Cách bao sái bàn thờ năm 2023 thế nào là đúng?

GD&TĐ - Người Việt ta thường có thói quen lau dọn ban thờ vào dịp cuối năm để chào đón một năm mới nhiều may mắn về tài lộc, sức khỏe.

Cách bao sái bàn thờ năm 2023 thế nào là đúng?

Bao sái ban thờ được xem là việc rất quan trọng của mỗi gia đình dịp cuối năm. Chuyên gia phong thủy Phùng Phương sẽ hướng dẫn bạn cách bao sái ban thờ đúng để đón nhận nhiều may mắn, phước lành năm 2023.

Bao sái bàn thờ là gì?

Theo cách gọi của nhà Phật, bao sái chính là việc vệ sinh bát hương. Đây là công việc rất quan trọng cần làm khi một năm sắp kết thúc.

Bao sái bàn thờ là chỉ chung cho việc vệ sinh toàn bộ bàn thờ. Công việc này thường được tiến hành vào ngày cúng ông Công, ông Táo, tức ngày 23 tháng chạp hàng năm.

Thực tế vào mùng 1 và ngày rằm hàng tháng, bên cạnh việc thắp hương hoa quả khấn cầu để tưởng nhớ gia tiên thì mọi người đều sẽ tiến hành việc dọn dẹp, lau dọn ban thờ. Nhưng bao sái bàn thờ cuối năm lại mang ý nghĩa quan trọng hơn rất nhiều. Việc lau dọn, rút tỉa chân nhanh cho án thờ khang trang là một cách để thể hiện lòng thành kính, sự biết ơn của con cháu đối với ông bà tổ tiên.

Chuẩn bị dụng cụ cho việc bao sái

Các bạn nên chuẩn bị khăn sạch, một chiếc khăn mới tinh chỉ để bao sái ban thờ.

Tiếp đến là chuẩn bị nước sạch, ngũ vị hương, gừng hoặc tinh dầu thơm để hòa cùng nước sạch dùng lau dọn, bao sái ban thờ.

Ngoài ra cần chổi, giấy lau, chậu nhỏ tất cả cũng cần phải sạch và mới để dành riêng cho việc bao sái.

Làm lễ, thắp hương xin phép

Trước khi bao sái và tỉa chân nhang, gia chủ nên chuẩn bị một mâm lễ nhỏ dâng lên. Khi lên hương, quý bạn thắp hương theo văn khấn để trình báo, xin phép trước khi tiến hành việc bao sái.

Lễ vật không cần quá cầu kỳ, nhiều hay ít không quan trọng bằng việc mình phải thật thành tâm và thể hiện lòng biết ơn, chân thành.

Thực hiện lau dọn, bao sái

Lau dọn ban thờ cần chú ý lau dọn từ trên cao xuống thấp, lau dọn nhẹ nhàng để tránh trầy xước, bay màu. Đặc biệt cần chú ý, tránh việc xê dịch các bức tượng, bát hương.

Quá trình rút chân nhang, tiến hành rút từng chút một cho tới khi số chân hương trong bát hương còn một số lẻ, thường sẽ để lại 3,5,7 hoặc 9 chân nhang.

Bát hương có nhiều tro thì nên gạt bớt bằng chổi nhẹ nhàng, sau đó dùng khăn sạch hoặc khăn ướt bao sái để lau dọn lại không gian ban thờ.

Sau khi bao sái, gia chủ sắp xếp lại đồ thờ cúng vào đúng vị trí như ban đầu.

* Thông tin mang tính tham khảo, chiêm nghiệm!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ