Cách Hwasong-19 đe dọa xuyên phá phòng thủ Mỹ

GD&TĐ - Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-19 có thể giúp Bình Nhưỡng tăng răn đe Mỹ.

Xe mang phóng Hwasong-19 của Triều Tiên.
Xe mang phóng Hwasong-19 của Triều Tiên.

Theo KCNA, Hwasong-19 vừa được phóng thành công hôm 31 tháng 10 là phiên bản kế tiếp của dòng Hwasong-18 được thử nghiệm thành công hồi năm 2023.

Tên lửa đạt trần bay tối đa 7.687,5 km, bay xa 1.001,2 km trong 1 giờ 25 phút 56 giây, trước khi rơi xuống vị trí chỉ định ở vùng biển phía đông bán đảo Triều Tiên, không ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh các nước láng giềng.

Đây là quả đạn có thời gian bay lâu nhất từ trước đến nay trong các cuộc thử nghiệm của Bình Nhưỡng. KCNA khẳng định Hwasong-19 là tên lửa chiến lược mạnh nhất thế giới và hệ thống đã hoàn thiện khả năng chiến đấu.

Đánh giá về vụ phóng của Triều Tiên, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho rằng, dựa vào màu sắc và hình dạng của luồng phụt trong loạt ảnh do Triều Tiên công bố cho thấy, tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn, tương tự Hwasong-18.

Tên lửa nhiên liệu rắn sở hữu hàng loạt ưu thế vượt trội. Chúng không mất nhiều thời gian nạp nhiên liệu trước khi phóng, tăng khả năng cơ động, khó bị các hệ thống trinh sát của đối phương phát hiện và có thể triển khai từ nhiều địa điểm khác nhau.

Tên lửa nhiên liệu rắn cũng tốn ít thời gian, công sức bảo dưỡng và di chuyển hơn nhiên liệu lỏng. Chính vì vậy, phát triển ICBM sử dụng nhiên liệu rắn từ lâu đã là một trong những mục tiêu then chốt của Bình Nhưỡng.

Nhà phân tích Joseph Dempsey tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại Mỹ, cho hay: "Đây là mẫu ICBM nhiên liệu rắn thứ hai được Triều Tiên phóng thử, sau lần đầu thử nghiệm tên lửa Hwasong-18 hồi tháng 4/2023".

Hội đồng JCS ban đầu nhận định Triều Tiên đã sử dụng xe chở đạn kiêm bệ phóng (TEL) 12 trục được ra mắt tháng 9/2023. Những hình ảnh về vụ thử cho thấy Hwasong-19 phóng từ xe 11 trục, nhiều hơn hai trục so với xe bệ phóng của ICBM Hwasong-18.

Theo nhận định của Chang Young-keun, chuyên gia về tên lửa tại Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Hàn Quốc, quả tên lửa Hwasong-19 có chiều dài ít nhất 28 mét.

Thông số này vượt trội những mẫu "tên lửa quái vật" từng được Triều Tiên thử nghiệm, cũng lớn hơn nhiều so với các tổ hợp ICBM di động trong trang bị của Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga như Yars và Topol-M.

Dựa vào thông số trên, Kim Dong-yup, chuyên gia tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, nhận định: "Chiều dài tăng lên đồng nghĩa tên lửa chứa được nhiên liệu hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức đẩy, khối lượng đầu đạn và tầm bay".

Chưa thể dự đoán về tầm bắn của Hwasong-19 nhưng căn cứ vào phiên bản tiền nhiệm Hwasong-18 có tầm bắn đạt 15.000km, các chuyên gia chắc chắn rằng phiên bản mới có tầm bắn xa hơn đáng kể và có thể vươn tới mọi mục tiêu tại Mỹ.

Trước khi thử nghiệm thành công Hwasong-19, Bình Nhưỡng đã sở hữu nhiều loại tên lửa có khả năng bao trùm một phần hoặc toàn bộ nước Mỹ, nên tăng kích cỡ ICBM không phải là phương án hợp lý nếu chỉ nhằm mục đích tăng tầm bay.

Kim Dong-yup suy đoán, mục đích thật sự của Bình Nhưỡng là "sở hữu tên lửa có thể mang đạn đầu hạt nhân cỡ lớn hơn hoặc đồng thời chứa được nhiều đầu đạn hơn".

Ông Kim Jong-un từng đưa mục tiêu Triều Tiên sở hữu "tên lửa mang nhiều đầu đạn" và công nghệ phương tiện hồi quyển tấn công đa mục tiêu độc lập (MIRV) vào chương trình phát triển quân sự giai đoạn 2021-2025.

Với MIRV, Triều Tiên có thể đe dọa lá chắn phòng thủ tên lửa Mỹ. Hệ thống đánh chặn giữa hành trình trên mặt đất (GMD) của Mỹ hiện có 44 đầu đạn đánh chặn, nhưng để đảm bảo diệt mục tiêu, quân đội Mỹ phải phóng ít nhất 4 quả đạn để chặn một tên lửa tấn công.

Chính vì vậy, GMD của Mỹ chỉ có thể ngăn được tối đa 11 đầu đạn lao xuống cùng lúc. Các mẫu ICBM của Triều Tiên gồm Hwasong-15, Hwasong-17, Hwasong-18 và Hwasong-19 có thể mang được nhiều đầu đạn, hoặc kết hợp giữa đầu đạn thật và mồi bẫy, đủ sức gây quá tải phòng thủ Mỹ nếu chúng được phóng đồng thời.

Clip Triều Tiên phóng thành công Hwasong-19 hôm 31 tháng 10.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ