Lấy kiến thức SGK làm chuẩn ôn tập
Thầy Lê Xuân Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phước Kiển đánh giá: “Tôi thấy đổi mới kỳ thi là hoàn toàn hợp lý. Vừa tiết kiệm kinh phí cho Nhà nước, vừa tiết kiệm chi phí của người dân. Các em HS cũng bớt đi những căng thẳng trong thi cử. Nhưng điều quan trọng là chúng ta chuẩn bị kỹ lưỡng để kỳ thi đảm bảo chất lượng”.
Cũng theo thầy Xuân Nguyên, hiện tại, trong lúc chờ những chỉ đạo chính thức từ Bộ, Sở về hướng dẫn ôn tập cho HS, thì lãnh đạo Trường THPT Phước Kiển ngay từ đầu đã cho các em khối 12 khảo sát, đăng kí thử các môn thi và lên kế hoạch ôn tập cho các em, nhất là những em lực học còn yếu.
“Tôi nghĩ rằng, dù chưa có hướng dẫn ôn tập cụ thể thì trước mắt mỗi GV cũng phải chủ động trong việc ôn tập cho các em HS căn cứ vào chương trình SGK cũng như bám vào những cấu trúc của đề thi các năm trước. Làm sao đảm bảo truyền tải cho các em những kiến thức cơ bản, đầy đủ để bước vào kỳ thi một cách thoải mái”, thầy Nguyên cho biết.
Tương tự, cô Võ Thị Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Giồng Ông Tố chia sẻ:
“Ngay từ khi có thông tin về kỳ thi chung, Trường THPT Giồng Ông Tố đều đã có những hướng dẫn tới các cán bộ giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm.
Trước hết là cho các em HS khảo sát, đăng kí thử môn tự chọn để nắm rõ lực học ban đầu của các em và qua quá trình học tập cũng như quá trình ôn tập thì trường lại tổ chức nắm lực học các em qua kiểm tra, khảo sát để tư vấn, định hướng cho các em và cho cả cha mẹ các em về những trường ĐH, CĐ nào phù hợp.
Mới đây tôi cũng có theo dõi những ý kiến của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận liên quan đến kỳ thi chung này, ví dụ như thống nhất thang điểm 10 hay có thể cho thí sinh mang Atlat vào phòng thi, tôi cũng rất ủng hộ hướng dự kiến này”.
Theo cô Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định: “Với vai trò là người quản lý, tôi là người phải nắm rõ những gì liên quan đến kỳ thi sắp tới để hướng dẫn cho các giáo viên, lên kế hoạch ôn tập cho các học trò.
Trong lúc chờ chỉ đạo của Bộ, của Sở, bản thân tôi đã yêu cầu các tổ bộ môn chuẩn bị những bộ câu hỏi trắc nghiệm, đề thi tự luận cho các môn, sau đó phân loại ra và sắp tới trường chúng tôi sẽ cho HS làm thử những đề thi để các em làm quen dần.
Chẳng hạn, trong môn thi trắc nghiệm, sẽ có 60% câu hỏi: Dễ và trung bình, 40% câu hỏi khó. Nhưng chúng tôi sẽ không xáo trộn hai phần này lại mà là phân biệt ra”.
Cũng theo cô Thu Cúc, căn cứ vào một số đề án tuyển sinh của các trường ĐH, nhà trường cũng phải nắm rõ và hướng dẫn cho các em. Cô Cúc lấy ví dụ, theo thông tin, ĐH Luật TPHCM, khi xét tuyển từ kết quả kỳ thi chung xong, Trường ĐH Luật TPHCM sẽ có 1 bài test năng lực của HS.
Về phần này, các em không phải ôn tập gì hết, nhưng thầy cô cũng phải biết để hướng dẫn cho các em cần phải có kiến thức tổng hợp và nắm bắt những sự kiện có tính thời sự…
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, hiện tại bên cạnh việc chờ chỉ đạo của Bộ về Kỳ thi THPT quốc gia, Sở cũng đã lên kế hoạch sẵn sàng để phối hợp tổ chức các cụm thi cũng như chỉ đạo các trường THPT về kế hoạch, thời gian ôn tập sau khi các em hết chương trình học theo quy định.
“Nếu không có gì thay đổi, dự kiến trong 4 tuần của tháng 6, thời điểm trước kỳ thi, các trường sẽ tự tổ chức ôn tập cho các em và chi phí có thể có sự thỏa thuận giữa nhà trường và HS, phụ huynh”, ông Hiếu chia sẻ.
“Về đề thi, theo như Bộ GD&ĐT đã cung cấp thông tin, sẽ không có gì khác nhiều so với năm 2014, có khó, có dễ, vì thế các trường nên chủ động cho các em ôn tập, khảo sát, phân loại HS để ôn tập theo sát năng lực từng em. Khi nào Bộ có chỉ đạo, Sở sẽ có hướng dẫn cụ thể tới từng trường”.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM