Cách làm nhân văn của doanh nghiệp khi hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó

GD&TĐ -Trong công cuộc “ xã hội hóa giáo dục”, các doanh nghiệp đã góp một phần không nhỏ vào sự thúc đẩy giáo dục, đặc biệt là hỗ trợ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.

Ngoài trao quà hỗ trợ nhiều doanh nghiệp còn tham gia các hoạt động với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn
Ngoài trao quà hỗ trợ nhiều doanh nghiệp còn tham gia các hoạt động với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn

Trong tình hình dịch Covid-19 kéo dài như hiện nay, bản thân các doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn trong việc duy trì sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, những người đứng đầu bằng cách làm riêng của mình, vẫn rất gắn bó và tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.

Đưa một bàn tay để nắm một bàn tay:Chuyện không đơn giản!

Khi đi thiện nguyện chúng ta thường nghĩ “nếu ai đó đang gặp khó khăn, chỉ cần mình thật tâm chìa cánh tay ra giúp đỡ thì họ sẽ sẵn sàng nắm lấy”. Nhưng đôi khi, thực tế lại phức tạp hơn rất nhiều.

Tôi đã từng gặp anh Trường An, Giám đốc công ty Thiết kế tư vấn xây dựng Trường An có trụ sở tại TP. Vinh. Anh vượt gần 100 cây số vào để kết nối, giúp đỡ em Hoàng Huyền Trang, học sinh nghèo, đạt điểm cao trong kì thi Tốt nghiệp THPT năm 2021 (số điểm 28,25, khối C00), ở thị xã Kỳ Anh. Tuy nhiên, do mặc cảm về hoàn cảnh, bệnh tật nên em đã từ chối không gặp.

Chị Lê Thị Lư, mẹ của em Nguyễn Thị Giang Khánh (12A15, THPT Kỳ Anh, Hà Tĩnh) – học sinh nghèo đạt 28.0 điểm cũng từng khóc hết nước mắt khi nhìn con đứng trước ống kính máy quay, máy ảnh của báo giới. Gia đình chị rất khó khăn, chồng bị di chứng chất độc da cam mất sức lao động, tinh thần không minh mẫn, bản thân chị cũng bị bệnh hiểm nghèo. Căn nhà tình thương xây tạm trên đất quy hoạch cũng đã xuống cấp nghiêm trọng. Chị khổ thật nhưng nhìn con như vậy chị cũng đau lòng.

Em Nguyễn Thị Thanh Trúc, trẻ mồ côi của làng trẻ SOS Vinh được doanh nghiệp đỡ đầu học ĐH Kiến Trúc Đà Nẵng

Em Nguyễn Thị Thanh Trúc, trẻ mồ côi của làng trẻ SOS Vinh được doanh nghiệp đỡ đầu học ĐH Kiến Trúc Đà Nẵng

Trong những trường hợp như trên, tình thương thôi là chưa đủ mà còn cần cả sự cảm thông và thấu hiểu. Khi có sự thấu hiểu và cảm thông sẽ có những cách ứng xử đầy nhân văn. Thầm lặng trao gửi tấm lòng bằng sự kết nối và bảo đảm lâu dài.

Cách hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó đầy nhân văn

Trên hành trình tìm kiếm sự giúp đỡ đối với các em học sinh nghèo vượt khó, tôi đã gặp rất nhiều doanh nghiệp có tâm và có tầm. Thay vì hỗ trợ một lần, các doanh nghiệp đã chọn cách đồng hành đường dài và có những cách làm rất sáng tạo và nhân văn.

Anh Trường An (Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế xây dựng Green House, 52 Lê Văn Hưu, TP Vinh, Nghệ An) chia sẻ: “Bản thân các em học sinh và gia đình có hoàn cảnh khăn cũng có những rào cản tâm lí nhất định. Vì vậy làm việc với các em phải hết sức tế nhị và cảm thông. Chúng tôi không muốn các em có cảm giác mặc cảm hay mắc nợ khi nhận sự hỗ trợ. Vì vậy thay vì hỗ trợ bằng tiền mặt một lần chúng tôi sẽ cho vạy không lãi suất theo từng tháng. Hết khóa học, ra trường đi làm các em sẽ hoàn trả lại số tiền đã mượn trong khả năng của các em, không giới hạn thời gian. Số tiền đó chúng tôi lại tiếp tục đầu tư cho những em học sinh khác có hoàn cảnh khó khăn cần sự giúp đỡ.

Cũng với cách làm như trên, anh Nguyễn Thế Thanh Tùng (huyện Thanh Chương, Nghệ An), Giám đốc công ty TNHH TMDVXD Thái Gia Bảo có trụ  sở đóng tại 5 tỉnh trên khắp cả nước đã giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn một cách rất tế nhị.

Hiện nay ngoài các hoạt động thiện nguyện rộng khắp trên các tỉnh thành doanh nghiệp đặt cơ sở thì anh còn hỗ trợ, đỡ đầu cho 39 em học sinh nghèo vượt khó, đặc biệt là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn không đủ khả năng học lên đại học.

Đến nay, ngoài những học sinh đã ra trường đi làm thì công ty anh đang hỗ trợ cho 2 sinh viên gồm: Em Đặng Thị Thu Yến, học sinh trường THPT Thanh Chương 3 và hiện là sinh viên trường Đại học Y dược Huế và em Nguyễn Thị Thanh Trúc, quê ở huyện Anh Sơn (Nghệ An).

Doanh nghiệp của anh Nguyễn Thế Thanh Tùng hỗ trợ gạo cho làng trẻ SOS , TP. Vinh

Doanh nghiệp của anh Nguyễn Thế Thanh Tùng hỗ trợ gạo cho làng trẻ SOS , TP. Vinh

Hoàn cảnh 2 em rất khó khăn, Yến là con thứ hai trong gia đình có 4 chị em, chị gái đầu đang theo học Học viên ngoại giao. Gia đình làm nông nghiệp, lại phải chăm sóc thêm một người cô bị bệnh nằm một chỗ. Ước mơ đến giảng đường đại học của Yến tưởng như đã khép lại. Còn  Trúc mồ côi cả cha lần mẹ được làng trẻ SOS TP Vinh(Nghệ An) nhận nuôi. Thương hoàn cảnh của em, công ty của anh Tùng đã nhận đỡ đầu Truc 4 năm học Đại học Kiến Trúc Đà Nẵng. Đồng thời đảm bảo đầu ra công việc khi em ra trường và đi làm.

Anh Tùng thẳng thắn chia sẻ: “Tôi rất cảm động trước nghị lực vươn lên của các cháu. Nhưng tôi muốn các cháu cảm thấy những gì mình nhận được không phải là sự thương hại của mọi người mà đó là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực cố gắng của mình. Tôi ưu tiên hàng đầu cho những em học sinh theo học nghề Y và sư phạm vì sau này các em sẽ giúp đỡ được nhiều người hơn nữa”.

“Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau” các doanh nghiệp đã kết nối với nhau để đảm bảo cam kết lâu dài và bền vững. Ngoài số tiền cho vay không lãi suất hàng tháng, doanh nghiệp chỉ tài trợ một số tiền ban đầu đủ cho các em nhập học, trang trải sinh hoạt ban đầu. Sau đó sẽ tạo những việc làm thêm, hỗ trợ nhà ở, thiết bị máy móc… cho các em làm việc kiếm thêm thu nhập. Với những học sinh bị bệnh, họ sẽ kết nối với các bác sĩ giúp các em có điều kiện khám chữa bệnh.

Đây là cách làm hay, thể hiện tính nhân văn, kết nối  và huy động được tiềm lực sẵn có của các cá nhân, doanh nghiệp. Và, quan trọng nhất là tạo tâm lí thoải mái cho các em học sinh khi nhận sự hỗ trợ, sẻ chia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ