Còn đối với trẻ em, chúng chưa có những trải nghiệm về điều này, nhiều trẻ thậm chí đây là lần đầu có người thân ra đi. Phải làm sao để báo tin buồn cho trẻ thích hợp nhất?
Dưới đây là một số cách người lớn có thể áp dụng để hỗ trợ trẻ và những điều có thể xảy ra khi trẻ có người thân qua đời.
Không trì hoãn
Đương nhiên để nói ra điều này với trẻ, thật không dễ dàng nhưng điều ấy còn tệ hại hơn nếu cứ trì hoãn. Muốn bảo vệ trẻ là hành vi tự nhiên, nhưng điều tốt nhất là hãy thành thực.
Không thể thay đổi được nên người lớn không nên che giấu và trì hoãn việc nói sự thật với trẻ. Nói với trẻ về điều đã xảy ra cũng sẽ khiến trẻ tin tưởng bạn hơn và giúp trẻ đối mặt tốt hơn khi người thân qua đời.
Tìm nơi thích hợp để nói
Hãy tìm một nơi an toàn và yên tĩnh để nói chuyện với trẻ và chuẩn bị những điều bạn sẽ nói. Bạn nên ngồi gần trẻ, tạo sự thân mật. Nếu là trẻ nhỏ, nên mang theo đồ chơi trẻ yêu thích, hay vật nuôi… khiến trẻ cảm thấy thoải mái và có vẻ an tâm hơn.
Hãy kiên nhẫn nói chậm, ngắt nghỉ theo từng lời bạn nói để trẻ có thời gian cảm thụ và hiểu điều mà bạn muốn truyền tải.
Đồng cảm với trẻ
Khi nói, bạn nhìn vào mắt trẻ, hãy đồng cảm và thành thật với trẻ ở mọi độ tuổi, đảm bảo rằng bạn nói rõ ràng với trẻ nhỏ và không dùng từ ngữ khó hiểu.
Bạn có thể đồng cảm với trẻ bằng cảm xúc của mình. Bạn có thể khóc hoặc ôm trẻ cùng nhau vỗ về. Để bản thân xúc động trước trẻ một chút cũng không sao.
Nhà tâm lý học, Tiến sĩ Lisa Damour đưa ra lời khuyên như sau: “Người lớn nên sử dụng giọng nói ấm áp và dịu dàng: ‘Bố/mẹ có tin rất buồn. Ông của con đã qua đời. Điều đó có nghĩa là cơ thể ông dừng hoạt động và chúng ta sẽ không thể gặp lại ông được nữa".
Việc sử dụng ngôn từ trực tiếp như vậy có thể khó khăn đối với bậc cha mẹ, nhưng nói thật và rõ ràng là điều quan trọng.”
Quan sát trẻ
Sau khi bạn thông báo điều đó, trẻ sẽ cần một khoảng thời gian để tiếp thu thông tin. Có thể trẻ sẽ phản ứng bằng cách tỏ ra là không nghe, không chấp nhận thông tin mà bạn vừa truyền tải. Hãy kiên nhẫn và chuẩn bị với việc trẻ có thể lặp lại các câu hỏi ngay tại lúc đó hoặc thậm chí nhắc đi nhắc lại trong nhiều ngày, nhiều tuần tiếp theo.
Mỗi khi chúng lặp lai câu hỏi hoặc câu cảm thán, người lớn cần bình tĩnh, kiên nhẫn giúp trẻ làm quen dần với thông tin mà chúng tiếp nhận. Thế giới trẻ thơ là vậy đó. Chúng chưa hiểu, rằng trong cuộc sống có những điều xảy ra quá bất ngờ.
Một số trẻ có thể lo lắng rằng lời nói hoặc hành động của trẻ là nguyên nhân gây ra cái chết đó cho người thân. Chúng có thể cảm thấy có lỗi, cảm thấy như bản thân phải chịu trách nhiệm về cái chết của người thân ấy. Vì vậy, người lớn cần kiểm tra xem thái độ của trẻ ra sao để từ đó hiểu được xem trẻ có suy nghĩ nào tương tự như vậy không.
Cần đặt ra những câu hỏi kiểu như “Con có lo lắng về điều gì à?”; “Tại sao con thấy lo lắng?”
Người lớn cần dùng từ ngữ đơn giản để giải thích về chuyện đã xảy ra, trấn an rằng đó không phải là nguyên nhân từ trẻ, trẻ không có lỗi. Những câu trấn an phù hợp là “Con không làm gì sai cả. Con không phải lo lắng về điều đó. Bố ngừng thở là do có căn bệnh làm bố ốm”. “Không ai có lỗi trong chuyện này. Không ai đáng trách. Con không có lỗi.”
Giúp trẻ đối mặt với nỗi đau buồn
Hãy tìm cách tổ chức buổi lễ để kỷ niệm, tưởng nhớ, và thể hiện tầm quan trọng của người đã mất với tất cả mọi người.
Mỗi gia đình lại có đức tin hoặc thực hành văn hóa khác nhau. Nếu gia đình bạn theo tôn giáo, hãy liên lạc với người lãnh đạo tôn giáo, đây là người có thể giúp bạn giải thích về sự qua đời của người thân, mang lại sự an ủi cho cả bạn và trẻ.
Tiếp tục chăm sóc và yêu thương trẻ, dù là cha mẹ, họ hàng hay người chăm sóc, những người mà trẻ tin tưởng. Duy trì lịch sinh hoạt hàng ngày nhiều nhất có thể. Cố gắng duy trì lịch hàng ngày như thường lệ, với thời gian dành cho các hoạt động như dọn dẹp, học tập, tập thể dục và vui chơi.
Hãy thông báo cho những người bạn khác của trẻ, giáo viên hoặc cha mẹ các em về những gì đã xảy ra để các em có thể hỗ trợ trẻ khi trở lại trường học.