Đánh giá chính xác năng lực thí sinh
Dựa trên phổ điểm chung các bài thi, môn thi được Bộ GD&ĐT công bố, nhiều thầy cô giáo từ các tỉnh thành, lãnh đạo các Sở GD&ĐT đều cho rằng: Đề thi đã đảm bảo việc bám sát với chuẩn đầu ra chương trình lớp 12 của các môn học. Theo như số liệu thống kê, việc điểm của tất cả các bài thi, môn thi đều với điểm trung bình từ khoảng 4,5 - 6,5 điểm, một số bài thi, môn thi, có nhiều thí sinh đạt điểm tuyệt đối (10 điểm) nhưng chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn và các tỉnh có truyền thống “hiếu học”. Điểm trung bình dưới 5 của hầu hết các bài thi, môn thi đều chiếm tỉ lệ khoảng từ 40 - 60%.
Với một phổ điểm thi trải đều như vậy là hoàn toàn hợp lý. Nó cũng thể hiện khách quan chất lượng giáo dục phổ thông ở từng vùng miền. Một phổ điểm rộng, đánh giá đúng năng lực của thí sinh, giảm thiểu đáng kể hiện tượng gian lận thi là khởi đầu thành công trong việc Bộ mạnh dạn đưa các bài thi trắc nghiệm khách quan vào kỳ thi năm nay.
Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước với 621 điểm 10 là địa phương có số thí sinh được điểm tuyệt đối trong Kỳ thi THPT quốc gia 2017 cao nhất cả nước. Nhiều nhà giáo dục cho rằng, đây là con số hết sức khách quan và thực tế vì Hà Nội là trung tâm kinh tế - xã hội phát triển, dân số tập trung đông và cũng là nơi có nhiều điều kiện thuận lợi cho giáo dục phát triển. Cũng như vậy, địa phương có số lượng điểm 10 cao thứ nhì cả nước là TP Hồ Chí Minh với 453 điểm 10, cũng hoàn toàn hợp lý, vì đây cũng là đô thị lớn đông dân và có nhiều thành tích về giáo dục. Tiếp theo đó là Nghệ An và Thanh Hóa cũng là những địa phương có nhiều điểm 10, con số này hoàn toàn thuyết phục bởi đây cũng là những địa phương có phong trào giáo dục phát triển mạnh và chất lượng.
Nhận định về điểm thi và phổ điểm của thí sinh dự thi THPT quốc gia năm nay, ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định - cho rằng: Nhìn vào phổ điểm và điểm thi được Bộ GD&ĐT và các địa phương công bố có thể thấy phổ điểm trải đều, đánh giá chính xác năng lực học tập của thí sinh ở từng vùng miền, khu vực. Hai địa phương có điểm các bài thi, môn thi cao nhất (điểm 10) đều là những thành phố lớn Hà Nội, TPHCM, đều là những nơi có đông dân và giáo dục phát triển. Còn như Nam Định chúng tôi, nếu tính số lượng điểm 10 cũng là top của những địa phương có thành tích giáo dục. Việc điểm 10 tập trung nhiều ở những đô thị lớn và các tỉnh có truyền thống về giáo dục, cũng như một phổ điểm rộng với mức điểm như công bố đã phản ánh đầy đủ, chính xác thành công của một kỳ thi: Công bằng, nghiêm túc, đúng quy chế.
Thuận lợi cho các trường trong công tác tuyển sinh
Một phổ điểm hợp lý với nhiều điểm 10 là điều kiện thuận lợi cho các trường xét tuyển, đây là nhận định của nhiều chuyên gia tuyển sinh khi phân tích. Thực tế cho thấy, khi điểm thi có sự phân hóa cao với từng nhóm thí sinh thì việc xét tuyển với những thí sinh có điểm cao, tương ứng với năng lực học tập và yêu cầu xét tuyển của từng trường là hết sức cần thiết. Điểm thi phân hóa cao, phổ điểm hợp lý đánh giá chính xác năng lực học tập của thí sinh như Kỳ thi THPT quốc gia 2017 này là thuận lợi lớn cho các nhà trường.
Nhận định về việc xét tuyển sinh năm nay, PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - cho rằng: Năm nay điểm chuẩn vào các trường không biến động lớn. Công tác xét tuyển năm nay có nhiều thuận lợi nếu phổ điểm nhỉnh hơn 1 chút so với trước khoảng 0,5 - 1 điểm. Với các trường Y, Dược, các năm trước điểm chuẩn cao là do chỉ tiêu tuyển sinh ít. Nếu năm nay, giả sử thí sinh toàn đạt điểm tuyệt đối đăng ký vào mới lo nhưng tôi nghĩ không rơi vào trường hợp như vậy. Bởi những trường này tổ hợp xét tuyển của họ ít. Còn với những trường như Kinh tế Quốc dân và Bách khoa thì thuận lợi hơn vì chỉ tiêu lớn và nhiều tổ hợp xét tuyển.
Cùng chung nhận định về một phổ điểm hợp lý sẽ giúp các trường thuận lợi nhiều trong tuyển sinh, TS Trương Tiến Tùng - Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội - nhận xét: Phổ điểm của các bài thi, môn thi đã đảm bảo việc đánh giá sát năng lực của thí sinh, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ trong năm 2017. Một phổ điểm như vậy sẽ đáp ứng tốt yêu cầu của các trường, nếu trường có yêu cầu cao về chất lượng đầu vào thì lựa chọn thí sinh tốp điểm cao, còn những trường có yêu cầu thấp hơn thì với mức điểm trung bình trong khoảng 6 - 7 điểm khá phổ biến sẽ thuận cho các trường xét tuyển trong nhóm này.
“Có một điều tôi cho rằng một trong những thành công nhất là kỳ thi đã đảm bảo đánh giá công bằng, khách quan và chính xác năng lực thí sinh, một phổ điểm tương đối rộng, phản ánh chính xác chất lượng giáo dục phổ thông ở các vùng miền. Với Viện Đại học Mở Hà Nội, chúng tôi tuyển sinh trên cả nước, nên việc phổ điểm thể hiện năng lực học tập của thí sinh các vùng miền cũng là kênh thông tin tốt để chúng tôi điều chỉnh chiến lược tuyển sinh ở cả chính quy và đào tạo từ xa sau này” - TS Trương Tiến Tùng nêu rõ.