Các thông tin về kỳ thi THPT quốc gia được dư luận đặc biệt quan tâm

GD&TĐ - Tuần qua, bên cạnh các thông tin xử lý vi phạm gian lận thi cử kỳ thi THPT quốc gia 2018, các thông tin chi tiết về kỳ thi năm nay được dư luận, các bậc phụ huynh và học sinh quan tâm ở mọi khía cạnh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về kỳ thi THPT quốc gia

Theo thông tin hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về việc tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2019, chậm nhất ngày 25/4 thí sinh đăng ký hồ sơ không hợp lệ sẽ được phản hồi để điều chỉnh bằng địa chỉ gmail hoặc số điện thoại thí sinh ghi trong hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia 2019.

Theo đó, ngày 20/4 là hạn nộp hồ sơ cuối cùng, bắt đầu từ ngày này, thí sinh sẽ không được điều chỉnh bài thi cũng như địa điểm thi THPT quốc gia năm 2019.

Khi đăng nhập vào hệ thống quản lý thi, thí sinh có thể biết được tất cả các thông tin mình đã đăng ký. Những thông tin sai sót trong khi đăng ký sẽ được phản hồi trước ngày 25/4. Các thông tin khác về công nhận tốt nghiệp THPT; Giấy báo dự thi; Địa điểm thi; Kết quả xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông; Kết quả xét tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp sẽ có phản hồi sai sót trước ngày 25/5.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT quốc gia 2019 trên cả nước có hơn 886 nghìn thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có hơn 653 nghìn thí sinh đăng ký lấy kết quả để xét tuyển đại học.

Bộ GD&ĐT cũng cho biết, đề thi năm nay sẽ bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12. Một trong những giải pháp để nâng cao kết quả kỳ thi là tổ chức tốt hoạt động dạy học; ôn thi hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm.

Bộ GD&ĐT yêu cầu các đơn vị đăng ký dự thi phải hoàn thành việc nhập Hồ sơ đăng ký dự thi cho thí sinh chậm nhất là ngày 25/4. Đối với Phiếu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT và hồ sơ xét công nhận tốt nghiệp THPT kèm theo; nhập dữ liệu của thí sinh vào Hệ thống quản lý thi cũng phải trước ngày 25/5 là các đơn vị đăng ký dự thi phải hoàn thành.

Khi nhập xong dữ liệu, cán bộ máy tính sẽ in thông tin đăng ký xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông của thí sinh từ Hệ thống quản lý thi, giao cho giáo viên chủ nhiệm hoặc cán bộ được phân công tổ chức cho học sinh rà soát, ký xác nhận.

Song song đó sẽ kiểm tra hồ sơ đăng ký dự thi và các hồ sơ có liên quan đến kỳ thi, xem xét điều kiện dự thi của từng thí sinh, xác nhận tư cách thí sinh, quyết định không cho thí sinh dự thi nếu không đủ điều kiện và hồ sơ hợp lệ và thông báo trực tiếp cho thí sinh.

Đặc biệt, Bộ GD&ĐT cũng lưu ý các thí sinh phải chuẩn bị Chứng minh nhân dân để đăng ký dự thi. Trong trường hợp không có Chứng minh nhân dân thì Hệ thống quản lý thi sẽ gán cho thí sinh một mã số gồm 12 ký tự để quản lý.

Đối với những thí sinh muốn điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ, TC thì phải đăng ký số điện thoại, email của mình khi đăng ký dự thi. Sau khi nộp Phiếu đăng ký dự thi, thí sinh sẽ được đơn vị đăng ký dự thi cấp một tài khoản và mật khẩu để đăng nhập vào Hệ thống quản lý thi qua internet tại địa chỉ http://thisinh.thithptquocgia.edu.vn.

Tài khoản này được thí sinh dùng để đăng nhập vào Hệ thống quản lý thi từ khi đăng ký dự thi đến khi xem kết quả thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT, xét tuyển sinh ĐH, CĐ, TC. Để bảo mật thông tin. Thí sinh nhận được tài khoản và mật khẩu thí sinh nên thay đổi ngay mật khẩu và bảo mật tài khoản và mật khẩu của mình.

Trong trường hợp thí sinh quên tài khoản và mật khẩu, cách duy nhất là liên hệ với đơn vị đăng ký dự thi để xin cấp lại.

Cơ quan an ninh điều tra đọc quyết định khởi tố ông Đặng Hữu Thủy - phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu, ủy viên tổ chấm thi trắc nghiệm, trong vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La - Ảnh: Cơ quan an ninh
 Cơ quan an ninh điều tra đọc quyết định khởi tố ông Đặng Hữu Thủy - phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu, ủy viên tổ chấm thi trắc nghiệm, trong vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La - Ảnh: Cơ quan an ninh

Xử lý nghiêm gian lận thi cử để làm án lệ, bài học kinh nghiệm cho kỳ thi sau

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, ông không chấp nhận những cán bộ, giáo viên có hành vi gian lận điểm thi cho thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 - được tiếp tục đứng trong hàng ngũ của ngành.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc, trong số 222 thí sinh được nâng điểm thi THPT quốc gia 2018, nhiều em là con em cán bộ ngành Giáo dục. Quan điểm của Bộ trưởng như thế nào trong việc xử lý những cán bộ này nếu họ bị cơ quan điều tra kết luận là có hành vi gian lận điểm thi cho thí sinh?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: “Thi cử phải nghiêm túc, kết quả thi phải đảm bảo trung thực, khách quan. Tôi rất đau lòng và không thể chấp nhận những cán bộ, viên chức ngành giáo dục bị kết luận là có hành vi gian lận điểm thi cho thí sinh. Hành vi này vi phạm đạo đức nhà giáo, thậm chí còn vi phạm nghiêm trọng pháp luật. Bộ GD&ĐT không chấp nhận những cán bộ, viên chức với nhân cách như thế được tiếp tục đứng trong hàng ngũ của ngành.

Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương xem xét xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức trong ngành giáo dục có hành vi gian lận điểm thi cho con em mình. Tinh thần là cương quyết đưa ra khỏi ngành Giáo dục những cán bộ này.

Bộ đang tích cực phối hợp với Bộ Công an nhanh chóng xác định đối tượng vị phạm để xử lý nghiêm minh, công bằng, chính xác, không bao che và công khai, minh bạch.”

Việc xử lý trong năm 2018 sẽ như một tiền lệ và cũng như một thông điệp mạnh mẽ rằng: Mọi gian lận trong năm 2019 và những năm tiếp theo sẽ bị phát hiện và đã phát hiện sẽ xử lý nghiêm, thậm chí càng về sau càng xử lý nghiêm khắc, mạnh mẽ hơn những năm trước.

Liên quan đến nội dung này, trả lời câu hỏi của phóng viên truyền hình VTV1: “Những hình thức trong quy chế đã đủ tính răn đe, cảnh báo người có ý định sai phạm?”, theo PGS Mai Văn Trinh, quy chế về cơ bản đã hình dung, dự báo và đã có những phương án xử lý phù hợp với từng mức độ.

Đơn cử, đối với thí sinh có mức độ trừ điểm từ 25%-50% số điểm bài thi; cao nữa là hủy bài thi và cao hơn nữa là xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với cán bộ trong ngành Giáo dục, quan điểm của Bộ GD&ĐT là xử lý một cách nghiêm túc, công khai, minh bạch; kiên quyết đưa ra khỏi ngành cán bộ, giáo viên sai phạm, vi phạm trong gian lận thi cử vừa qua.

“Đây là răn đe, là thông điệp mạnh mẽ gửi tới toàn xã hội, thí sinh, nhà giáo trong kỳ thi THPT quốc gia 2019 và những kỳ thi tiếp năm theo” – PGS Mai Văn Trinh nhấn mạnh.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và các đại biểu tại Lễ phát động “Triển khai Kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một trường học hạnh phúc” (Ảnh: PHC)
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và các đại biểu tại  Lễ phát động “Triển khai Kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một trường học hạnh phúc” (Ảnh: PHC)

Nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một trường học hạnh phúc

Trong tuần qua, tại trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT, Kênh Truyền hình Giáo dục Quốc gia VTV7- Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ phát động “Triển khai Kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một trường học hạnh phúc”. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đến dự, chính thức phát động toàn quốc triển khai kế hoạch.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh 3 tiêu chí quan trọng để xây dựng trường học hạnh phúc là: yêu thương, an toàn và tôn trọng. “Khái niệm “trường học hạnh phúc” mà chương trình này hướng tới không phải cái gì đó to tát mà đơn giản là mỗi người cảm thấy ngày hôm nay của mình tốt hơn ngày hôm qua; khi đến trường được vui vẻ, an tâm làm việc, sáng tạo; được tin tưởng, tôn trọng và mọi người cùng giúp đỡ nhau để bản thân, nhà trường phát triển”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng đặc biệt nhấn mạnh môi trường nhà trường phải an toàn để từ giáo viên đến học sinh được yên tâm dạy học và sáng tạo. Tới đây, khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, các nhà trường phải làm sao để cán bộ, giáo viên vững tin là mình được đổi mới, sáng tạo và đồng nghiệp sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ.

Bộ trưởng hy vọng việc triển khai kế hoạch này sẽ đem lại kết quả thiết thực, giúp các thầy cô, học sinh, người lao động trong nhà trường cảm thấy hạnh phúc, yêu thích việc đến trường hơn. Tuy nhiên, khi xây dựng kế hoạch, ngành giáo dục không sử dụng văn bản có tính quán triệt, mệnh lệnh hành chính để chỉ đạo các nhà trường, thầy cô làm theo.

“Chúng tôi không đặt vấn đề và không cho phép các nhà trường, sở giáo dục mang hoạt động xây dựng môi trường học tập hạnh phúc ra để thi đua. Đây phải là hoạt động có tính chất thiết thực, vì lợi ích của từng thành viên trong nhà trường và như vậy thì chẳng cần văn bản chỉ đạo hay mệnh lệnh hành chính, các thầy cô, học trò cũng tự nguyện tham gia”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.