Để tránh làm tổn thương những đứa trẻ vô tội, bố mẹ cần có những giải pháp thiết thực nhằm ổn định tâm lý cho con.
Dành thời gian để nói chuyện
Không có cách nào biết chính xác cần bao nhiêu thời gian để nói chuyện với con, nhưng tốt nhất không dưới 1 tiếng đồng hồ, nhằm để đứa trẻ có đủ thời gian phản ứng và đặt các câu hỏi. Nhưng cha mẹ nên lưu ý tránh đề cập chuyện này với con trước khi đi ngủ, trên đường đến trường hoặc ngay trước khi bạn hay đối tác đi làm.
Không gây áp lực cho con
Theo Knowmore, bất kể ai khởi xướng việc chia tay cũng cần xác định rõ phải chịu trách nhiệm về việc cung cấp tin tức cho con. Vì vậy, việc đề ra một số nguyên tắc cơ bản trước khi đưa con vào câu chuyện như: Tránh đổ lỗi cho nhau để cuộc trò chuyện không đi đến căng thẳng và tuyệt đối không gây áp lực với con trong việc lựa chọn "về với bên nào"...
Nếu cả hai không thể cùng tham gia vào cuộc trò chuyện với con, cần lên lịch cụ thể để có buổi gặp riêng, nhưng phải đảm bảo thực hiện theo đúng quy tắc tương tự đã đặt ra.
Chắc chắn ly hôn là điều có thực
Nếu bạn và người phối ngẫu mới trong giai đoạn đang cố gắng đi đến quyết định chia tay, khoan nói với con điều này.
Bởi lẽ, nếu nói ra, con sẽ nghĩ bạn chỉ dọa dẫm nên rất dễ gây hoang mang, ảnh hưởng đến tâm lý của con.
Suy nghĩ như một đứa trẻ
Hầu hết trẻ em (và rất nhiều những người lớn) thường tự trách mình là nguyên nhân dẫn tới việc ly hôn. Nhưng thật ra, điều quan trọng là khi thấy không thể sống chung với nhau nữa, cách hay nhất là chia tay càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, "ăn" hay "thua" nằm ở cách mà bạn nói với con như thế nào về chuyện này, theo Knowmore.
Hãy giúp con hiểu rằng, chuyện bố mẹ chia tay là do nhiều yếu tố, nhưng bố mẹ sẽ làm hết mọi cách để cuộc sống của con không bị ảnh hưởng.
Luôn trấn an con rằng mặc dù bố mẹ sẽ không thể sống chung với nhau nhưng bố mẹ không bao giờ ngừng yêu con và sẽ luôn dành nhiều thời gian cho con…
Chuẩn bị sẵn các câu trả lời
Sau các cuộc thảo luận ban đầu, nhiệm vụ của bạn vẫn chưa được xem là hoàn thành bởi bạn còn phải chờ xem thái độ và cách phản ứng của con. Bạn cần dành cho con một khoảng thời gian nhất định để con xử lý những gì đang xảy ra và chúng cần sự quan tâm của bạn. Trong lúc đó, bạn cũng sẵn sàng chuẩn bị tinh thần để trả lời những câu hỏi mà con đặt ra.
Duy trì thói quen
Nói một cách khác, dù bố mẹ có chia tay thì cũng lưu ý hạn chế tối đa việc xáo trộn lịch trình sinh hoạt và học tập của con. Nếu có thể vẫn tiếp tục cho con theo học trường mà con đang học, khuyến khích con duy trì mối quan hệ với bạn bè cũ, động viên con tham gia các hoạt động ngoại khóa sau giờ học chính…
Nhờ sự hỗ trợ
Nếu có thể, bố mẹ nên đề cập chuyện này với giáo viên, người giữ trẻ hoặc bạn bè của mình. Hãy cho họ biết những gì đang xảy ra và nhờ họ thông báo giúp khi nhìn thấy bất kỳ hành vi bất thường nào của con.
Hãy trung thực
Chẳng có vấn đề gì phải giấu con. Hãy để cho trẻ thấy rằng bạn đang buồn về việc chia tay, nhưng không đặt con vào vị trí là người an ủi. Bố mẹ luôn nhớ rằng mình mới chính là người an ủi con.
Bên cạnh đó, một trong những điều cần lưu ý là đừng bao giờ sử dụng con để do thám tình hình của đối phương cũng như tránh chê bai người cũ trước mặt con.
Yêu cầu giúp đỡ
Nếu cảm thấy quá tải hoặc những đứa trẻ dường như đang bị khủng hoảng nghiêm trọng trước việc chia tay của bố mẹ, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ của bác sĩ chuyên khoa. Họ sẽ biết cách nói chuyện với bạn hoặc với người phối ngẫu hoặc con bạn để tháo gỡ những khúc mắc.