Giải mã tiếng khóc của trẻ sơ sinh
Để giải mã tiếng khóc của trẻ sơ sinh, cha mẹ cần bình tĩnh lắng nghe và quan sát con hàng ngày, bé khóc có thể là dấu hiệu của:
Bé đói
Từ lúc sinh ra đến 3 tuần tuổi, trẻ sơ sinh khóc phần lớn thường do đói. Mẹ hãy cho bé bú bé sẽ ngừng khóc. Để nhận biết kiểu khóc khi bé đói, là tiếng khóc có thanh độ thấp, có nhịp điệu, và lặp theo khuôn mẫu là khóc ngắn, ngừng chút, khóc ngắn, ngừng và cứ thế.
Ngoài ra mẹ có thể nhận thấy một đứa bé bị đói sẽ há miệng, mút ngón tay hoặc dò dẫm tìm vú mẹ.
Trẻ quá lạnh hay quá nóng
Cha mẹ thường sợ bé lạnh nên trùm 5-7 lớp áo, chăn khiến bé nóng, thậm chí gây rôm sảy. Nhiệt độ phòng nên vừa phải sao cho trẻ cảm thấy thoải mái, quần áo phụ huynh nên chọn loại thoáng mát, trừ khi cho trẻ đi ra ngoài khi trời lạnh.
Trẻ cảm giác khó chịu vì tã ướt, bụng đầy hơi
Trẻ sơ sinh đang bú sữa bột, mẹ pha sữa xong không nên cho bú liền. Nên để 10 - 15 phút sau hãy cho bú.Khi lắc lên trong sữa có những bọt khí li ti mà mắt thường không thấy được, bé nếu bú vào sẽ đầy hơi, dễ trào ngược.
Hội chứng khóc colic, khóc dạ đề hay cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh là vấn để khiến nhiều bậc phụ huynh hoặc bác sĩ phải "đau đầu".
Ngoài ra, một vài bé ghét tã bẩn và sẽ cho bạn biết ngay khi bé muốn được thay tã, số khác lại không chú ý đến bất kỳ sự thiếu thoải mái nào.
Bé bị đau
Thường thì tiếng khóc lớn và có cường độ càng lớn thì khả năng cao là do bé bị đau chứ không phải vì đói hay mệt. Bạn cần kiểm tra liệu bé yêu có đang ở tư thế không thoải mái không. Hãy bảo đảm là bé không bị sụp xuống trên chỗ ngồi hoặc chân của bé không bị mắc vào giá đỡ.
Nếu bé vẫn tiếp tục khóc, hãy thử cởi hết đồ trên người bé ra và tìm nguyên nhân gây khó chịu cho bé, chẳng hạn quần áo của bé có quá chật hay có tóc quấn vào chân hay ngón tay bé thiếu sự lưu thông?
Bé bệnh
Hầu hết các bậc cha mẹ đều bằng trực giác nhận ra được có điều gì đó không ổn với bé. Tiếng của bé bị bệnh khác biệt với tiếng khóc mọi ngày của bé, nghe yếu ớt hơn nhiều so với tiếng khóc khi đòi hỏi hay khóc nhè.
Nếu bé thật sự không nguôi, ăn uống không bình thường, có vẻ thiếu sức sống, hoặc có biểu hiện những dấu hiệu bệnh khác như sốt, ói mửa, tiêu chảy, bạn cần đưa ngay bé đến gặp bác sĩ.
Sau khi đã giải mã tiếng khóc của trẻ sơ sinh, cha mẹ nên:
Kiểm tra xem con có đói không, có đòi bế không? Bế lên mà hết khóc thì chỉ là bé nhõng nhẽo.
Trẻ có lạnh hay nóng không?
Tã trẻ sơ sinh có ướt không?
Trẻ có đau không? Tới giai đoạn kiểm tra này, cha mẹ phải cởi hết sạch đồ, quan sát từ đầu tới chân kể cả bộ phận sinh dục, xem có chỗ nào đỏ, đau hay dị dạng gì không? Tay chân trẻ có cử động bình thường không?
Trẻ có nhiều hơi trong bụng không? Có đánh rắm nhiều không?
Trẻ có sốt không?
Trẻ có bú không? Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chỉ có ăn và ngủ. Trẻ khóc đã là không ngủ, kèm thêm dấu hiệu không ăn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu trẻ khóc những vẫn bú, cha mẹ có thể yên tâm. Trường hợp trẻ bỏ bú, lừ đừ, nên cho con đi khám.