Cách loại bỏ 99% khả năng lây nhiễm Covid-19

GD&TĐ - Truy vết, khoanh vùng, cách ly là biện pháp bắt buộc để kiểm soát dịch Covid-19 đang lây lan.

Truy vết, khoanh vùng và cách ly vẫn là phương án hữu hiệu nhất để phòng Covid.
Truy vết, khoanh vùng và cách ly vẫn là phương án hữu hiệu nhất để phòng Covid.

Ngoài ra, mỗi người dân cần có những cách tự bảo vệ bản thân khỏi khả năng lây nhiễm của chủng virus siêu lây nhiễm này.

Lây qua đường hô hấp là nguy hiểm nhất

Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều địa phương xuất hiện ca nhiễm mới, các biện pháp ngăn chặn dịch lây lan cũng được cơ quan chức năng ráo riết thực hiện. Chỉ trong 2 ngày, Bộ Y tế đã công bố 93 bệnh nhân Covid-19 trong cộng đồng tại 5 tỉnh, thành gồm Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh và Hà Nội. Đây được đánh giá là ổ dịch lớn nhất phát hiện trong cộng đồng từ trước đến nay.

Theo ông Trương Quang Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC Hà Nội), với kết quả từ Nhật Bản về ca dương tính ở Hải Dương, việc giải trình gene xác định đây là virus biến chủng, giống biến chủng ở Anh và được gọi là biến chủng siêu lây nhiễm với tốc độ lây nhiễm rất cao.

Theo chỉ đạo từ Chính phủ, Bộ Y tế, đến nay xác định vùng dịch gồm TP Chí Linh (tỉnh Hải Dương), sân bay Vân Đồn, khách sạn Mường Thanh ở TP Hạ Long…

PGS.TS Đinh Duy Kháng, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, chủng virus mới ở Anh có khả năng bám chặt vật chủ. Khả năng nhiễm bệnh cũng như lây truyền sớm hơn dù người bệnh có tải lượng virus thấp.

Chẳng hạn, chủng SARS-CoV-2 trước đây mất 5 - 6 ngày để có khả năng lây bệnh, chủng mới tại Anh chỉ mất 3 ngày là hết vòng lây nhiễm. Trong khi chúng ta chưa xác định F0, không loại trừ khả năng đã có số lượng không nhỏ trong cộng đồng nhiễm bệnh. Điều này đặt vấn đề rất lớn trong việc truy vết.

“Virus lây lan nhanh hay chậm phụ thuộc vào lượng virus nhiễm vào tế bào nhiều hay ít. Càng nhiều thì tốc độ nhân lên càng nhanh. Thời gian ủ bệnh càng ít, thời gian phát bệnh càng sớm và khả năng phát tán càng mạnh.

Virus bắt đầu xâm nhập và phát tán ở đường hô hấp, đây là con đường nhân lên nhanh nhất, nguy hiểm nhất, khó kiểm soát nhất bởi chỉ cần một giọt bắn, một hơi thở… là chúng sẽ bám vào.

Giải pháp duy nhất khi chưa có vắc-xin là khoanh vùng, truy vết, cách ly. Người dân tuân thủ hướng dẫn của cơ quan y tế, không chủ quan, việc khống chế dịch trong tầm kiểm soát là có thể”, PGS.TS Đinh Duy Kháng cho hay.

Cách ứng phó với chủng virus mới

Theo PGS.TS Đinh Duy Kháng, mấu chốt trong đẩy lùi dịch bệnh chính là ý thức tự bảo vệ bản thân của mỗi người. Ngay cả ở các vùng chưa phát hiện ra dịch, người dân cũng cần đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập đông người, áp dụng biện pháp 5K mà Bộ Y tế khuyến cáo. Trong đó, mấu chốt nhất là việc đeo khẩu trang và rửa tay sạch sẽ sau khi đi đến bất cứ đâu, tiếp xúc với bất cứ vật gì.

“Tôi có kinh nghiệm cá nhân tự áp dụng là rửa tay thường xuyên và dùng nước súc miệng để loại bỏ virus. Khi đi ra ngoài về, tôi luôn rửa tay trước, sau đó dùng nước súc miệng (loại nước súc miệng bán nhiều ở các hiệu thuốc mà nhiều người vẫn dùng hàng ngày) pha loãng với nước ấm, súc miệng thật sâu trong họng. Sau đó súc lại bằng nước ấm.

Cách làm này có thể loại bỏ đến 99% khả năng lây nhiễm virus nếu không may chúng ta tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Lý do là khi virus còn đang bám đâu đó ở niêm mạc tế bào, nó chưa thể nhân lên, gặp dung dịch diệt khuẩn trong nước súc miệng là chúng sẽ bị loại bỏ ngay lập tức.

Cơ thể chúng ta có cơ chế miễn dịch phòng vệ, khi nhiễm virus, chúng ta kết hợp thực hiện vệ sinh đúng cách sẽ loại bỏ đến 99% khả năng nhiễm bệnh”, PGS.TS Đinh Duy Kháng chia sẻ.

“Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình nghiên cứu vắc-xin. Hiện, đã có 2 loại vắc-xin Covid-19 thử nghiệm trên người. Nhưng từ giờ đến lúc sản xuất đại trà vẫn cần được thử nghiệm nhiều khâu nữa. Do đó, để ứng phó với dịch lây lan, tôi nghĩ chúng ta vẫn phải đi bằng hai chân.

Cùng với nghiên cứu vắc-xin là thực hiện nhập khẩu vắc-xin của các nước đã sản xuất thành công. Những người có khả năng lây nhiễm cao như nhân viên y tế, hải quan, dịch vụ công, người có bệnh nền… sẽ được ưu tiên tiêm trước. Cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước để ứng phó với dịch bệnh”, PGS.TS Đinh Duy Kháng cho hay.

Khẩu trang phòng dịch là bắt buộc

PGS.TS Phạm Văn Nho, Trường Đại học KHTN, ĐHQG Hà Nội cho rằng, để phòng dịch, việc đeo khẩu trang chuyên dụng là bắt buộc. Khẩu trang thông thường không ngăn được virus.

Khẩu trang truyền thống là một dụng cụ lọc cơ học. Về nguyên tắc nó chỉ có thể ngăn được các vật thể có kích thước lớn hơn lỗ lọc của vật liệu. Virus nCoV có kích thước 80 -160 nm dễ dàng lọt qua mọi loại khẩu trang đang sử dụng kể cả khẩu trang N95 (kích thước lỗ lọc là 300 nm). Thời gian lọt qua khẩu trang chỉ là nhanh hay chậm phụ thuộc vào chất liệu, cấu trúc của nó.

Thêm vào đó, virus có khả năng bám dính cao, thời gian sống ngoài môi trường lên đến vài ngày nên sẽ tích lũy trên khẩu trang ngày càng nhiều trong quá trình sử dụng, biến khẩu trang thành nguồn ô nhiễm nặng hơn môi trường. Nguy hiểm hơn vì tiếp xúc trực tiếp với mồm, mũi hoặc tay vô tình chạm phải. Vấn đề sẽ hoàn toàn khác nếu khẩu trang có tác dụng diệt virus.

Đây là hướng đi mới, bắt đầu được đề cập đến từ thời kỳ chống virus cúm gia cầm 2004. Ở Việt Nam, dòng khẩu trang diệt virus do các nhà khoa học Việt Nam sáng chế ra cũng rất phong phú, trong đó có công nghệ khẩu trang diệt khuẩn nano TiO2 được Bộ KH&CN bảo hộ độc quyền từ năm 2009 với nội dụng “Khẩu trang dùng trong y tế có tác dụng diệt khuẩn”, cụ thể là diệt được vi khuẩn virus gây bệnh qua đường hô hấp bằng công nghệ nano.

Cho đến nay, nano TiO2 vẫn là vật liệu thích hợp nhất để chế tạo khẩu trang diệt virus. Nó cũng chính là vật liệu được Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), Đại học Harvard khuyến cáo sử dụng để diệt virus cúm gia cầm.

Khẩu trang diệt khuẩn chứa vật liệu nano TiO2 biến tính hoạt động với ánh sáng thường, tiêu diệt mọi loại virus, vi khuẩn không sợ biến đổi gene, được thiết kế để sử dụng nhiều lần, có thể giặt khi bẩn, phù hợp với điều kiện lao động, sinh hoạt và kinh tế của người Việt Nam.

Trong đợt chống Covid-19, giải pháp khẩu trang nano dùng một lần phù hợp với nhân viên y tế cũng đã được phát triển. Ngoài ra người ta có thể sử dụng nguyên liệu diệt khuẩn nano TiO2 để xịt lên khẩu trang. Một khi khẩu trang có tính năng diệt virus cả 2 chiều vào, ra thì mắt xích lây lan quan trọng nhất bị chặt đứt, tình trạng lây nhiễm sẽ giảm dần và dịch bệnh sẽ được kiểm soát.

Công nghệ nano TiO2 cũng được sản xuất để ứng dụng vào nhiều sản phẩm diêt khuẩn khác cũng đã được phát triển, được kiểm nghiệm tại các cơ sở chuyên ngành của Bộ Y tế. Ví dụ như dung dịch rửa tay nano TiO2 có khả năng diệt được virus cúm, 99,9999% vi khuẩn sau 30 phút tiếp xúc, dung dịch rửa tay khô được xác nhận hiệu quả tức thì, tác dụng lâu dài (8 tiếng) không hại da tay.

Hay nước súc miệng kháng khuẩn giúp kìm hãm và diệt nCoV ở miệng, cổ họng... cũng được làm từ nano TiO2. Nếu áp dụng các sản phẩm khoa học này đồng thời, chúng ta có thể dập dịch hữu hiệu ngay từ cửa ngõ để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và an toàn mở cửa lại nền kinh tế đang bị suy thoái nghiêm trọng do dãn cách xã hội với chi phí không đáng kể.

“Khi khẩu trang diệt virus vi khuẩn được triển khai rộng rãi, mọi loại dịch bệnh lây qua đường hô hấp sẽ không có cơ hội bùng phát, không còn là điều đáng sợ đối với loài người hiện tại và tương lai”, PGS.TS Phạm Văn Nho nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ