Cách nhận biết thịt heo “mọng” nước tăng trọng

Về mặt cảm quan, không khó để nhận biết thịt heo bị bơm nước tăng trọng.

Thịt tươi ngon phải săn chắc, có độ đàn hồi, màu sáng, sờ có độ dính nhất định. Ảnh: Thi Trân.
Thịt tươi ngon phải săn chắc, có độ đàn hồi, màu sáng, sờ có độ dính nhất định. Ảnh: Thi Trân.

Các cán bộ Chi cục Thú y Đồng Nai từng làm thí nghiệm với 2 con heo cùng một lứa với chế độ ăn như nhau, một con được bơm nước tăng trọng và con kia không. 

Con bị bơm nước khi mổ có màu thịt nhạt hơn, thớ cơ bở hơn, để 1-2 giờ thịt rỉ nước ra nhiều hơn bình thường, khi nấu thịt cũng tiết ra nhiều nước hơn.

"Thịt tươi ngon sẽ có độ săn chắc nhất định, sờ vào thớ thịt cảm giác đàn hồi, màng ngoài khô và dính. Thịt bị bơm nước tăng trọng thường có màu nhạt hơn, miếng thịt nhão, chế biến không thơm ngon bằng thịt tươi", một cán bộ Chi cục Thú y Đồng Nai cho biết. 

Chọn mua thịt, bà nội trợ có thể phân biệt bằng cách dùng ngón tay ấn lên miếng thịt, nếu thấy bề mặt tạo thành vết lõm và nhanh chóng phục hồi khi nhấc tay ra là thịt tươi ngon, còn ngược lại là thịt kém chất lượng.

Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã kiểm tra phát hiện 6 vụ heo bị bơm nước tăng trọng trước khi giết mổ. 

Mới đây nhất, ngày 28/10, Đội quản lý thị trường TP Biên Hòa đã bắt quả tang một cơ sở chăn nuôi trái phép đang bơm nước tăng trọng cho 200 con heo, trong đó 42 con đã hoàn thành công đoạn.

Một cán bộ kiểm dịch tại Chi cục Thú y Đồng Nai cho biết, việc bơm nước trực tiếp vào bụng heo để tăng khống trọng lượng không chỉ là hành vi gian lận thương mại mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

"Nếu người giết mổ sử dụng nguồn nước sạch để bơm, về cơ bản không ảnh hưởng đến sức khỏe mà chỉ làm giảm chất lượng thịt khi chế biến", cán bộ thú y này cho biết. 

Trong quá trình làm công tác kiểm soát giết mổ gia súc gia cầm, cán bộ này nhận thấy đa phần các vụ việc bơm nước tăng trọng đều được thực hiện lén lút, khả năng dùng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh là rất cao. 

Ở những vùng bị nhiễm phèn, vi sinh và chứa nhiều kim loại nặng có thể thẩm thấu vào thịt, gây bệnh, thậm chí ung thư cho người khi ăn phải.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cũng bày tỏ lo ngại việc sử dụng nước bẩn để bơm vào bụng heo có thể làm giảm chất lượng thịt sau khi mổ, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, làm giảm uy tín của ngành chăn nuôi nội địa.

Ông Đoán cũng cho rằng người tiêu dùng không nên quá lo lắng mà tẩy chay "bởi tình trạng heo bơm nước chỉ diễn ra tại vài cơ sở hoạt động chui với số lượng không đáng kể". Theo ông Đoán, bình thường mỗi con heo trưởng thành uống 30-40 lít nước một ngày.

Người giết mổ heo thường bơm khoảng 10 lít nước cho 100 kg heo để tăng trọng lượng nhằm bán kiếm lời. 

Ông Đoán cho rằng, khi ấy chỉ một lượng nước nhất định thấm vào heo qua thành ruột, máu và thẩm thấu vào thịt mà thôi, lượng lớn còn lại sẽ được thải ra ngoài qua đường tiêu hóa. 

Mặt khác, việc nhận biết heo có bị bơm nước tăng trọng hay bệnh tật không, cần xâu chuỗi nhiều tiêu chuẩn như độ tươi, đàn hồi, độ dính, độ ngậm nước chứ không chỉ dựa vào màu sắc. 

Tùy từng giống heo và được nuôi dưỡng với chế độ thức ăn khác nhau, thịt sẽ có màu khác nhau.

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ