Cách bảo vệ “từ nhà ra ngõ”, hạn chế tối đa ảnh hưởng của ô nhiễm không khí

GD&TĐ - Các chuyên gia y tế đã chỉ ra nguy cơ toàn diện tới sức khỏe khi phải sinh sống trong môi trường không khí ô nhiễm.

Hà Nội và khắp các tỉnh miền Bắc đang trong những ngày ô nhiễm không khí ở mức báo động. (Ảnh minh họa).
Hà Nội và khắp các tỉnh miền Bắc đang trong những ngày ô nhiễm không khí ở mức báo động. (Ảnh minh họa).

Hãy tham khảo một số nguyên tắc sau để bảo vệ sức khoẻ tốt hơn ngay khi ở trong nhà và khi phải ra ngoài đường, hạn chế ảnh hưởng của ô nhiễm không khí.

1. Các biện pháp tại nhà

Tăng cường uống nước

Uống nhiều nước giúp làm loãng niêm dịch nên sự dẫn lưu của mũi xoang tốt hơn, tránh ứ đọng bụi bẩn, vi khuẩn. Trẻ từ 10 tuổi trở lên và người lớn nên uống 2-2,5 lít nước; một lít nước cho trẻ trên một tuổi mỗi ngày.

Bé từ 6-12 tháng cần 100 ml nước trên kg cân nặng (bao gồm cả sữa). Trẻ dưới 6 tháng bú mẹ hoàn toàn hoặc ăn sữa bột không cần uống nước. Nếu bé ra nhiều mồ hôi do còi xương hoặc đi ngoài phân táo bón, mẹ cho con uống thêm 100-200 ml.

Ăn đầy đủ dưỡng chất

Trẻ con chịu nhiều ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí vì cấu tạo niêm mạc mũi, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, sức đề kháng yếu. Cần xây dựng cho bé chế độ ăn đầy đủ 4 nhóm chất cần thiết. Trái cây, rau quả chứa nhiều vitamin, chất khoáng giúp trẻ tăng cường sức đề kháng.

Mẹ nên bổ sung protein từ thịt, cá, trứng sữa… vào bữa ăn hàng ngày của bé, hạn chế ăn nhiều thức ăn lạnh vì dễ khiến nhiệt độ vòm họng thay đổi đột ngột, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể.

Nên đóng cửa sổ

Thông thường, mở cửa sổ để trao đổi không khí, nhằm giữ bầu không khí sạch sẽ, thoáng đãng. Nhưng trong thời điểm không khí đang bị ô nhiễm, tốt hơn bạn nên đóng cửa, nhất là vào khung giờ cao điểm, nhiều xe cộ hoạt động.

Nếu như nhà bạn gần đường và không có ai ở nhà thì việc đóng cửa lại càng cần thiết hơn nữa. Bạn có thể cân nhắc đến việc mở cửa sổ, lưu thông không khí khi giờ cao điểm đã qua.

Vệ sinh nhà cửa

Một trong những cách dễ dàng và hiệu quả để giữ cho không khí trong nhà sạch sẽ là vệ sinh nhà cửa. Bạn nên hút bụi, lau dọn các hệ kệ, thay chăn ga gối.

Những khu vực có nấm mốc nhất thiết nên làm sạch. Đặc biệt nếu nơi thú cưng, đây cũng là lúc rất cần chú ý, tốt nhất bạn nên vệ sinh cho thú cưng cũng nơi ở của chúng sạch sẽ.

Thêm cây xanh trong nhà

Cây xanh chẳng những đem lại cảm giác thư giãn cho ngôi nhà mà trên thực tế, nhiều loại cây xanh còn có tác dụng lọc không khí, giúp không khí trong nhà sạch và lành hơn.

Một số loại cây lọc không khí dễ kiếm, dễ chăm sóc có thể đến như cây kim tiền, cây cọ cảnh, lưỡi hổ, nha đam, thường xuân. Một vài chậu cây có tác dụng lọc không khí thế này chắc chắn sẽ rất hữu hiệu cho bạn khi không khí ngoài trời đang ô nhiễm đấy.

Chú ý khi dùng điều hòa

Môi trường trong nhà cũng có thể bị ô nhiễm gây ra viêm mũi, viêm xoang... Điều hòa góp phần giúp thanh lọc không khí nhưng cần sử dụng đúng cách.

Vệ sinh định kỳ để tránh vi khuẩn, bụi bẩn tích tụ. Nhiệt độ trong phòng và môi trường không nên chênh lệch quá 5 độ C.

Tăng cường các chậu cây trong nhà là một trong những phương cách lọc không khí hiệu quả.
Tăng cường các chậu cây trong nhà là một trong những phương cách lọc không khí hiệu quả. 

2. Lưu ý phòng bị khi phải ra ngoài

Đeo khẩu trang đạt chuẩn

Để bảo vệ sức khoẻ, các nhà nghiên cứu đã tạo ra các loại khẩu trang giúp bảo vệ con người khỏi ô nhiễm không khí và các bệnh về hô hấp. Khi đi ra ngoài đường mọi người nên đeo khẩu trang đặc biệt là trẻ em.

Nếu sống tại các đô thị với lượng xe cộ lưu thông cao, dù đi bộ trên phố các bậc phụ huynh cũng hãy cho con đeo khẩu trang để phòng ngừa bệnh. Việc bạn đeo khẩu trang sẽ giúp hạn chế hít phải khói bụi, khí hậu cho đường hô hấp.

Bạn nên lựa chọn các sản phẩm kích thước vừa vặn, đạt chuẩn và có khả năng ngăn ngừa các loại khí gây hại trong không khí.

Đeo kính chắn bụi

Ánh nắng và bụi bẩn là những tác nhân gây hại đến mắt. Đeo kính khi đi đường có tác dụng bảo vệ mắt khỏi những tác nhân trên.

Súc họng thường xuyên

Không khí ngày càng ô nhiễm khiến các căn bệnh về hô hấp gia tăng. Lúc này, thói quen súc họng hàng ngày sẽ giúp làm sạch và hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh. Mục đích của việc súc miệng là để loại bỏ bụi bẩn dính vào miệng.

Đừng quên thực hiện việc làm này vào cuối ngày cùng với nước muối sinh lý. Với trẻ em, bạn có thể dùng máy rung, rung nước muối sinh lý để sát khuẩn niêm mạc họng và mũi.

Xịt sạch mũi mỗi ngày

Thói quen này góp phần phòng tránh các bệnh lý về đường hô hấp. Để vệ sinh mũi, bạn có thể áp dụng công thức 1-2-3 gồm xịt sạch mũi mỗi ngày, hai lần vào buổi sáng và tối, ba lần vào mỗi bên mũi.

Vệ sinh mũi mỗi ngày làm sạch vi khuẩn, bụi bẩn, hỗ trợ loại bỏ tác nhân gây bệnh viêm mũi, viêm xoang. Xịt mũi sau khi đánh răng xong vào buổi sáng vì lúc này nhiệt độ giảm thấp, độ ẩm cao hơn dễ gây kích ứng, ứ đọng dịch tiết, sổ mũi.... Xịt mũi vào buổi tối giúp làm sạch bụi sau ngày dài tiếp xúc với môi trường ô nhiễm.

Hạn chế ra ngoài vào giờ cao điểm

Nếu phải đi lại trong môi trường ô nhiễm không khí, bạn nên tránh giờ cao điểm hoặc tránh đi đến những nơi hay xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài.

Theo nghiên cứu mới nhất của trường đại học Columbia, Mỹ, các hạt không khí ô nhiễm có trong khí thải xe cộ mà con người hít phải trong lúc bị kẹt xe là nguyên nhân khiến mật độ xương của một người thấp đi đáng kể.

Các nhà khoa học thậm chí còn ghi nhận vài trường hợp, bệnh nhân bị gãy xương chỉ do một cái ôm, sau thời gian dài lưu thông trong khu vực ô nhiễm không khí nặng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Quảng bá di sản

GD&TĐ - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đã được hơn 10 năm (6/12/2012).