Cách bảo vệ bàn chân trước “căn bệnh nổi tiếng” mùa lũ

GD&TĐ - Mưa lũ dài ngày kéo theo nhiều căn bệnh, đặc biệt là viêm da chân. Hội chứng bàn chân ngập nước và nấm chân là hai bệnh phổ biến xảy ra ở người dân sống trong vùng mưa lũ.

Mưa lũ dài ngày có thể gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ. Ảnh minh họa.
Mưa lũ dài ngày có thể gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ. Ảnh minh họa.

Căn bệnh “nổi tiếng”

Mưa lớn xảy ra nhiều ngày tại miền Trung khiến nước dâng cao, kéo theo rác thải. Tình trạng này cũng bít tắc công trình vệ sinh, dẫn đến vi khuẩn ứ đọng, sinh sôi. Từ đó, tác động xấu tới sức khỏe người dân.

Bên cạnh đó, nước lũ cũng khiến giao thông bị gián đoạn, nguồn cung ứng lương thực và thuốc men không được lưu thông. Những yếu tố này là nguy cơ khiến dịch bệnh “nhen nhóm”.

Những dịch bệnh phổ biến trong mùa mưa lũ bao gồm: Sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, bệnh nước ăn chân, cảm cúm, đau mắt đỏ…

Chia sẻ về tình trạng này, PGS.TS Trần Huỳnh tại Bệnh viện Methodist và giảng viên của Trường Đại học Y California Northstate (Mỹ), cho hay: “Lũ hoành hành kéo theo các bệnh nguy hiểm về da ở vùng bàn chân, do mọi người phải dầm nước liên tục và tiếp xúc nhiều với bùn bẩn”.

Do đó, PGS Huỳnh cho biết, căn bệnh da về chân thường xảy ra vào mùa lũ là hội chứng bàn chân ngập nước và nước ăn chân.

“Chân sưng đau do ngập nước là bệnh nguy hiểm do bàn chân ngâm quá lâu trong nước. Bệnh này nổi tiếng hồi chiến tranh thế giới thứ 1, do rất nhiều binh sĩ Mỹ và Anh tử vong vì phải ngâm chân trong nước quá lâu. Từ đó, dẫn đến sưng viêm, nhiễm trùng và hoại tử”, chuyên gia chia sẻ. 

Theo đó, khi bàn chân ở quá lâu trong nước, đặc biệt là vào mùa lũ, các mạch máu và dây thần kinh sẽ bị tổn thương. Đặc biệt, nước lạnh khiến tổn thương đó diễn ra nhanh hơn. Vì vậy, PGS Huỳnh khuyến cáo, yếu tố quan trọng nhất để chữa căn bệnh này là giữ bàn chân khô ráo, dù chỉ trong thời gian ngắn. 

Chuyên gia này cho biết, khi mắc bệnh này, chân sẽ lạnh cóng, da nhăn nheo, bàn chân trở nên nặng nề. Người bệnh cũng có thể tê, mất cảm giác một phần hay toàn bộ vùng bàn chân. Sưng đỏ, nổi hạt nước, nổi mẩn ở da bàn chân, bong da từng lớp, ngứa ngáy cũng là các triệu chứng bệnh. Người bệnh cũng sẽ đau, sưng hoặc ngứa chân.

Nếu không được chữa trị kịp thời, người bệnh có thể bị biến chứng như viêm, sưng, nhiễm trùng bàn chân. Từ đó, dẫn đến hoại tử, thậm chí tử vong do nhiễm trùng cấp tính khi xuất hiện vết lở loét.

Một số dấu hiệu biến chứng khác bao gồm: Mất cảm giác vùng chân, đi đứng không vững; Lở loét vùng bàn chân; Phải cưa chân hoặc một vùng bàn chân.

Do đó, PGS.TS Trần Huỳnh khuyến cáo, người dân mắc hội chứng chân ngập nước cần tháo giày dép, rửa chân bằng nước sạch. Ngoài ra, cần giữ chân khô ráo, rửa sạch các vết thương và bôi thuốc chống nhiễm trùng. Người bệnh cũng cần kê chân cao, nằm xuống để giúp máu lưu thông về chân tốt hơn.

“Có thể chườm bịch nước ấm vào vùng chân lạnh trong vài phút, nhưng quan trọng nhất là giữ khô. Mang ủng/giày cao để giữ chân khô”, chuyên gia nhấn mạnh.

Tấn công người  có hệ miễn dịch yếu

Căn bệnh thứ hai mà người dân sống trong vùng lũ thường mắc là nước ăn chân (nấm chân). Bệnh xảy ra do vi khuẩn và nấm ăn vào chân, chủ yếu ở khe và kẽ giữa các ngón chân. 

PGS Huỳnh lý giải, khi mắc bệnh, chân sẽ ngứa, tróc các lớp nhỏ như vảy cá, da xung quanh vùng vảy nổi ửng đỏ. Chân nổi các mụn nước nhỏ li ti, có thể vỡ. Các nấm nhỏ li ti mọc ở vùng ngứa. Chuyên gia lưu ý, nấm chân thường xảy ra ở người có hệ miễn dịch yếu như tiểu đường, bệnh phổi, hay một số bệnh mãn tính khác.

“Để chữa trị, cần tháo giày dép, giữ khô bàn chân. Một số người cho rằng, mang tất kín sẽ chữa trị tốt hơn. Điều này sai lầm, bởi nấm phát triển nhiều hơn trong môi trường khép kín, ẩm ướt”, PGS Huỳnh cảnh báo.

Bên cạnh đó, người bệnh cần chữa trị khỏi hoàn toàn mới có thể tiếp xúc bàn chân với nước. Bởi, khi nấm chân, vùng da đã bị tổn thương. Nếu tiếp xúc với nước, khả năng tái nhiễm sẽ cao hơn. Người không điều trị hoàn toàn có nguy cơ bị biến chứng như viêm tê bàn chân, nhiễm trùng sâu hơn, hoặc lở loét không lành.

“Các kem trị nấm họ Ketoconazole/Clotrimazole hay Lamisil đều có thể chữa trị bệnh này hoàn toàn. Cần dùng kết hợp các kem kháng viêm hay thuốc ngứa trong trường hợp viêm ngứa chung với viêm nấm.

Tuyệt đối không dùng chung giày/dép với người bị nước ăn chân vì có thể bị lây nhiễm. Bệnh nhân tiểu đường hay các bệnh mãn tính khác cần được chữa trị dứt điểm để hạn chế rủi ro”, chuyên gia khuyến cáo.

Để chủ động phòng tránh dịch trong mùa mưa bão, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp: Lựa chọn và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn chín uống sôi; Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh;
Vệ sinh cá nhân hằng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn; Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy. Diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng; Mắc màn khi ngủ, kể cả ban ngày; Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước.
Dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế; Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác súc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế; Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...