Luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ
Tại Trường Đại học Lâm nghiệp Việt , thầy Trần Văn Chứ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Theo kế hoạch, nhà trường sẽ phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Nội để tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia. Dự kiến nhà trường sẽ huy động khoảng 150 cán bộ, giảng viên để tham gia phối hợp. “Chúng tôi luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ và thực hiện nghiêm túc quy định về thi cử” - thầy Chứ khẳng định.
Cũng theo thầy Chứ, nhà trường cử cán bộ tham gia phục vụ kỳ thi là những người có đạo đức, phẩm chất tốt, có uy tín, trách nhiệm và nhiệt tình với công việc. “Đặc biệt nếu cán bộ, giảng viên nào đã có những sai sót, cho dù là nhỏ ở Kỳ thi THPT quốc gia năm trước, chúng tôi kiên quyết không tái cử tham gia vào kỳ thi năm nay. Nhà trường quán triệt các cán bộ giảng viên tuyệt đối không được để phụ huynh hoặc các thế lực khác mua chuộc mình, phải tận tâm, tận lực và phục vụ kỳ thi tốt nhất có thể” - thầy Chứ cho hay.
Năm nay, Trường Đại học Lạc Hồng được giao nhiệm vụ phối hợp với Sở GD&ĐT Đồng Nai tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia trên địa bàn tỉnh này. Thầy Lâm Thành Hiển - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường dự kiến huy động khoảng 300 cán bộ, giảng viên tham gia phục vụ kỳ thi.
“Chúng tôi yêu cầu các cán bộ, giảng viên phải nắm chắc Quy chế thi, nhất là những điểm mới của kỳ thi năm nay để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Hiện nhà trường đã có kế hoạch tập huấn cho các cán bộ, giảng viên được cử tham gia phục vụ kỳ thi. Đồng thời lưu ý các cán bộ, giảng viên tuyệt đối không để xảy ra những sai sót không đáng có” - thầy Lâm Thành Hiển nhấn mạnh.
Xây dựng các tình huống giả định trong Kỳ thi
Tại trường Đại học Duy Tân, theo thầy Phó hiệu trưởng Võ Thanh Hải, năm nay, nhà trường được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ phối hợp với Sở GD&ĐT Đắk Lắk để tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Nhà trường dự kiến huy động khoảng 500 cán bộ, giảng viên tham gia phục vụ kỳ thi.
Thầy Hải cho biết: Với những cán bộ, giảng viên đã cử tham gia phục vụ kỳ thi, nhà trường yêu cầu sắp xếp thời gian, kế hoạch giảng dạy để sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. “Chúng tôi đặc biệt chú trọng đến công tác tập huấn trước kỳ thi cho cán bộ giảng viên, trong đó lưu ý các cán bộ, giảng viên trong việc thực hiện quy chế thi và những công việc mà giám thị phải làm. Đặc biệt là cách phát hiện một số lỗi vi phạm quy chế thi của thí sinh để đảm bảo tính công bằng, khách quan của kỳ thi” - thầy Hải cho biết.
Cụm thi số 8 tại tỉnh Lào Cai được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ cho Sở GD&ĐT Lào Cai chủ trì, đơn vị phối hợp là Viện Đại học mở Hà Nội và Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai. Theo thầy Trương Tiến Tùng - Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội, ngay sau khi nhận được công văn giao nhiệm vụ của Bộ phối hợp với Sở GD&ĐT Lào Cai, nhà trường đã thành lập Ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn cho cán bộ, giảng viên được cử tham gia phục vụ kỳ thi.
Theo đó, nhà trường tiếp nhận các tài liệu liên quan đến kỳ thi, sau đó xây dựng thành bộ tài liệu riêng rồi tổ chức tập huấn cho tất cả các đồng chí từ hiệu trưởng cho đến các trưởng, phó khoa. Các đồng chí này sẽ là tuyên truyền viên để tập huấn cho cán bộ, giảng viên của khoa mình.
Cũng theo thầy Tùng, nhà trường đã huy động 280 cán bộ, giảng viên tham gia và sẽ tổ chức tập huấn thành 3 vòng. Hiện đã tổ chức được 2 vòng, với các nội dung: Quán triệt quy chế thi và những điểm mới của kỳ thi năm nay. Sau đó tham gia xử lý các bài tập tình huống giả định trước trong, và sau kỳ thi như: Khi phát hiện thí sinh mang điện thoại vào phòng thi thì xử lý như thế nào; hoặc xử lý như thế nào khi phát hiện thí sinh quay bài... “Kết thúc các bài tập tình huống giả định, nhà trường yêu cầu cán bộ, giảng viên viết bài thu hoạch, nếu đạt tiêu chuẩn thì mới quyết định cử cán bộ đó tham gia phục vụ kỳ thi THPT quốc gia” - thầy Tùng trao đổi.
Thầy Tùng cho biết, tập huấn vòng 3 sẽ được triển khai, thực hiện ở các điểm thi với 2 mục đích: Một là trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình phục vụ kỳ thi đồng thời tuyên truyền những điểm mới, quan điểm chủ trương của Bộ GD&ĐT; hai là làm công tác dân vận, công tác xã hội. Chúng tôi có thể hỗ trợ địa phương về cơ sở vật chất, hoặc hỗ trợ tiền để cải tạo, tặng sách, vở đồ dùng học tập cho các em học sinh...” - thầy Tùng dẫn giải.