâng cao các biện pháp phòng vệ trước Covid-19 để ngăn nguy cơ tái nhiễm. Cách tốt nhất là tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, đặc biệt là tiêm liều nhắc lại. Ngoài ra, cần đeo khẩu trang nơi công cộng và tránh tụ tập đông người.

Không buông lỏng các biện pháp phòng ngừa ngay cả khi đã nhiễm và khỏi Covid-19. Nâng cao hệ miễn dịch bằng cách ăn uống, ngủ nghỉ lành mạnh, hạn chế tối đa sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.