PGS.TS Phạm Đức Nguyên, Ủy viên Hội đồng Kiến trúc xanh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam tư vấn cách làm sạch không khí trong nhà chung cư.
“Ngủ luôn không dậy” do phòng kín
Chất ô nhiễm đầu tiên phải kể đến là CO2. Để sống, chúng ta phải thở (hít lấy oxy) và thải ra CO2. Lượng thải CO2 của mỗi người tùy thuộc mức độ hoạt động và tuổi tác. 1m2 nhà cửa phát thải 300 kg CO2 mỗi năm. Một nhà ở chiều cao trung bình diện tích 116 m2 sẽ phát thải hàng năm khoảng 34.000 kg CO2. Nó tương đương lượng CO2 hấp thụ để quang hợp của một cây cổ thụ trong 40 năm. Vì vậy, đã có trường hợp “người ngủ luôn không dậy” do phòng đóng quá kín nên lịm dần vì hít quá nhiều CO2 do chính mình thải ra mà không có oxy.
Da thịt con người cũng luôn tạo ra các chất thải khác, có thể gọi chung là “mùi người”, cũng không dễ chịu chút nào khi phải hít lại chúng. Vì lý do đó, ở các nước xứ lạnh cửa sổ luôn có hai lớp và phải đóng kín để giữ ấm ban đêm, nhưng phải mở một cửa sổ nhỏ, và các phòng ngủ luôn có đường ống thoát khí thải CO2 đặt tại một góc trên trần phòng. Nhà ở nước ta cửa sổ chỉ một lớp, lại không kín nên không quan tâm việc này.
Chất ô nhiễm thứ hai là từ khu vệ sinh trong mỗi căn hộ. Nhà chung cư tại các nước xứ lạnh bao giờ cũng có một hệ thống ống thoát và cấp hơi riêng cho khu vực này. Chung cư vùng nhiệt đới đôi khi không áp dụng, tuy nhiên do nhà cửa thoáng hở nên nhiều khi chúng ta không cảm thấy khó chịu.
Khu bếp mỗi gia đình là nơi cung cấp chất thải thứ ba. Đó là khói bếp, khí gas, hơi bốc lên khi chế biến thức ăn không hoàn toàn dễ chịu. Hãy quan sát khu bếp sau dăm năm sử dụng, trần luôn bị bám khói. Chính vì vậy, cũng như khối vệ sinh, vị trí khu bếp trong căn hộ hết sức quan trọng để tạo ra môi trường không khí vệ sinh, sạch sẽ trong nhà.
Nguyên tắc tạo ra không khí tiện nghi
Nguyên tắc chung để tạo môi trường không khí sạch sẽ trong nhà là phải thải hết các chất độc hại ra không gian bên ngoài và đón không khí sạch, tươi mới vào nhà. Không khí đến từ rừng cây, đặc biệt không khí từ biển được coi là vô cùng quý giá và cũng là ưu thế của các nước vùng nhiệt đới ven biển như nước ta. Không khí từ các cánh đồng nói chung cũng tươi mát, trừ những ngày bị xử lý bằng các chất độc hại diệt sâu bọ…
Trong một đô thị, cần có giải pháp khử các chất thải độc hại do tất cả các hộ gia đình thải ra, và đưa ra ngoài thành phố, chưa nói đến chất độc hại khác do các hoạt động sản xuất, giao thông, xây dựng… góp vào môi trường không khí thành phố. Lúc đó, vai trò cây xanh được coi là quan trọng nhất.
Tác dụng quan trọng nhất của cây xanh là hấp thụ khí CO2 và cung cấp oxy (O2) – khí thở thiết yếu của con người. Đó là quá trình “quang hợp” - cây thu năng lượng của ánh sáng mặt trời, khí cacbonic (CO2) và lấy nước từ đất để tổng hợp thành thức ăn (cacbonhidrat). Quá trình này sẽ giải phóng oxy. Như vậy, có thể coi cây xanh như một nhà máy hóa học, thu khí độc CO2 và cung cấp oxy cho con người.
Theo tính toán, mỗi đô thị 500.000 dân cần trồng 5 triệu cây. Tương ứng với 40 cây cho 1 hộ dân 4 người. Nó cũng tương ứng cần 5.000 ha đất cây xanh, với diện tích 10 m2 mỗi cây.
Như đã nói ở trên, hai vấn đề rất đáng quan tâm khi xây dựng các đô thị, có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống (cả vật chất và tinh thần) của người dân đô thị là rừng cây ven đô và công viên trong đô thị. Trường hợp không đủ diện tích cho rừng cây, nên tạo ra các dải cây xanh vành đai, kết hợp chống ảnh hưởng gió tây khô nóng tại các đô thị miền Trung nước ta.
Cần tạo nhiều vườn cây trong đô thị, sẽ góp phần cải thiện vi khí hậu nhà ở. Vườn cây quanh nhà, ngoài tác dụng cung cấp oxy, còn có thể làm giảm nhiệt độ không khí 2 – 4 độ C chủ yếu nhờ tác dụng che trực xạ mặt trời và bay hơi nước.
Do cây xanh hạ thấp nhiệt độ không khí bên ngoài, nên không khí mát từ vườn cây có áp lực cao hơn sẽ tràn vào nhà. Vì lý do này các nhà nghiên cứu kết luận rằng, các vườn cây nhỏ phân bố đều đặn có tác dụng cải thiện vi khí hậu trong nhà hơn các công viên lớn. Cần có thêm nhiều sáng kiến tạo ra các vườn cây trong các khu nhà ở chật hẹp.
Để nâng cao chất lượng môi trường không khí trong nhà đối với nhà chung cư Việt Nam thì tất cả các căn hộ phải thông thoáng. Giảm tối thiểu việc sử dụng hệ thống điều hòa không khí trong nhà chung cư. Giải pháp quan trọng nhất, có thể coi là một tiêu chí hàng đầu, bắt buộc trong thiết kế nhà chung cư, là đạt được tốt nhất thông gió tự nhiên xuyên phòng cho tất cả các căn hộ.
Cố gắng cho tất cả các phòng trong căn hộ, đặc biệt các phòng ngủ, khối vệ sinh và khu bếp. Một khu chung cư cho người dân sống tốt nhất, cả vật chất, sức khỏe và tinh thần liên quan đến rất nhiều nội dung, bao gồm cả các hoạt động xã hội, cộng đồng, và cả lối sống của mỗi người.