(GD&TĐ) - LTS: Hai mươi mấy năm qua, cùng với công cuộc đổi mới đất nước và đổi mới giáo dục - đào tạo, các trường đại học ngoài công lập (ĐHNCL) ra đời và phát triển thành hệ thống đã minh chứng cho chủ trương đúng đắn đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Các trường đại học ngoài công lập đã góp phần đáng ghi nhận vào việc phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cho sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế của đất nước. Tuy nhiên, vấn đề mô hình phát triển vẫn là câu hỏi đang đặt ra cho mỗi trường ĐHNCL, nhất là trong điều kiện hiện nay, khi theo Luật GD đại học mới được ban hành, các trường ĐH dân lập sẽ chuyển đổi thành ĐH tư thục. Tại sao có trường ĐHNCL đạt được quy mô phát triển không thua kém trường công, đồng thời cũng có trường đang đứng trước nguy cơ bị đóng cửa? Với bài viết này, Giáo dục & Thời đại mong muốn góp phần trả lời câu hỏi đang đặt ra.
Kỳ I: Những cái chết được báo trước
Đã có luồng dư luận cho rằng: đầu tư mở trường tư thục là “siêu lợi nhuận và an toàn nhất”! GS TSKH Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thẳng thắn mổ xẻ: “...Phần lớn các trường ĐH - CĐ ngoài công lập hoạt động theo phương thức kinh doanh. Họ thu học phí cao, phần ít trả thù lao cho giảng viên, phần còn lại, chủ yếu thuộc về những người đầu tư mở trường dưới hình thức lợi nhuận...”. Thực tế đã và đang cho thấy: cách làm giáo dục như trên đã tự thân nó khẳng định con đường chết…
ĐH dân lập H (nay đang chuyển đổi thành ĐH tư thục) thành lập năm 1996. Hiện nay, ĐH này gần như đã quay lưng hoàn toàn với mục tiêu lớn nhất của nhà trường hồi mới thành lập là “phi lợi nhuận”. Gần 5 tháng nay, cán bộ - giảng viên (CB-GV) của trường không có lương, chỉ được tạm ứng mỗi người 1,5 triệu đồng/tháng. Cả chủ tịch hội đồng quản trị lẫn hiệu trưởng, đều đã bị bãi chức đến gần nửa năm rồi, mà trường vẫn bỏ trống 2 chiếc ghế quan trọng này!?
Đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng đào tạo là yếu tố sống còn với các ĐH ngoài công lập |
Sự tan nát của ĐH H đã được báo trước cả chục năm qua, khi một số vị lãnh đạo nhà trường tự thưởng cho mình thu nhập 50-60 triệu/người/tháng. 16 năm thành lập, trường vẫn phải đi thuê mướn cơ sở vật chất (CSVC) để dạy - học. Đơn cử như năm học (NH) 2008 - 2009, trường thu được 45,945 tỷ đồng; đã chi 42,541 tỷ đồng, trong đó thuê CSVC và khấu hao sửa chữa trên 16 tỷ. Số tiền đã chi còn lại chủ yếu để trả lương, chi hoạt động dạy - học. Hầu như trường chỉ dành vài trăm triệu đồng để tái đầu tư như “muối đổ biển”.
Cùng một thảm cảnh tan nát phải kể đến trường ĐH dân lập V. Sau 15 năm ra đời, trường vẫn long đong kiếp “trường thuê - thầy mướn - trò vơ vét”. Hầu hết các nguồn thu của trường chỉ đủ chi trả lương và thuê mướn CSVC, lấy đâu còn tiền mà tái đầu tư? Năm học rồi, trường đã bị Bộ GD&ĐT đình chỉ mọi hoạt động vì quá yếu kém về CSVC và đội ngũ CB-GV.
Và thực tế đã chứng minh, có một số trường ĐH NCL khác cũng đang lao đao vì số lượng thí sinh tuyển vào hằng năm đều giảm sút. Đó cũng được xem là một trong những dấu hiệu cảnh báo về “những cái chết được báo trước” của các trường. Năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh của ĐH H. T. là 900 sinh viên, trong đó có 400 chỉ tiêu bậc CĐ và 500 chỉ tiêu bậc ĐH. Tuy nhiên nhìn con số SV trường tuyển được qua từng năm không mấy khả quan, năm 2010 trường chỉ có 38 sinh viên vào học. Năm 2011, số sinh viên vào trường lên được 120 em. Năm 2012, trường có 256 thí sinh dự thi ở 3 khối A, A1, D, kết quả là số thí sinh có tổng số điểm 3 môn dưới 13 điểm chiếm hơn 50%... Còn ĐH T. khi vừa thành lập tuyển được khoảng 700 sinh viên, năm sau tuyển được 600 sinh viên và năm 2010 tuyển được 400 sinh viên, đến năm 2011 tuyển 200 sinh viên. Năm nay con số SV đăng ký vào trường cũng không mấy khả quan. Trường ĐH T. T ở phía Nam thành lập năm 2010, qua 3 mùa tuyển sinh nhưng số thí sinh đăng ký dự tuyển chưa vượt qua con số 100. Năm nay, toàn trường chỉ có 73 thí sinh dự thi cho tất cả các ngành, trong khi đó chỉ tiêu của trường là 500 sinh viên… Trường ĐHDL T. ở phía Bắc, những năm trước có điểm chuẩn luôn cao hơn các trường dân lập khác nhưng năm nay, chỉ có 400 thí sinh dự thi có điểm bằng điểm sàn trở lên trong khi trường được dành khoảng 1.500 chỉ tiêu. Trường ĐHDL H. cũng đang “báo động đỏ” khi chỉ có 753 thí sinh có tổng điểm trên 10 điểm (đạt 37% so với chỉ tiêu 2.000). Không khá hơn, trường ĐH P. chỉ tiêu tuyển 2.400 SV trong năm nay nhưng sau khi có kết quả, trường dự kiến chỉ tuyển được dưới 500 chỉ tiêu, còn lại phải trông chờ vào NV2 và NV3, tuy nhiên tình thế cũng không mấy khả quan.
Do tư tưởng “ăn xổi ở thì”, không ít trường ĐH - CĐ dân lập, tự thục của ta đã và đang rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Dễ thấy nhất là đa số CSVC của các trường xập xệ, trang thiết bị dạy học hết sức nghèo nàn, ký túc xá (KTX) không có. Khủng hoảng thứ hai còn đáng lo gấp bội. Hầu hết các trường không thể bố trí đủ CB - GV cơ hữu, số GV thỉnh giảng vẫn chiếm đa số. Đã thế phần lớn CB-GV cơ hữu đều đã nghỉ hưu từ các trường công lập được mời về. Có những trường ĐH tư thục sau 8 - 10 năm thành lập, số CB - GV trình độ cao (GS, TSKH, TS) chỉ đếm trên đầu ngón tay, có những khoa do thạc sĩ đứng đầu. Đến nỗi TS Hồ Bất Khuất phải thốt lên: “...Làm sao các trường ĐH tư thục có thể có đội ngũ GV tốt, trong khi các trường ĐH công lập danh tiếng còn thiếu GV giỏi?!... Những trường ĐH ngoài công lập mới được thành lập về sau này, những người quản lý - điều hành đều là doanh nhân hoặc “có máu doanh nhân” nên chất sư phạm - chất GD ở đây bị hạn chế...”. TS Dương Xuân Thành nhấn mạnh: “...Một điều dễ nhận thấy là các doanh nhân Việt Nam khi lấn sâu sang lĩnh vực GD, họ mang theo một nguồn lợi tài chính dồi dào và kèm theo đó là sự lắt léo, khốc liệt của thương trường. Hệ quả tất yếu là các nhà giáo luôn thua ngay trên mảnh đất mà họ bỏ bao công sức để khai hoang, đắp bờ be đập...”
Khi ăn xổi thì tiền tư túi, chảy vào lương “khủng”, nhưng khi khó khăn thì chính người học và xã hội phải gánh. Trường học ngưng hoạt động không chỉ là vấn đề của giáo dục mà còn là của xã hội, gây mất thời gian, tiền bạc của người học và xã hội. Câu chuyện ở những đơn vị kể trên thật buồn, đó cũng là tín hiệu cảnh báo. TS Nguyễn Kim Dung (Viện Nghiên cứu Giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng cái chết của những trường ĐH ăn xổi ở thì là một tín hiệu báo động để hệ thống giáo dục ĐH ngoài công lập sửa mình nhằm hoạt động hiệu quả hơn.
(Xem tiếp kỳ 2)
Kỳ 3: Nỗ lực tự thân của các trường chưa đủ!